Người đàn bà trong bồn tắm của Hitler

20/05/2017 07:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lee Miller đã đạt được mọi ước vọng trong đời: Siêu mẫu, nhiếp ảnh gia thượng thặng, VIP ở mọi cuộc giao lưu của giới quý tộc. Nhưng cô ngán cuộc đời bình yên tẻ nhạt đến tận cổ. Và xin ra mặt trận làm phóng viên chiến trường trong Thế chiến II, để rốt cục thâm nhập vào tận nhà riêng của Hitler.

Người đàn bà đẹp trút bỏ quần áo, quẳng đôi ủng dính bùn, không thèm để ý đến tấm thảm chùi chân trắng như tuyết bị nhuốm bẩn. Rồi cô đầm mình trong làn nước ấm ngầu bọt xà phòng, rửa sạch mồ hôi, bụi bặm và mọi nỗi kinh hoàng của chiến tranh bám trên da thịt.  

Chú thích ảnh
Lee Miller, một nữ phóng viên chiến trường hiếm hoi trong Thế Chiến II

Khúc khải hoàn trong bồn tắm

Chỉ vài giờ trước đó Lee Miller còn tận mắt chứng kiến hàng núi xác người, và đám bùn trên ủng cô chính là lớp đất bẩn từ trại tập trung Dachau. Và tờ lịch trên tường hiện ngày 30/4/1945. Lúc này đã chiều muộn, nữ phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ Lee Miller trả thù một cách tượng trưng bằng cách chiếm hữu căn nhà ở Munich của kẻ gây ra nỗi kinh hoàng đó: Adolf Hitler.

Dĩ nhiên người chủ căn nhà không hề biết có gì đang diễn ra trong ngôi nhà số 16 phố Prinzregentenplatz. Đúng giây phút ấy nhà độc tài đang cố thủ trong hầm ngầm ở Berlin và tự bắn một viên đạn vào đầu sau khi hạ sát vợ là Eva Braun. Thế chiến II với 65 triệu người chết ở cả hai phe tiến dần đến đoạn kết.   

Trong khi Miller vùng vẫy trong bồn tắm của Hitler, cô hoàn toàn có thể kiêu hãnh nhìn lại quá khứ huy hoàng của mình. Cô từng là một siêu mẫu đắt giá trước khi trở thành nhà báo và phóng viên ảnh. “Trông tôi như một thiên sứ, nhưng trong sâu thẳm tôi là con quỷ dữ” - Miller tiết lộ chìa khóa dẫn đến thành công của mình.

Chú thích ảnh
Chiều 30-4-1945 đồng nghiệp của Lee Miller là David E. Scherman chụp cô trong bồn tắm của Adolf Hitler sau khi quân Mỹ giải phóng Munich. Sau đó Miller ăn trộm một khăn tắm có thêu tên Hitler làm kỷ niệm

Vào đời

Elizabeth Lee Miller sinh năm 1907 ở Poughkeepsie thuộc bang New York trong một gia đình kỹ sư. Cuộc sống êm ấm chấm dứt năm 1914, khi cô bị một người bạn của gia đình lạm dụng tình dục khi lên 7. Từ khi lên 8 cho đến năm 23 tuổi, cô bị cha dùng làm người mẫu khỏa thân cho những bức ảnh nghiệp dư của ông.

Cô gái trẻ phản ứng bằng cách tạo cho mình một cách hành xử hỗn láo và tăng động. Miller bị đuổi học nhiều lần, và chỉ nhờ một sự ngẫu nhiên mà cô được làm người mẫu: 1927 ở New York cô suýt bị một chiếc ô tô cán, trong giây cuối một người đàn ông đã cứu mạng cô. Ông ta tên là Conde Nast, chủ hai tờ tạp chí thời trang Vogue và Vanity Fair! Không lâu sau, khuôn mặt xinh đẹp của cô rạng ngời trên trang bìa của các tạp chí ấy, dù cô chống lại mọi cách ve vãn của Conde Nast. Các thợ nhiếp ảnh của tạp chí ngây ngất trước cặp môi cong, đôi mắt xanh u tối và cổ thiên nga của Lee Miller. Nhưng sự nghiệp uốn éo trước ống kính quá nhỏ nhặt để giữ chân được Miller.

Chú thích ảnh
 8-1944 Miller cùng đơn vị lục quân Mỹ liên hoan sự kiện giải phóng Paris

“Nếu tôi phải ăn chuột cống”

Người phụ nữ ấy lập kế hoạch cho cuộc đời từ sớm. Cô tự đi tìm một thầy dạy chụp ảnh. Tháng 5/1929 cô qua Paris để yết kiến nhà nhiếp ảnh Man Ray lừng danh. “Tôi tên Lee Miller, và là sinh viên mới của ông”, cô đánh úp ông thầy tương lai của mình như thế, và chẳng mấy lâu sau thầy và trò thành cặp uyên ương, tuy Miller vẫn ngang nhiên làm quen nhiều đàn ông khác và thậm chí còn làm việc cho những người cạnh tranh với Man Ray.   

Vốn bản chất tăng động, không bao giờ Miller trụ lại lâu một nơi hay ở cạnh một người đàn ông. 1932, cô trở về New York và khai trương một phòng chụp ảnh đắt khách. Hai năm sau cô cưới một thương gia Ai Cập hơn mình 20 tuổi và chuyển đến Cairo sinh sống. 1937, cô ngoại tình với Roland Penrose mà sau này sẽ lấy ông. 1939, cô cùng chồng đi Anh và chỉ vài tuần sau khi Adolf Hitler nổ phát súng mở màn Thế chiến II. Miller cùng chồng bám lại Anh, họ mua một lượng lớn gia vị khi chế độ tem phiếu bắt đầu: “Nếu tôi phải ăn chuột cống thì ít nhất cũng phải có gia vị tử tế”.

Chú thích ảnh
Gặp lại một người bạn cũ ở Paris vừa thoát khỏi ách phát xít: danh hoạ Tây Ban Nha Pablo Picasso, người từng vẽ 6 chân dung của Miller

Ở London cô làm người mẫu cho tạp chí Vogue từ 1940. Nhưng chẳng bao lâu cô lại chán nghề và xin được làm phóng viên chiến trường. Từ 1942 cô chỉ khoác quân phục Mỹ. Bài tường thuật đầu tiên của cô cho tờ Vogue bắt đầu như sau: “Vào đến không phận Pháp, tôi rơi nước mắt xúc động khi nghĩ đến cuộc đổ bộ của quân Đồng minh ở Normandie sẽ diễn ra vào ngày 6/6/1944”. Sau đó cô viết bài về các trạm xá tiền phương sát tuyến lửa.

Chuyện chưa biết về người vợ nguyện chết cùng trùm phát xít Hitler

Chuyện chưa biết về người vợ nguyện chết cùng trùm phát xít Hitler

Chỉ được chính thức làm vợ vỏn vẹn có 40 giờ đồng hồ song Eva Braun đã dành trọn tình yêu cho trùm phát xít Addolf Hitler và nguyện chết cùng hắn.

“Đẳng cấp cao”

Bản tính nhạy cảm và chan hòa khiến cô nhận được nhiều cảm tình từ binh lính. “Đẳng cấp cao”, như sĩ quan quân y Bud Myers nhận xét, “khác hẳn các phóng viên nam không quan tâm đến số mệnh của các thương binh”. Các phóng sự của Miller chứa đầy trải nghiệm nếm, ngửi, nhìn ở chiến trường. Bên cạnh đó cô chụp hàng ngàn tấm ảnh của binh lính, của các y tá kiệt sức, của thành phố đã bị biến thành gạch vụn.

“Dù không muốn, tim tôi vẫn tan chảy khi nhìn thấy một tên thương binh Đức, và tôi tự khinh mình vì không thể cư xử khác”, cô miêu tả lòng căm thù đầy mâu thuẫn của mình đối với kẻ địch. Và lòng căm thù đó ngày càng tăng, khi cô được chứng kiến nhiều ở mặt trận. “Tôi giẫm phải một bàn tay bị đứt lìa và nguyền rủa bọn Đức vì sự tàn phá dã man” - những phóng sự đầy cảm xúc cá nhân hoàn toàn khác với ngôn ngữ của các đồng nghiệp đàn ông.  

Khi Paris được giải phóng Miller là phóng viên ảnh đầu tiên có mặt, và cô vô cùng hành phúc khi gặp lại một người bạn cũ: danh họa Pablo Picasso. Nhưng Miller không ở lại lâu, mà lập tức ra chiến trường. Khi quân Mỹ tiến vào lãnh thổ Đức và giải phóng Weimar, ống kính của cô ghi lại hàng trăm xác tù nhân trong trại tập trung Buchenwald từ khoảng cách gần nhất.

Tuyệt vọng

Nhưng những hình ảnh bi thảm của chiến tranh không phải không có hậu quả tiêu cực. Càng ngày Miller càng cần nhiều rượu để đè nén cảm xúc, dù các triệu chứng trầm cảm không hề thuyên giảm. Và sự trả thù tượng trưng trong bồn tắm của Hitler cũng chỉ có tác dụng ngắn. “Khi cuộc chiến chấm dứt, mọi động cơ thúc đẩy em ra trận như tan biến” - cô viết cho chồng những lời tuyệt vọng. Cuối cùng Roland Penrose phải viết cho chủ báo Vogue: “Tôi xin bà, đừng bắt Lee viết nữa!”.

Một tấm ảnh năm 1953 cho thấy Lee Miller nằm ngủ trên sofa, đầu lún sâu vào gối, trùm chăn kín mít, mệt mỏi và kiệt quệ. Cô qua đời năm 1977 vì ung thư.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm