Nhà văn viết trinh thám hình sự và nỗi ám ảnh sát thủ, tử tù, trại giam...

22/04/2016 14:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Truyện trinh thám là thể loại văn học được ưa chuộng trên toàn thế giới. Để sáng tác được một tác phẩm trinh thám, tác giả phải có quá trình tìm hiểu, thực tế, tưởng tượng và hóa thân vào câu truyện mà đôi khi chính điều đó đã gây ám ảnh cho cuộc sống của họ.

Ngày 21/4, nhân sự kiện Ngày sách Việt Nam, ba tác giả truyện trinh thám hình sự là Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú đã giao lưu cùng với độc giả, những người yêu thích thể loại chuyện trinh thám.

Hình sự và trinh thám là thể loại văn học được ưa chộng trên toàn thế giới. Đây là thể loại có cốt chuyện ly kỳ, hấp dẫn, tạo cảm giác hồi hộp cho người xem và đặc biệt là tính logic trong từng chi tiết chuyện khiến người đọc luôn phải tập trung theo dõi.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Sát thủ online. Tác phẩm đạt giải A cuộc thi của Bộ Công an và cũng đã được chuyển thể thành phim. Đây là tiểu thuyết đầu tiên về tội phạm mạng với bối cảnh là môi trường Internet, phản ánh về một khoảng tối nơi những con người bị dẫn dụ vào thế giới ảo. Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà văn Xuân Thủy cho biết: “Đã có rất nhiều người hỏi thắc mắc rằng, để viết ra được tiểu thuyết này, liệu tôi có phải suốt ngày lê la ở quán game online không? Câu trả lời là không”. Anh cho biết, khi đi thực tế để có thêm tư liệu viết, anh đã đi vào các trại giam thay vì ngồi lê la ở quán game.


Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà văn Di Li trong buổi giao lưu với các độc giả

Những chuyến đi vào trại giam đã cho anh những cái nhìn rất đa chiều về tội phạm. “Tôi được đi thực tế các trại giam, trong đó có những trại giam toàn nữ, hoặc trại giam toàn nam và được nghe những câu chuyện ở trong trại. Nhưng nó vẫn chưa ám ảnh tôi bằng những câu chuyện khi tôi đến khu dành cho trẻ vị thành niên”. Những khuôn mặt non tơ, đeo kính cận rất dày, các em vẫn cười những nụ cười hồn nhiên như thiên thần. Chính những đôi môi như thiên thần ấy nói về tội ác của mình một cách rất thản nhiên. Các em không nghĩ rằng mình đã làm những việc gây hậu quả như thế nào. Đa phần những tội ác đấy đều bắt nguồn từ thế giới ảo. Các em sống trong thế giới ảo và giết người trong thế giới thật. “Tôi ám ảnh vô cùng” – nhà văn Xuân Thủy cho biết.

Cũng tại buổi giao lưu, nhà văn Di Li, tác giả của hai tiểu thuyết trinh thám Trại hoa đỏ Câu lạc bộ số 7 chia sẻ về khoảng thời gian đầu viết tiểu thuyết trinh thám đầu tay – Trại hoa đỏ. Chị cho biết, khi đó, chị thậm chí còn không biết hệ thống cảnh sát ở Việt Nam được thiết kế như thế nào, ban ngành nào phụ trách án nào? Để có thể viết được truyện trinh thám, chị đã phải tìm hiểu qua hàng trăm cuốn sách về tâm lý học, tâm lý học tội phạm, luật hình sự, giám định pháp y và các tác phẩm trinh thám nổi tiếng trên thế giới.

Trong quãng thời gian viết truyện, chị đã thực sự nhập tâm vào nhân vật. Khi được hỏi rằng “Có bao giờ chị sợ hãi chính câu chuyện của mình hay không?” Chị trả lời: “Rất nhiều chó, mèo trong nhà tôi đã bị tôi đánh đòn oan bởi vì khi tôi miêu tả một trường đoạn trong tiểu thuyết, những căn hầm, tầng gác mái... khi đó tôi thực sự đang chìm vào trong tưởng tượng, chìm vào thế giới của câu chuyện, thực sự cũng khiến tôi rất sợ hãi”.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú, là tác giả của ba tiểu thuyết hình sự trong số hơn chục đầu sách đã phát hành: Hồ sơ một tử tù (tác phẩm đã được chuyển thể thành 11 tập trong seri phim Cảnh sát hình sự), Phiên bản (được chuyển thể thành phim nhựa Hương Ga) và mới đây nhất là tác phẩm Cô Mặc Sầu. Anh xuất thân là người học luật, làm việc trong cơ quan bản vệ pháp luật. Anh đã từng tham gia rất nhiều vụ khám nghiệm tử thi, tham gia xét sử vụ án, đã từng thăm qua rất nhiều nhà tù. Cũng như nhà văn Xuân Thủy, điều làm anh ám ảnh nhất cũng là khi anh đi đến nhà tù.

“Mỗi khi tôi vào trại giam tống đạt văn bản, cáo trạng luận tội và khi tôi ra khỏi khu vực trại giam, ánh mắt của người tù qua song sắt nhìn theo tôi khiến tôi thấy ám ảnh vô cùng. Tôi tự hỏi rằng mình có 24 tiếng một ngày để ăn, ngủ, nghỉ, chơi thể thao... Vậy thì người tù sẽ làm gì suốt 24 giờ ấy trong phòng giam? Nhất là những phạm nhân nhận án tử hình và đang trong thời gian chờ chấp thuận đơn xin tha án tử của Chủ tịch nước. Đó là khoảng thời gian vô cùng khủng khiếp đối với họ. Họ rất sợ vào những đêm có tiếng bước chân của đoàn người đến. Đó có thể là bước chân tuyên bố đã bị bác đơn và sau đây nghe quyết định thi hành án tử hình”.

Ở Việt Nam, truyện trinh thám hình sự còn rất nhiều khoảng trống. Độc giả Việt Nam vẫn thích thú đọc và chú ý nhiều đến tiểu thuyết trinh thám của các nhà văn tài năng trên thế giới như Conan Doyle, Agatha Christie, Dan Brown... Nhưng cũng luôn mong muốn có những nhà văn Việt Nam sáng tác tiểu thuyết trinh thám thỏa mãn nhu cầu đọc của công chúng.

Để viết nên một tác phẩm hay, các nhà văn chấp nhận xâm nhập thực tế, xâm nhập thế giới của nhân vật để có được những cảm xúc thật mà đôi khi điều đó khiến họ bị ám ảnh. Các tác phẩm của ba tác giả Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy như một sự nỗ lực không ngừng để viết tên Việt Nam lên bản đồ văn học truyện trinh thám Thế giới.

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm