Hậu quả từ nội chiến: Di sản văn hóa Syria trước nguy cơ bị hủy diệt

05/09/2013 13:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hàng niên kỷ, Syria đã xây dựng một nền văn hóa giàu có, chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ai Cập, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã. Nhưng giờ đây di sản đó đang bị đe dọa, do cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài.

Mới đây, Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO), đã đưa ra những báo cáo mới về mức độ hư hại của 6 di chỉ được công nhận là Di sản Thế giới ở Syria, trong đó có Trung tâm lịch sử Aleppo. Aleppo có bề dày lịch sử lâu đời: là trung tâm văn hóa lớn ở Địa Trung Hải. Theo tư liệu lịch sử, Aleppo có niên đại từ thế kỷ thứ 19 trước Công nguyên.

Khu chợ lịch sử ở Aleppo bị cháy rụi

UNESCO đã công nhận trung tâm lịch sử của Aleppo là Di sản Thế giới, nơi có khu chợ cổ đại. Đây là khu chợ có mái che lớn nhất Trung Đông, có diện tích khoảng 350 ha với nhiều con phố và hàng trăm cửa hàng. Mặc dù trung tâm lịch sử của Aleppo có bức tường dài tới 5km, song nó cũng không thể bảo vệ được khu chợ. Trong một cuộc giao tranh hồi năm 2012, nó đã bị thiêu cháy.


Khu chợ lịch sử ở Aleppo, khu chợ có mái che lớn nhất Trung Đông

Thành lũy của Aleppo bị chiếm đóng 

Do nội chiến, nhiều di chỉ văn hóa ở Syria đã bị dùng làm các căn cứ chiến lược, trong đó có thành lũy của Aleppo, một pháo đài nằm trên một ngọn đồi cao trong thành phố cổ đại này. Đế chế Seleukos (312-63 trước Công nguyên), triều đại kế tục đế quốc của Alexander Đại đế, đã xây dựng pháo đài vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Nhiều người Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Byzantine và Ottoman đã xây dựng các ngôi đền trên đồi.  

Các cuộc dội bom ở thành cổ Damascus

Thành cổ Damascus, vốn có người ở từ cách đây 4.000 năm, cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Trước nội chiến, thành cổ Damascus, với nhiều khu chợ, nhà hàng, nhà thờ (Công giáo và Hồi giáo), là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất của Syria. Tuy nhiên, hồi tháng 6, thành phố này đã phải hứng chịu nhiều cuộc dội bom dữ dội.

Ốc đảo Palmyra bị tấn công

Thành phố ốc đảo Palmyra cũng đang gặp nhiều rủi ro, nhiều di chỉ khảo cổ ở đây đã bị cướp phá. Palmyra là một trong những dấu ấn kiến trúc của Syria. Đại lộ của Palmyra có nhiều cột trụ Hy Lạp, song các bức tường của ngôi đền Baal đã bị thủng với nhiều lỗ đạn.

Lâu đài Krak des Chevaliers

Krak des Chevaliers là lâu đài còn nguyên vẹn ở Homs Gap và hiện là tâm điểm của vùng chiến. Những người tham gia cuộc thập tự chinh đã tới lâu đài này lần đầu tiên vào năm 1099, khi họ trên đường tới Jerusalem (Israel). Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, lâu đài đã bị Không quân Syria ném bom. Còn Lực lượng Quân đội Tự do Syria đang dùng nơi đây làm căn cứ.


Nhà hát ở Bosra từng là một trong những nhà hát La Mã còn nguyên vẹn nhất thế giới

Nhà hát Bosra đổ nát

Nhà hát ở Bosra từng là một trong những nhà hát La Mã còn nguyên vẹn nhất thế giới. Trong thế kỷ 12, nó đã biến thành một pháo đài Arab. Thời hiện đại, nhiều nghệ sĩ và dàn nhạc khắp thế giới vẫn đánh giá cao độ vang âm đặc biệt của nhà hát. Tuy nhiên, trong một cuộc giao tranh mới đây, nó đã bị hư hại.  

“Những thành phố chết” đang gặp hiểm nguy

700 khu định cư ở miền Bắc Syria, giữa Aleppo và Idlib, được mệnh danh là “những thành phố chết” và đã bị đưa vào danh sách di sản bị đe dọa của UNESCO. Các khu dân cư này có nhiều ngôi nhà từ kỷ nguyên Byzantine, và dấu tích của nhiều ngôi nhà cổ ở Jerada vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến khi cuộc nội chiến nổ ra. Kể từ đó, nhiều ngôi nhà đã bị đốt cháy và bị cướp phá.

Cướp phá bảo tàng

Nhiều bảo tàng giá trị của Syria đang nằm tại tâm của các vùng chiến sự, như Bảo tàng Idlib, nơi lưu giữ phần lớn các tấm đất sét Ebla vô giá. Kể từ năm 2011, nhiều di sản có giá trị đã được chuyển khỏi các bảo tàng ở Damascus và Aleppo, được lưu giữ trong két sắt ở Ngân hàng Trung ương Syria. Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng đều không thoát khỏi nạn cướp phá.

Trước thực trạng này, UNESCO đã đào tạo nhiều chuyên gia nhằm ngăn chặn sự phá hủy và cướp phá di sản văn hóa của Syria. Hôm 29/8, bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và Lakhdar Brahimi, đại diện của Liên hiệp quốc, đã giới thiệu nhiều biện pháp bảo vệ. Các chuyên gia đang cố gắng theo dõi các di sản văn hóa bị đánh cắp của Syria, báo cho lực lượng hải quan và người buôn nghệ thuật nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp di sản bị đánh cắp.


Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm