Vũ Trọng Phụng đã “Đếm xỉa người và vật” như thế

18/10/2012 11:37 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - (LTS) Ngày 20/10 tới là tròn 100 năm sinh Vũ Trọng Phụng. Nhân dịp này, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tiếp tục có những phát hiện mới về nhà văn tài hoa bạc phận này. Những phát hiện này cho thấy thái độ chính trị xã hội cùng ngòi bút mãnh liệt trên mặt trận báo chí của tác giả "Số đỏ", "Giông tố"…

TT&VH xin giới thiệu bài viết này của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Bút danh Ngọa Triều

Những năm trước đây, qua một vài hồi ký, hồi ức về đời sống văn chương báo chí trước năm 1945, được gọi là thời “tiền chiến”, người ta có thể nghe thoáng nói đến bút danh Ngọa Triều mà Vũ Trọng Phụng có lúc đã dùng. Điều đó nghe qua có thể tin hoặc nghi ngờ. Nhưng khi tìm đến bài vở đăng dưới bút danh đó, cụ thể là trên tờ Hà Nội báo, 1936-1937, mọi ngờ vực sẽ hầu như không còn.

Trong năm 1936, Vũ Trọng Phụng có quá nhiều thứ để kể: 2 tiểu thuyết Giông tốSố đỏ đăng trên Hà Nội báo, tiểu thuyết Làm đĩ đăng một phần trên tuần báo Sông Hương (Huế), tiểu thuyết Vỡ đê đăng báo Tương lai, bản dịch vở kịch Giết mẹ của Victor Hugo in thành sách riêng (tủ sách dịch thuật của nhà Lê Cường); ngay trên Hà Nội báo ông cũng công bố thiên phóng sự đặc sắc Cơm thầy cơm cô, và một loạt truyện ngắn: Mơ ngày Tết; Tết ăn mày; Lỡ lời; Bộ răng vàng; Hồ sê líu hồ líu sê sàng… Thế nhưng ngòi bút ông vẫn còn dành cho loại bài thực sự mang tính báo chí, gắn với đời sống văn hóa xã hội đương thời.

Khoảng gần cuối năm 1936, khi phong trào Đông Dương đại hội nổi lên, Hà Nội báo mới có những thay đổi đáng kể trong cấu tạo trang mục.

Như thế, đây là kết quả ảnh hưởng thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp: sau thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp (tháng 5/1936), Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Léon Blum thi hành một số chính sách mang tính cởi mở đối với các thuộc địa (ví dụ ở Đông Dương là giải tán Sở Kiểm duyệt từ đầu năm 1935, thả tù nhân chính trị vào giữa năm 1936,…), một phái bộ điều tra được cử đến Đông Dương; các lực lượng xã hội chính trị ở Đông Dương đề xuất một “Đông Dương đại hội” nhằm tập hợp nguyện vọng dân chúng Đông Dương đề đạt với phái bộ điều tra… Chính quyền Pháp ở thuộc địa lại giữ khoảng cách đối với các chính sách cấp tiến ở chính quốc, thực hiện những biện pháp trấn áp và phá hoại nhất định đối với các vận động dân chủ v.v… điều này tạo ra những sắc thái phản ứng khác nhau của các giới xã hội trong nước.

Chuyên mục trào phúng

Trở lại chuyện ở Hà Nội báo. Trước tình thế mới, tòa soạn quyết định kể từ số 38 (ra ngày 23/9/1936) “sẽ có thêm 8 trang, thêm phần chính trị - xã hội và trào phúng”, trong đó có mục “Đếm xỉa, người và vật” ký Ngọa Triều (Vũ Trọng Phụng) thiên về thời sự văn hóa xã hội trong nước.

Tổng số trang thời sự xã hội ký bút danh Ngọa Triều trên Hà Nội báo không nhiều (Hà Nội báo bị đóng cửa sau số 55, ngày 20/1/1937). Nhưng đây là những trang báo đáng kể, không chỉ khiến cho những ai muốn tìm hiểu kỹ và sâu về thái độ xã hội chính trị của tác gia Vũ Trọng Phụng sẽ có thêm những chứng cứ sáng rõ, mà còn cho độc giả vốn chỉ biết nhà văn họ Vũ qua một số phóng sự và tiểu thuyết sẽ được biết thêm ở Vũ Trọng Phụng những dòng viết nhiệt thành của một nhà báo tranh đấu cho tiến bộ xã hội, cho nguyên lý nhân đạo của các quan hệ con người. Qua những trang tạp văn này người ta cũng thấy nhà văn Vũ Trọng Phụng nhất quán và công khai bảo vệ quan niệm văn học của mình trước các đối thủ cùng giới cầm bút, bảo vệ quan niệm văn học tả chân.

Mục "Đếm xỉa..." của Vũ Trọng Phụng trên Hà Nội Báo

Huình Tịnh Paulus Của (1834-1907) trong Đại Nam quấc âm tự vị (1895-96) cho biết hai từ “đếm” và “xỉa” đi liền với nhau và gắn với việc kiểm đếm tiền kẽm xưa kia: đếm thì phải xỉa từng “doi” (từng hàng, từng loạt) tiền; “đếm” tức là kể thành số (1, 2, 3…), “xỉa” tức là chỉ tay vào chỗ đếm. Đó là nói nghĩa đen. Còn nghĩa rộng, nghĩa bóng, “đếm xỉa” tức là kể đến, tính đến. Tuy vậy, từ thời cận đại sang thời hiện đại, từ này càng ngày càng ít được dùng, thậm chí đã thu hẹp ngữ nghĩa: Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ, bản in lần 12, năm 2006) cho biết, “đếm xỉa” chỉ còn dùng trong câu có ý phủ định.

Như thế, dùng “đếm xỉa” (Vũ Trọng Phụng viết “xỉa” thành “sỉa”; - tình trạng viết sai chính tả là chung ở khá nhiều nhà văn nhà báo miền Bắc đương thời ông) đặt tên chuyên mục mình sẽ viết, Vũ Trọng Phụng ý thức rõ thái độ trào phúng, châm biếm của các bài trong mục ấy.

Ngày 22/10 tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 13/10/1939).

Có lẽ không ngẫu nhiên mục này ra mắt trên cùng số Hà Nội báo với bài phê bình ký tên Vũ Trọng Phụng: Thư ngỏ cho ông Thái Phỉ, chủ báo “Tin văn” về bài “Văn chương dâm uế”. Những bài nhỏ trong mục “Đếm xỉa… người và vật” này thường chĩa mũi nhọn vào các cây bút vốn là “địch thủ” tiềm tàng của chính Vũ Trọng Phụng và của những nhà văn gần gũi. Đó là những người kinh doanh báo chí như Bùi Xuân Học, những yếu nhân của văn đoàn Tự Lực (Thế Lữ, Nhất Linh, Hoàng Đạo…), những nhà văn khác biệt về lối sống lối viết như Phan Trần Chúc, Lê Công Đắc, những nhà báo dị ứng với lối văn tả chân, tiêu biểu là Thái Phỉ.

Có thể nói Vũ Trọng Phụng dưới bút danh Ngọa Triều đã truy kích Thái Phỉ đến kỳ cùng: ông vạch vòi việc Thái Phỉ dưới bút danh Bạch Đinh đã từng viết xã thuyết trên báo Loa cổ lệ sự vui vẻ trẻ trung; ông kê thành “bệnh Thái Phỉ”  mà theo ông thực chất là thói đạo đức giả trong phê bình.

Tuy vậy, đề tài châm chọc lẫn nhau giữa các văn phái đối thủ rất dễ trở nên quẩn quanh, nhạt nhẽo. Chỉ qua một vài kỳ viết với đề tài như vậy, Ngọa Triều, tuy đôi lúc vẫn có vài dòng hý hước về những đối thủ ấy, nhưng phần lớn sự quan tâm của ông dần dần chuyển hướng sang đề tài xã hội chính trị đang nóng dần lên trong đời sống đương thời.

Chuyển biến này đưa tới những biến đổi thú vị: một chuyên mục mang tính châm biếm hoạt kê dần dần chuyển thành một chuyên mục với những tin tức và bình luận xã hội chính trị, nghiêng hẳn sang văn phong chính luận.

Kỳ 2: "Đếm xỉa"… vì những người cần lao

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm