‘Người phán xử’: Đúng giai đoạn kịch tính nhất, phim 'xuống tay'

22/04/2017 11:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) – Người phán xử đã gây ấn tượng mạnh với nhân vật ông trùm xứng danh “Bố già”. Nhưng đúng giai đoạn câu chuyện phim kịch tính nhất, thì những tập gần đây có dấu hiệu xuống tay.

Người phán xử hiện đã phát sóng tới tập 9, thời điểm đế chế Phan Thị đang đứng trước mối đe dọa lớn. Thế “Chột” (Chu Hùng đóng), kẻ thù không đội trời chung của ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) đã mãn hạn tù sớm. Sau khi thuê người ám sát Phan Quân không thành, Thế “Chột” đang tiến hành hàng loạt âm mưu tấn công vào tập đoàn Phan Thị. Đời sống cá nhân của ông trùm cũng sẽ có xáo trộn lớn khi đứa con rơi của ông – chuyên gia tâm lý Lê Thành (Hồng Đăng) muốn tìm lại bố. Tập 9, Lê Thành đã đối mặt với Phan Quân tuyên bố: “Tôi muốn tìm ông bố thất lạc”. 


Từ trái qua: Hồng Đăng, NSND Hoàng, Việt Anh. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Hai nhân vật chính trong 9 tập đầu là ông trùm Phan Quân và con trai Phan Hải đã được khắc họa rất sắc nét. Diễn xuất của NSND Hoàng Dũng khiến khán giả tin ông là một ông trùm đầy quyền uy, mưu lược. Từ giọng nói, nét mặt, đến chuyển động cơ thể của Hoàng Dũng đều vô cùng thuyết phục. Diễn xuất của ông rất khó đoán, và đó là điều làm nên sức hấp dẫn của nhân vật ông trùm.

Việt Anh đã đáp ứng vai diễn Phan Hải rất tốt. Anh diễn ra chất một “cậu Giời” ngông cuồng, nóng nảy, hành động theo bản năng. Hai thầy trò Việt Anh và NSND Hoàng Dũng đã có những màn đối thoại, diễn chung rất ăn ý trong phim.

Việt Anh diễn rất đạt vai một "cậu ấm" ngông cuồng, nóng nảy, một người đàn ông thiếu trách nhiệm với gia đình. Nguồn: VTV

Trong khi đó Hồng Đăng, người giữ vai quan trọng (Lê Thành, con rơi của ông trùm) lại diễn khá căng thẳng.

Hồng Đăng vào vai một chuyên gia tâm lý có tính cách lạnh lùng. Có vẻ như các đạo diễn đã khắc họa vẻ lạnh lùng này hơi quá tay, khi để Lê Thành ứng xử với người yêu hiện tại (Lưu Đê Ly đóng) như với bạn bè, chứ không phải người yêu nhau. Cách Lê Thành tư vấn tâm lý cho các bệnh nhân cũng rất xa cách, có xu hướng thúc đẩy người ta hành động theo hướng tiêu cực, thay vì cho thấy mình là chỗ dựa của những người cần mình.


Hồng Đăng trong vai chuyên viên tâm lý Lê Thành

Trường đoạn Lê Thành mặt đối mặt với ông trùm Phan Quân là một trong những trường đoạn tâm lý rất khó. Vì Hồng Đăng sẽ phải thể hiện được tâm lý phức tạp: cố gắng tỏ ra cứng cỏi trước một ông trùm, che giấu sự hồi hộp, nôn nóng muốn tìm được cha.

Trong trường đoạn này, NSND Hoàng Dũng diễn quá tốt, còn Hồng Đăng dường như đã bị áp lực tâm lý. Có đoạn thoại Lê Thành cho biết anh đã tìm hiểu về Phan Quân, nhưng cách thoại của Hồng Đăng cho thấy anh đang đọc chứ không phải hóa thân. 

Hồng Đăng tỏ ra khá căng thẳng trong trường đoạn này. Nguồn: VTV

Hồng Đăng chưa cho thấy tìm tòi nào mới về diễn xuất, anh diễn không khác các vai trong những bộ phim truyền hình gần nhất anh tham gia như: Zippo, Mù tạt & Em; Matxcơva – Mùa thay lá.

Hai vai diễn Lương “Bổng” và Thế “Chột” cũng chưa đáp ứng được tiêu chí “xã hội đen” nặng ký của Người phán xử. Dù NSƯT Trung Anh đã cố gắng khai thác gương mặt góc cạnh (đã được hóa trang thêm cho “ngầu”) nhưng biểu cảm gương mặt và giọng nói của anh chưa thể hiện được cái uy “cánh tay phải của ông trùm”, anh giống với một quản gia hơn.  

Thế “Chột” qua diễn xuất của diễn viên Chu Hùng cũng chưa đủ thuyết phục khán giả tin ông là kẻ thù lớn nhất của ông trùm Phan Quân. 


NSƯT Trung Anh thể hiện vai "Lương Bổng". Nguồn: VTV

Để xảy ra điều này, một phần là do kịch bản, và cách dàn dựng của đạo diễn. Chân dung Thế “Chột” phần lớn hiện lên qua lời kể của Lương “Bổng”, nghe thì rất ghê gớm: Một kẻ luôn giấu mình đến mức không ai biết hắn là ông trùm, một kẻ có khả năng thuyết phục người khác sống chết vì gã, một bạo chúa được lòng dân... 

Tuy nhiên, phần hành động của nhân vật này được dàn dựng hơi đơn giản. Đơn cử trường đoạn Thế “Chột” đến chiêu mộ anh em Tuấn – Tú. Cuộc đối thoại trong phòng kín chẳng có gì để chứng tỏ trí tuệ cáo già, mưu lược của Thế “Chột”.

Việc để nhân vật Thế “Chột” tìm đến chuyên gia Lê Thành nhờ tư vấn tâm lý là con dao hai lưỡi. 

Giả sử, Thế “Chột” đã biết trước thân phận Lê Thành và muốn lợi dụng anh để tấn công vào Phan Thị, thì diễn xuất của Chu Hùng chưa cho thấy được âm mưu đó.


Thế "Chột" qua sự thể hiện của diễn viên Chu Hùng. Ảnh: VTV

Còn không, việc để Thế “Chột” tìm đến Lê Thành ngay từ đầu, giãi bày những giấc mơ ám ảnh ông ta lại gây tác dụng ngược. Vì khán giả chưa kịp ngấm đây là một ông trùm thực thụ, đã thấy ngay phần yếu đuối của ông ta, sẽ nhanh chóng mất cảm giác tin tưởng vào một nhân vật mạnh.

Phần dàn dựng của tập 8, tập 9 cũng rất có vấn đề. Đặc biệt là hành trình Lê Thành đi tìm cha đẻ được xử lý quá đơn giản. 

Sau vài chuyến về quê tìm những người liên quan, Lê Thành dễ dàng phát hiện Lương “Bổng” cử người theo dõi mình, nhanh chóng tiếp cận.

Lương "Bổng" nói hớ ngay trong lần đầu gặp Lê Thành. Nguồn: VTV

Lương “Bổng”, một người kinh nghiệm đầy mình, nhưng lại nói hớ, bị Lê Thành bắt lọn. Đây là giai đoạn tập đoàn Phan Thị đang phải đối phó thù trong giặc ngoài, ông trùm vừa bị ám sát hụt, nhưng chỉ sau một bữa ăn, Lương “Bổng” ngay lập tức đưa Lê Thành về gặp ông trùm mà không hề kiểm chứng lý lịch kĩ hơn, cho thấy sơ hở về mặt kịch bản.

Nhân vật Lương “Bổng” sau khi gặp Lê Thành được mô tả khá yếu mềm qua hành động về nhà viết nhật ký, nói về cảm tưởng gặp Lê Thành.

'Người phán xử' - phim truyền hình đầu tiên về thế giới ngầm

'Người phán xử' - phim truyền hình đầu tiên về thế giới ngầm

Phim truyền hình về xã hội đen đã có nhiều, nhưng lấy một gia đình xã hội đen làm nhân vật trung tâm như 'Người phán xử' thì có thể coi đây là lần đầu đối với phim truyền hình phía Bắc.

So với những tập đầu được dàn dựng rất kịch tính, đến tập 7, 8, 9 câu chuyện bắt đầu kém chặt chẽ. Người phán xử có tới 3 đạo diễn, nên có vẻ như việc tìm tiếng nói chung về cách kể chuyện và hình ảnh sẽ không dễ dàng.

Ngọc Diệp
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm