'Bắt bệnh' ấu dâm của những gã yêu râu xanh

01/04/2016 19:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực trong những năm gần đây không giảm mà ngược lại đang ngày càng gia tăng.

Hàng năm phát hiện khoảng 1.700 vụ án xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm tới 70% (tương đương khoảng 1.190 vụ).

Số vụ án xâm hại trẻ em liên tục tăng qua từng năm. Năm 2012, số vụ án xâm hại trẻ em tăng 1,4% so với năm 2011, sang năm 2013 tăng lên tới 17% so với năm 2012 và năm 2014 tăng 6,4% so với năm 2013.

Thậm chí, sự việc xảy ra ngay trong môi trường lớp học mà vụ việc 23 học sinh tiểu học ở Lào Cai bị bảo vệ lợi dụng trong thời gian dài là một vụ việc điển hình.

Nạn nhân của bệnh ấu dâm?

Theo thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển ​Giáo dục và Trí tuệ Việt, trong số những vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhiều em là nạn nhân của những người bị bệnh ấu dâm.

“Ấu dâm là bệnh rối loạn tâm lý tình dục với trẻ em và trẻ vị thành niên, nghĩa là người mặc bệnh ấu dâm chỉ có ham muốn tình dục hoặc ham muốn tình dục cao khi có hành vi đụng chạm, sờ mó, nhìn thấy ảnh khỏa thân hoặc giao cấu với trẻ em,” bà Lan Anh cho biết.


Trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia nói về phòng chống tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN

Cũng theo thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, mặc dù chưa có số liệu cụ thể nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra nam giới có xu hướng ấu dâm hơn phụ nữ. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ em gái có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục từ những kẻ mắc bệnh ấu dâm nhiều hơn bé trai.

Do ham muốn tình dục nên người bị bệnh ấu dâm luôn tìm mọi cơ hội, lý do để tiếp cận trẻ em, tạo dựng mối quan hệ ở mức thân thiết nhất có thể. Từ đó, họ dễ dàng xâm hại trẻ với nhiều mức độ khác nhau như giễu cợt các bộ phận nhạy cảm của trẻ, ôm hôn quá mức bình thường, sờ mó vào vùng kín, xâm hại tình dục trực tiếp hoặc lạm dụng trẻ để đạt khoái cảm tình dục…

Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh cho biết, ở các nước phát triển, người mắc bệnh này có thể chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý, bác sỹ chuyên khoa để có phương pháp can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên, với Việt Nam và một số nước phương Đông, khi mà nghề tư vấn tâm lý, bác sỹ tâm lý chưa phát triển, người dân chưa coi trọng việc trị liệu các vấn đề tâm lý bất thường thì người mắc bệnh ấu dâm muốn trị liệu cũng thật sự khó khăn.

“Mặt khác, bệnh ấu dâm chưa được tuyên truyền sâu rộng dẫn đến hệ quả không phải người mắc bệnh ấu dâm nào cũng biết là mình đang có bệnh để tìm liệu pháp trị liệu,” bà Lan Anh nói.

Xâm hại trẻ không phân biệt độ tuổi

Theo thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, nếu không được điều trị, người mắc bệnh ấu dâm rất dễ làm hại đến trẻ em. Điều đặc biệt nguy hiểm hơn là trẻ em bị xâm hại tình dục từ những người bị bệnh ấu dâm không phân biệt độ tuổi, có thể là trẻ sơ sinh cho đến vị thành niên.


Học sinh trường Tiểu học La Pán Tẩn, Lào Cai, trở lại tham gia hoạt động vui chơi giữa giờ học sau khi vụ việc bị phát giác. Tuy nhiên, vết thương về thể chất và tinh thần của các em sẽ không dễ chữa lành. Ảnh: Lục Hương Thu/TTXVN

Khi đó, ảnh hưởng tâm sinh lý đến các bé là rất lớn. Về thể chất, trẻ sẽ phải chịu đau đớn. Về tinh thần thì dư chấn còn lớn hơn nhiều, trẻ sẽ mặc cảm, tự ti, sợ hãi, dẫn đến cô lập bản thân và dần xa lánh người lớn, giữ khoảng cách với người lớn. Những trẻ lớn có thể có suy nghĩ tiêu cực hơn như buồn chán, buông xuôi, sống buông thả, phó mặc hoặc cam chịu. Tổn hại tâm lý, thể chất theo trẻ suốt cuộc đời nếu không được trị liệu, can thiệp, giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời.

Theo đó, bà Lan Anh cho rằng để bảo vệ trẻ thì hơn ai hết, chính phụ huynh phải là những người nhạy cảm với những biểu hiện khác biệt của con, lắng nghe con để có phản ứng phù hợp.

“Để có thể nhận biết những thay đổi của trẻ và để trẻ chịu sẻ chia, bố mẹ hãy luôn quan sát con, lắng nghe và hỗ trợ con kịp thời. Đừng quát tháo, mắng mỏ khi con bạn bất ngờ đề cập đến vấn đề nhạy cảm,” thạc sỹ Lê Thị Lan Anh nói.

Theo Phạm Mai/Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm