Ra mắt tiểu thuyết "Mất ký ức" của Nguyễn Quỳnh Trang

18/10/2012 22:00 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH Online) - Vào hồi 18h hôm nay (18/10), tại Hội trường L’Escape – Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt tiểu thuyết “Mất ký ức”, và tái bản cuốn tiểu thuyết “1981”, “Nhiều cách sống” của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Quỳnh Trang. Nhà văn Lê Minh Khuê, nhà thơ – nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cùng sát cánh bên tác giả, dẫn dắt buổi lễ.

“Tuổi trẻ luôn hoang mang, lo lắng và quẩn quanh. Họ kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống nhưng không được, họ tìm đến những thú vui nhưng càng đi sâu vào những  thú vui đó, họ càng rệu rã. Và “mất kí ức” chính là cách ho quên đi nỗi đau, quên đi họ là ai”, đó là lời mở đầu của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang về cuốn tiểu thuyết mới “Mất ký ức”.

“Mất kí ức” là câu chuyện xoay quanh 4 nhân vật chính gồm Jona - người kể chuyện, Q.T - một ca sĩ nổi danh (theo như lời tác giả, đó chính là bản thân mình), Kun - bạn trai của Jona và Run – một người đàn ông bí ẩn. Một ngày kia, Kun bỗng mất tích trong một thành phố ngập bụi và chết mòn, nơi con người chỉ có thể sống trong các tòa nhà được nối với nhau bằng hệ thống hành lang kính cùng các cỗ máy lọc khổng lồ. Để vượt qua, Jona phải sống qua rất nhiều ngày trong rừng cùng Run, trong thành phố cùng Q.T, chiến đấu với nỗi đau và sự giận dữ.

Lễ ra mắt tiểu thuyết "Mất ký ức"

Nhà văn Lê Minh Khuê nhận định: “Tác giả đã xây dựng cốt truyện theo một cách khá lạ, các chương là các tiểu mục khá “vụn”, hình bóng các nhân vật hiện lên mờ ảo, dù thông điệp của tác phẩm là kêu gọi con người quay trở lại đời sống thực nhưng cách truyền đạt của tác giả có cái gì đó mơ hồ mà rất 'văn'”.

Còn nhà phê bình – nhà thơ Nguyễn Chí Hoan đã tìm thấy điểm kết nối hệ thống lại 3 tác phẩm “Mất trí nhớ”, “1981” và “Nhiều cách sống” của Quỳnh Trang: “Ba tác phẩm có cùng một đề tài, tác phẩm này biến chuyển thành tác phẩm kia. Theo tôi, “Nhiều cách sống” là một sự lựa chọn, một sự phân vân. Đằng sau sự lựa chọn, phân vân ấy là một vấn đề vừa mới lại vừa cũ”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đặt một câu hỏi đơn giản nhưng là thắc mắc của phần lớn những người trẻ tại buổi ra mắt: “Lí do tại sao Nguyễn Quỳnh Trang lại đặt tên các nhân lạ lạ, nữa Tây nửa ta và mang ý nghĩa qui ước (Q.T, Jun, Run, Jona) như vậy?”

Nhà văn Dương Tường



Đạo diễn Quốc Trọng tới chia vui với nhà văn Quỳnh Trang.

“Những nhân vật của tôi không rõ ràng bởi vì cô ta đã bị “mất kí ức”, vì vậy những gì đọng lại trong cô ấy rất sơ sài và mông lung. Bên cạnh đó, nội dung tác phẩm là hành trình tìm về kí ức nội tâm, vì vậy hình dạng, tên tuổi không còn quan trọng nữa”, nhà văn trẻ trả lời.

Nhưng theo một số ý kiến, nên đặt tên nhân vật thuần Việt để kéo nhân vật lại gần hơn với công chúng hơn.

Một chi tiết cũng gây chú ý trong tác phẩm đó là yếu tố “sex” được tác giả miêu tả theo một cách rất riêng. Theo như nhà văn Lê Minh Khuê: “Nhiều người viết về sex rất cẩu thả, kinh khủng nhưng cái sex trong văn của Quỳnh Trang lại mang đầy tâm trạng, có thể là tò mò, là ranh mãnh, thậm chí là không có cảm xúc. Chính vì sự đa dạng này đã khiến sex trong tác phẩm này trở nên đáng đọc, làm tổng thể tác phẩm thêm cuốn hút”.

Bên cạnh những ý kiến của các diễn giả, trong hội trường còn có sự có mặt của một số nhân vật như nhà văn Dương Tường, đạo diễn Quốc Trọng, nhà văn Di Li… Khi được mời nêu những nhận xét của mình về tác phẩm cũng như người bạn, người đồng nghiệp cùng thời, nhà văn Di Li đã nói: “Quỳnh Trang là một trong số ít những nhà văn có giọng văn đẹp. Trang luôn trăn trở và đắn đo làm sao để cuốn sách sau hay hơn cuốn sách trước, và điều đó đã được thể hiện rất rõ nét trong chùm ba tác phẩm này”.

Buổi ra mắt kết thúc tốt đẹp vào lúc 20h10 nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của những độc giả trẻ. Hy vọng, Nguyễn Quỳnh Trang duy trì được sức viết dồi dào sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm hay hơn về giới trẻ và cuộc sống.

Bài & ảnh: Vũ Huy Hoàng



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm