Năm Ngọ nói chuyện Ngựa

01/02/2014 09:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm Ngọ nói chuyện Ngựa, câu hỏi đầu tiên là: chữ Ngọ - tên một trong mười hai địa chi của âm lịch, có nguồn gốc từ lâu đời tại Trung Quốc, mang âm vang hao hao với chữ Ngựa, tên của động vật tượng trưng cho địa chi ấy. Vậy Ngọ, chữ Hán, và Ngựa, tiếng thuần Việt  có họ hàng gì với nhau không?

* Ngọ và Ngựa

Hai danh từ cận âm cận nghĩa, từ lâu ta vẫn cho là tình cờ. Như tên người phát thơ và chữ facteur, tên món phở và chữ pot au feu trong tiếng Pháp, cải bắp cabbage trong tiếng Anh.

Nhưng sao nhiều trùng hợp quá: năm Mão, hay Mẹo gần với chữ Mèo, trong khi người Tàu gọi là năm Thỏ ?

Trước đây, nhân một bài viết về Năm Thìn và con Rồng, giáo sư ngữ học Nguyễn Tài Cẩn có đề xuất: chữ Thìn có thể là tên gọi một loài rồng rắn trong ngôn ngữ Proto Việt Chứt, mà tiếng Việt Mường là một tiểu chi. "Giới ngữ học quốc tế đang cố gắng tìm nguồn gốc tên gọi 12 năm ở những ngữ hệ, Austro Thái, họ Nam Á ... cố gắng tìm xem Hợi có gần với Cúi, Sửu có gần Trâu, Ngọ có gần với Ngựa hay không" ( ). Nên ghi nhận thêm: người ta nói năm Ngựa, tuổi Ngựa, mà không nói "giờ Ngựa" thay cho giờ Ngọ. Chữ Ngọ Môn không ai dịch thành "Cửa Ngựa". Vậy giữa Ngọ và Ngựa, tương quan không phải chỉ là ngữ âm.

Dù sao, trước mắt, chúng ta vẫn có viễn tượng giải quyết một vấn đề văn hoá mà chúng ta ... không đặt ra.


Tranh ngựa của Văn Cao

Ngựa Hồ, gió bấc

Xưa nay, Việt Nam không có truyền thống sử dụng ngựa rộng rãi như Trung Quốc.

Ngay ở Trung Quốc thời xưa, cư dân lưu vực sông Hoàng Hà cũng không có ngựa hay, như các sắc tộc phía Tây hay phía Bắc.

Thời nhà Thương, 2000 năm trước tây lịch, người Hoa (tạm gọi như thế) đã biết sử dụng chiến xa do ngựa kéo.  Nhưng chưa có kỵ binh và dường như cũng chưa biết chăn nuôi ngựa nòi. Họ phải mua, hay cướp ngựa các dân tộc phía Tây Bắc. Đến đời Tần-Hán, họ đã dùng chiến mã thuần thục, nên mới có câu nói của Hán Cao Tổ "Ta ngồi trên lưng ngựa mà chiếm được thiên hạ, cần gì Thi Thư", và Lục Giả đã trả lời: "Ngồi trên lưng ngựa chiếm được thiên hạ, nhưng không trị được thiên hạ" và Hạng Võ, vào bước đường cùng ở bến Ô Giang mới làm thơ biệt Ngu Cơ "thời bất lợi hề, ngựa không đi".

Trong di chỉ An Dương, mười thế kỷ trước Tây lịch, người ta đã thấy vết tích ngựa kéo xe. Trong phần mộ đời Tần, có nhiều tượng ngựa bằng đất nung và xương ngựa. Thời Đông Hán còn để lại những phù điêu tô màu, vẽ rõ nét cảnh đi săn, người cưỡi ngựa và đoàn xe ngựa kéo. Người Tàu ưa vẽ ngựa, càng ngày càng đẹp, như Hàn Cán đời Đường, tạo ra cả một trường phái qua bức tranh lụa Một Trăm con Ngựa (27 cm x 300 cm) mô tả mọi sinh hoạt : ngựa phi, ngựa đùa, ngựa tắm...  Có khi họ diễn đạt tình cảnh, tâm trạng ngựa, như Con Ngựa bị cột của Hàn Cán (720-780) hay Người và Ngựa trong cơn bão của Triệu Mộng Phu (1254-1322). Gần đây Từ Bi Hồng vẫn còn vẽ rất nhiều tư thế, tâm trạng Ngựa.

Tranh ngựa của Trung Quốc là cả một thế giới riêng, có quy luật, có giá trị mỹ thuật, tâm lý và nhân văn riêng.

Còn con ngựa trong văn thơ của họ, là một đề tài vô cùng tận.

Ngựa Việt, Phương Nam

Người Việt đồng bằng ít dụng ngựa. Ngàn xưa đã vậy. Những khai quật các di chỉ Đông Sơn, cho thấy nhiều xương trâu, bò, heo, gà, mà không thấy xương ngựa. Chư vị sử gia đều nhất trí cho rằng thời Hùng Vương, tổ tiên ta chưa sử dụng ngựa.

Dù rằng truyền thuyết vẫn nhắc đến ngựa: Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc, thần Tản Viên cưỡi ngựa bạch, đi trên mây, An Dương Vương đèo công chúa Mỵ Châu trên lưng ngựa... nhưng đây là chuyện truyền khẩu, không lấy gì làm bằng cớ, do đời sau ghi lại trong Lĩnh Nam Chích Quái.

Về sau, ngựa cũng không mấy khi được ghi công vào những cuộc chiến đấu của dân tộc như voi: Hưng Đạo Vương cưỡi voi qua sông Hoá, Bình Định Vương cưỡi voi đánh Đông Đô, Quang Trung cưỡi voi tấn công vào Hà Hồi. Ngựa có chiến tích là con NGỰA ĐÁ thời Trần, qua câu thơ Nhân Tông:  "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã" (xã tắc hai lần bon ngựa đá). Điều đó không có nghĩa là thời xưa, người Việt không biết đến ngựa. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư kể lại rằng: Năm 1134, có người dâng lên vua Lý Thần Tông con ngựa màu hoa đào, đầu xanh, có sáu cựa, chân trước một, chân sau hai cựa.

Văn học dân gian cũng ít có ngựa. Trong tục ngữ, thành ngữ, ngựa là một biểu tượng mâu thuẫn: một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ, ngựa là hình ảnh đoàn kết, tương thân tương ái; nhưng nó lại tượng trưng cho lòng tham không đáy ở câu cạn tàu ráo máng. Khi nói: lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu là ca ngợi lòng trung thành của loài vật; nhưng nói ngựa quen đường cũ  là chê thói hư tật xấu. Thân trâu ngựa, trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, ngựa non háu đá, là những ẩn dụ miệt thị.

Thậm chí, những tính từ ngựa, đĩ ngựa, thường chỉ áp đặt cho phụ nữ, chê bai lối sống tự do, phóng túng, là những từ kỳ thị nữ giới, bất công và lạc hậu. Người Huế khi nói "con ngựa Thượng Tứ" là phỉ báng nặng lời.

Trong ca dao, hình ảnh ngựa không nhiều và không rõ nét. Nguyễn Văn Ngọc, trong Tục Ngữ Phong Dao (1928) có sưu tập :

Rập rềnh nước chảy qua đèo,

Bà già tấp tểnh mua heo cưới chồng

Ý muốn nói sự việc khó khăn, trái với tự nhiên. Trong bộ sưu tập ca dao của Nguyễn Xuân Kính (1995) có câu rập khuôn :

Rung rinh nước chảy qua đèo

Ngựa đua xuống biển, thuyền chèo lên non

Có người giải thích là phản ánh thuyết vô thường của nhà Phật.

Ngựa thường là biểu tượng cho quyền thế, giàu sang :

Năm con ngựa bạch sang sông

Năm gian nhà ngói đèn trong đèn ngoài...

Đèn thương nhớ ai ...

Hoặc là :

Ngựa ô yên khấu bằng vàng

Chân nạm bằng bạc

Ba vuông nhiễu thắm

Một bộ áo gấm

Thiếp sắm cho chàng

Kinh lại hồi kinh

Những hình ảnh đó đã đi vào dân ca, qua điệu Lý Ngựa Ô :

Ngựa Ô anh thắng kiệu vàng

Anh tra khớp bạc

Lục lạc đồng đen ...

Văn học thành văn trước kia chịu ảnh hưởng hán học, sau này chịu ảnh hưởng phương Tây, cho nên đều có nhiều hình ảnh ngựa, hàm súc và thi vị. Nhưng đây là đề tài quá rộng, cần một bài viết khác.

Chúng tôi muốn dừng lại ở bóng dáng con ngựa trong câu ca dao Phú Yên, gọi là hò Phú Ơn. Có lần, khoảng 1955, Nguyễn Tuân tiễn bạn, một đêm mưa gió. Nửa khuya, quán nghèo. Nguyễn Tuân cầm ống thổi lửa, cảm khái gõ ngón tay đánh nhịp và hò :

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mượn kiệu chú lính đưa cô tôi về

Ngựa ô đi đến quán Lau

Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau gò Điền

Chuyện do Tô Hoài kể, không phải trong Chiều Chiều , mà trong Cát Bụi Chân Ai...

(1) Nguyễn Tài Cẩn, Về tên con Rồng của Người Việt, báo Diễn Đàn, số 94,  Paris. In lại trong Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, tr. 27-28, NXB Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 2001.

Đặng Tiến
Tết Giáp Ngọ, 2014
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm