21/10/2022 10:08 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Tạp chí về Báo cáo ca bệnh Mỹ mới đây đưa tin về người đàn ông 36 tuổi mắc bệnh kỳ lạ. Anh chỉ cần ăn rau củ muối, cà chua và cà tím là sẽ bị nổi mẩn ngứa khắp người.
Các bác sĩ cho biết đây là bệnh nhân đầu tiên thường xuyên gặp phản ứng nghiêm trọng sau khi ăn một số loại thực phẩm. Ngoài rau củ, người đàn ông còn dị ứng với pizza, hải sản, phô mai, rượu vang và một số loại thịt khác. Ba người trong gia đình bệnh nhân cũng gặp triệu chứng tương tự.
Triệu chứng ban đầu gồm buồn nôn, rất mệt mỏi, sốt, chán ăn và đôi lúc nôn mửa. Các triệu chứng này kéo dài hai ngày, thi thoảng kèm theo đau đầu từng cơn kéo dài khoảng một tuần.
Sau đó, cơ thể mọc các nốt ban đỏ, bao phủ cổ, ngực, cánh tay trong và đùi. Nốt ban biến mất dần trong vòng 24-36 giờ. Người đàn ông cũng bị đau bụng, đau họng và tiêu chảy.
Tiếp theo, người bệnh bị sổ mũi, đau họng, ho và đau đầu suốt hai tuần. Bên cạnh đó anh còn bị ợ chua, co giật cơ, hắt hơi, buồn ngủ, người thấy mùi khói sau khi ăn.
Để điều trị, các bác sĩ cho nam bệnh nhân sử dụng thuốc kháng histamin để giảm nhẹ triệu chứng. Đây là chất liên quan mật thiết tới tình trạng sốc phản vệ, phản ứng viêm, dị ứng. Sau đó, chuyên gia thiết kế chế độ ăn kiêng ít histamin để các triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến bệnh nhân dị ứng rau củ. Thống kê trên thế giới chỉ có 1% dân số toàn cầu không dung nạp được histamin. Mạng lưới bệnh viện nhi khoa Sidney ghi nhận khoảng 3% thanh thiếu niên dị ứng trái cây hoặc rau quả.
Không dung nạp được histamin là gì?
Histamin là một trong những chất có liên quan mật thiết tới tình trạng sốc phản vệ, phản ứng viêm, dị ứng, dẫn truyền thần kinh và sự bài tiết dịch vị. Histamin được phát hiện ở khắp các mô trong cơ thể với mật độ phân bố không đồng đều, chủ yếu ở các mô phổi, ruột, da.
Khi cơ thể con người bị các tác nhân như thuốc, hóa chất, phấn hoa, bụi bẩn...v.v.. tác động, đối với những người có cơ địa mẫn cảm cơ thể sẽ giải phóng ra Histamin. Như đã đề cập ở trên, Histamin luôn tiềm ẩn sẵn trong cơ thể con người ở các mô da, dạ dày, phổi, niêm mạc miệng.
Khi ở trạng thái bình thường, các tế bào chứa Histamin thường không có hoạt tính vì đang tồn tại ở dạng phức hợp với protein. Khi cơ thể bị dị ứng, có xu hướng mẫn cảm với thuốc, hóa chất hoặc các tác nhân ngoại cảnh khác thì các chất kháng nguyên sẽ tác động lên phức hợp protein này và giải phóng ra Histamin dạng tự do, gây ra những phản ứng dị ứng từ nhẹ đến trầm trọng như: phát ban, đỏ da, sưng phù, khó thở, ngứa, ho, buồn nôn, sốc phản vệ... Đối với những trường hợp dị ứng có diễn tiến phức tạp, người bệnh có thể phải sử dụng các thuốc kháng histamin để điều trị.
Nếu lượng Histamin trong cơ thể vượt ngưỡng cho phép thì có thể dẫn tới các phản ứng dị ứng như:
- Đối với hệ hô hấp: Gây sổ mũi, hen suyễn do ảnh hưởng của viêm, phù nề và co thắt khí quản.
- Đối với hệ tiêu hóa: Gây tiết quá độ HCl và pepsin dẫn tới tiêu chảy do co thắt ruột, làm tăng nhu động và bài tiết dịch ruột.
- Đối với hệ bài tiết: Histamin góp phần làm tăng bài tiết nước mắt, nước mũi, nước bọt, dịch tụy.
- Ảnh hưởng tới mắt: Làm viêm và sưng đỏ kết mạc mắt.
- Phản ứng trên da: Nổi phát ban, mề đay, chàm, ngứa, sưng phù trên da.
- Đối với hệ tim mạch: hạ huyết áp, gây co thắt tim, giãn mạch. Histamin còn có tác dụng trực tiếp đối với cơ tim và thần kinh nội tại làm tăng co bóp cả tâm nhĩ, tâm thất, chậm dẫn truyền nhĩ thất và chậm khử cực nút xoang.
- Đối với hệ thần kinh: Histamin kích thích đầu sợi thần kinh ngoại vi gây cảm giác ngứa và đau. Trên thần kinh trung ương Histamin còn tác động gây ra tình trạng giảm thân nhiệt, gây mất ngủ, có thể chán ăn, tăng tiết ADH.
- Đối với các cơ trơn: Ở người, Histamin làm tăng co bóp cơ trơn tử cung (cơ trơn bàng quang, túi mật, niệu đạo ít bị ảnh hưởng).
Nguyễn Phượng (Theo Amjcaserep, Daily Mail)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất