17/05/2023 16:04 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
"Vừa rẻ, vừa ngon thì không có lý do gì để chúng tôi không sang Việt Nam để thu mua thứ quả này" – Bà Bian, một thương lái Trung Quốc cho hay.
"Nụ cười quý phi"
Vải là loại quả đặc trưng cho mùa hè ở Việt Nam, còn được biết đến với tên gọi "lệ chi" và được trồng rất nhiều ở các tỉnh phía bắc như Hải Dương, Bắc Giang.
Có tích truyền rằng, từ thời xa xưa, Hán Vũ Đế đã ra lệnh đem cây vải từ miền Bắc Việt Nam về trồng ở Trung Quốc. Thế nhưng, do thời tiết quá lạnh, cây vải đã chết trên đường vận chuyển. Từ đó, vua Hán bắt dân ta hàng năm phải cống nạp thứ quả này.
Tới thời nhà Đường, Dương Quý phi – ái thiếp của Đường Huyền Tông – đã yêu thích trái vải tới nỗi người thời đó còn gọi quả vải với cái tên mĩ miều là "phi tử tiếu" (nụ cười quý phi).
Trong các tài liệu lịch sử, trái vải thiều được mô tả là "mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết".
Vải thiều không quá to nhưng dày cùi, mọng nước. Lớp vỏ sần nhẹ, khi chín có màu đỏ sẫm. Nó còn được ví như "viên ruby đỏng đảnh" của làng trái cây bởi gần như chỉ cho ra quả tốt ở một vài vùng nhất định, trong đó có Việt Nam.
Tại nước ta có tới 3 giống vải nổi tiếng, chinh phục được nhiều thị trường quốc tế khó tính, bao gồm vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và vải thiều Hùng Long.
Vải thiều Bắc Giang gây sốt tại Nhật
Tháng 6/2020, vải thiều Việt Nam lần đầu tiên ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON Nhật Bản, ngay lập tức thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người dân xứ sở hoa anh đào. 2 tạ vải bày bán tại AEON được tiêu thụ hết chỉ trong vòng 1 ngày.
Với lớp vỏ đỏ bắt mắt, cùi dày, vị ngon đặc biệt, vải thiều Việt Nam đã trở thành loại vải ngon nhất trên thị trường Nhật Bản, dù quốc gia này có nhập khẩu trái vải từ các nước/vùng lãnh thổ khác nữa.
Hộp vải 12 quả với giá tới 400.000 đồng tại Nhật từng khiến nhiều người Việt sửng sốt. Tuy nhiên, đó chưa phải là loại cao cấp nhất.
Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân năm 2021, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT LeGroup cho biết, vải thiều Việt Nam đã trở thành món ăn xa xỉ với người dân Nhật Bản.
Hộp vải 12 quả với giá 1 triệu đồng được đóng trong chiếc hộp sang trọng, trông như như một món mĩ thực dành cho các dịp trọng đại.
Theo ông Vinh, với hộp vải thiều này, người Nhật nếu không dùng thắp hương thì phải 10-20 ngày mới ăn hết. Khi ăn cũng phải lấy dao xắt nhỏ thớ vải rồi hít hà, nâng niu, tiến hành mọi thủ tục rồi mới dám thưởng thức.
Được biết, đây là những quả vải thiều hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đóng vào loại hộp giấy được đặt làm từ Nhật Bản chuyển về trước khi xuất khẩu. Bên trong hộp, 12 trái vải được đặt nổi trên nền lụa vàng, phía ngoài có dán tem truy xuất nguồn gốc. Mặc dù có giá cao nhưng sản phẩm này vẫn rất đắt hàng.
Thương nhân Trung Quốc xếp hàng chờ mua
Không lâu nữa, nông dân ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang sẽ chính thức bước vào mùa thu hoạch vải thiều. Với tổng diện tích 29.700 ha, năm nay, sản lượng vải thiều trên toàn tỉnh Bắc Giang ước tính sẽ đạt 180.000 tấn, trong đó riêng huyện Lục Ngạn ước tính đạt 98.000 tấn vải.
Theo ghi nhận của VTV News, đến thời điểm này, hơn 200 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký đến Bắc Giang khảo sát, ký kết hợp đồng thu mua vải thiều.
Có một nghịch lý là, tại Trung Quốc, đây cũng là thời điểm quốc gia này có thể thu hoạch trái vải trong nước, nhưng họ vẫn rất "khát" vải thiều của Việt Nam. Tại sao lại như vậy?
Năm 2021, bức ảnh so sánh thực tế 3 giống vải của Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục cho thấy vải của Việt Nam đứng đầu về kích thước, cũng như mẫu mã, vượt trội hơn hẳn so với trái vải của Trung Quốc.
Đặc biệt, vải thiều Bắc Giang cho vị ngọt lịm, thanh mát có mùi thơm đặc trưng, trong khi vải Trung Quốc có vị ngọt sắc, không thanh mát.
Ngoài ra, giá vải thiều ở Việt Nam cũng chính là điểm hấp dẫn các thương nhân Trung Quốc. Bà Bian, một thương lái Trung Quốc cho biết, nếu so sánh thì trái vải của Việt Nam có mã đẹp hơn, quả to đều hơn và đặc biệt là ngọt hơn rất nhiều so với vải Trung Quốc.
Hơn nữa, sau khi trừ hết các chi phí thì giá vải của Việt Nam khi mua về Trung Quốc vẫn rẻ hơn giá mua tại Trung Quốc từ 2-3 nghìn đồng/kg.
"Vừa rẻ, vừa ngon thì không có lý do gì để chúng tôi không sang Việt Nam thu mua vải" – Bà Bian cho hay.
Năm nay, ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế, mở ra cơ hội vận chuyển xuất khẩu vải thiều với số lượng lớn hơn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu trái vải Việt Nam đang tiếp tục được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu trái vải Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất