16/08/2016 07:49 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây hơn nửa thế kỷ, Jerrie Mock là một bà nội trợ bình thường ở thành phố Columbus, bang Ohio (Mỹ). Vậy mà bằng quyết tâm, cô đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lái máy bay vòng quanh thế giới. Nhưng thành công này dường như bị lịch sử lãng quên.
Ngày 19/3/1964, Jerrie Mock điều khiển chiếc máy bay rời Columbus vào buổi sáng. Cô nghe thấy giọng từ đài kiểm soát không lưu nói qua loa phóng thanh với đám đông tụ tập bên dưới tiễn cô bay tới Bermuda: “Tôi đoán rằng đó là lần cuối cùng chúng ta nghe tin về cô ấy”. Tất nhiên là ông nói đùa, nhưng lời nói đùa mang phần cảnh báo.
Mock chỉ có một mình trên chiếc máy bay không to hơn chiếc xe tải chở hàng là mấy, xung quanh là mấy thùng xăng. Cô một mình tìm đường tới đảo Bermuda bằng compa và biểu đồ. Không thể thông báo vị trí hoặc gọi điện trong trường hợp khẩn cấp, Mock rất có thể sẽ trở thành Amelia Earhart - người phụ nữ tìm cách bay vòng quanh thế giới rồi mất tích ở biển, không tìm thấy xác.
Khi bay, Earhart là một phi công chuyên nghiệp, trên máy bay có một người dẫn đường. Còn Mock là một bà mẹ ba con, làm nội trợ và bay một mình.
Earhart đã bay qua cả hai đại dương, còn Mock mới có bằng phi công được 7 năm, chưa bao giờ bay ra ngoài quần đảo Bahamas. Máy bay của Earhart thuộc dạng mới, hai động cơ, còn máy bay của Mock là chiếc Cessna một động cơ, 11 năm tuổi và được quét một lớp sơn mới để che những vết nứt và gỉ.
Khi bay lên trời, đột ngột bị mất liên lạc với mặt đất, Mock đã tính đến chuyện quay về. Cô không bay vòng quanh thế giới vì tiền hoặc danh tiếng. Lúc đầu, cô thậm chí còn không nghĩ là mình có thể lập kỷ lục. Động lực ban đầu để Mock thực hiện chuyến bay là cô thấy buồn chán. Tuy nhiên, trong những tháng trước khi cất cánh, chuyến bay không chỉ là giấc mơ của một bà nội trợ.
Khi người chồng tham vọng của Mock đã xin được tài trợ và mời báo chí đưa tin về sự kiện thì một phụ nữ khác có kinh nghiệm hơn và máy bay nhanh hơn cũng thông báo sẽ thực hiện hành trình vòng quanh thế giới. Khi người này tiến tới tam giác Bermuda, Mock buộc phải phớt lờ hiểm nguy và tiếp tục bay, cảm thấy bị áp lực phải thắng trong một cuộc đua mà cô chưa bao giờ định dấn thân vào.
29 ngày sau, khi Mock hoàn thành chuyến bay vào ngày 17/4/1964, lẽ ra cô có thể trở thành “cục cưng” của nước Mỹ, trở thành người nổi tiếng. Khi xuất hiện trên chương trình trò chơi “To Tell the Truth” (Để nói sự thật) sau chuyến bay, một thành viên ban giám khảo tên là Orson Bean đã tuyên bố: “Cô có vẻ ngoài xinh đẹp, đặc trưng của Mỹ và tôi cho rằng khi người ta làm phim, diễn viên Doris Day sẽ vào vai”.
Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ qua, Hollywood không có bộ phim nào về bà. Mãi đến gần đây, có một bức tượng của bà Mock được dựng lên ở nơi bà sinh ra là Ohio. Sảnh Danh vọng Hàng không Quốc gia ở Dayton (Ohio) không có thông tin gì về Jerrie Mock. Các thành viên ủy ban bỏ phiếu chọn nhân vật được vinh danh ở Sảnh Danh vọng Hàng không Quốc gia không biết Jerrie Mock là ai và đã gạch tên bà trong cuộc bỏ phiếu năm 2003.
Lớn lên ở vùng nông thôn Newark, bang Ohio, Jerrie muốn khác biệt. Cô từng nói: “Tôi không muốn làm những gì mà các cô gái làm. Những gì mà con gái làm rất nhàm chán”.
Sau khi gia đình cho cô đi máy bay lần đầu tại một sân bay trong vùng, cô bé Jerrie 7 tuổi tuyên bố muốn trở thành một phi công. Vài năm sau, khi nghe đài phát thanh nói về cuộc phiêu lưu của thần tượng Amelia Earhart, cô mở rộng mục tiêu so với mục tiêu ban đầu là bay xuyên Ohio. Cô nói: “Tôi muốn nhìn thế giới. Tôi muốn nhìn đại dương, rừng rậm, sa mạc và con người”.
Jerrie trở thành nữ sinh duy nhất đăng ký chuyên ngành kỹ thuật hàng không tại trường Đại học bang Ohio. Nam sinh viên không dám trêu chọc cô sau khi cô đạt điểm hoàn hảo trong kỳ thi hóa học.
Tuy nhiên, vào năm 1945, đối với một phụ nữ, ước mơ làm trong ngành hàng không là điều không thực tế. 20 tuổi, Jerrie bỏ học để lấy Russe Mock, một thanh niên thông minh, tự tin được cô để mắt từ thời trung học. Họ có ba người con và định cư ở Bexley.
Khi thấy cuộc sống nhàm chán, Jerrie bắt đầu học lái máy bay trong thời gian các con đi học. Sau khi cả cô và chồng đều có bằng phi công, họ chung tiền mua một chiếc Cessna 180 bốn chỗ, thay nhau lái đi nghỉ cuối tuần và đi công tác. Dù vậy, Jerrie lúc nào cũng cảm thấy mình phải làm nhiều hơn nữa và làm điều đặc biệt.
Một tối bên bàn ăn, Jerrie phàn nàn với chồng là cô chán ở nhà cả ngày, muốn đi đây đó. Chồng cô đùa cợt: “Có lẽ em cần lên máy bay và bay vòng quanh thế giới” mà không ngờ vợ lại nghiêm túc nói: “Tốt thôi. Em sẽ làm”.
Được gia đình khuyến khích, Jerrie gọi điện tới Hiệp hội Hàng không Quốc gia, hi vọng xin được bản đồ cho chuyến bay vòng quanh thế giới. Cô biết rằng chưa có phụ nữ nào từng làm được điều này. Jerrie đã dành hơn một năm để chuẩn bị, gặp gỡ các quan chức không quân vốn nghĩ cô điên rồ nhưng cũng giúp cô vẽ bản đồ lộ trình với 19 điểm dừng. Để xin phép hạ cánh tại 19 điểm này, cô đã phải tìm hiểu rất nhiều quy định, liên lạc với các đại sứ quán nước ngoài để đảm bảo họ không nghĩ cô là gián điệp.
Máy bay của Jerrie được cô đặt tên là Spirit of Columbus (Tinh thần Columbus), có một động cơ, một radio tầm xa và trên ba ghế ngồi còn lại, cô đặt các bình xăng đủ cho hành trình vượt đại dương. Mẹ chồng Jerrie đồng ý trông ba cháu nội, Roger và Gary lúc đó hơn 10 tuổi và bé Valerie 3 tuổi.
Chồng Jerrie thuyết phục tờ Columbus Dispatch chi 10.000 USD cho chuyến bay (tương đương 75.000 USD thời nay) để tờ này được đưa tin độc quyền về “bà nội trợ bay”. Để quảng bá trước chuyến bay, tờ báo đưa tin đậm nét về Jerrie cùng các câu nói của cô trên trang nhất. Lúc đó, không nhiều người tin vào thành công của Jerrie Mock.
Kỳ tới: Cuộc đua bất ngờ
Theo Thùy Dương/Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất