Người Anh & Nỗi ám ảnh mang tên Pirlo

26/06/2012 19:06 GMT+7

(TT&VH Online) - Cú sút phạt đền thần sầu cùng phong độ tuyệt vời của Andrea Pirlo đang trở thành nỗi ám ảnh thực sự với bóng đá Anh.

 

Sau thất bại trên chấm 11m trước tuyển Italia ở vòng bán kết EURO 2012, người Anh đã tìm ra được nguyên nhân khiến đội bóng của họ thất bại. Lần này, không phải là Wayne Rooney, Steven Gerrard hay những sai lầm của thủ môn như các giải đấu lớn trước mà là phong độ quá tuyệt vời của Andrea Pirlo. Ngay sau trận thua, các tờ báo ở Anh cùng những chuyên gia bình luận đều cho rằng bóng đá Anh thiếu một cầu thủ có khả năng cầm chịch tuyến giữa như Pirlo để tạo nên sự khác biệt. Rồi tiếp đó, những so sánh rồi các ý kiến về việc đáng lẽ nên gọi Paul Scholes hay sự đáng tiếc khi Jack Wilshere không thể dự EURO 2012 đều được nêu ra như một lý giải cho việc Anh không có được phiên bản Pirlo trong đội tuyển.



Pirlo "khiêu vũ" giữa các cầu thủ Anh - Ảnh Internet

Vậy Anh có thực sự cần Pirlo hay không? Có lẽ câu trả lời là không. Vì trên thực tế, một mình Pirlo cũng không thể tạo ra được chiến thắng cho cả đội Italia. Trong sơ đồ chiến thuật của Thiên Thanh, Pirlo là cầu thủ có nhiệm vụ thu hồi bóng cũng như triển khai các đợt tấn công. Đây là nhiệm vụ mà Gerrard và Parker đã thực hiện không đến nỗi nào khi phải đương đầu với tuyển Italia. Tuy nhiên, khi mà Balzaretti rồi Marchisio liên tục quấy phá tuyển Anh ở hai bên cánh thì những Milner và Ashley Young thi đấu như "chấp người" trên sân. Không nhận được sự hỗ trợ từ hai cánh, cặp tiền vệ trung tâm của Anh đuối sức trước tuyến giữa của Italia là điều dễ hiểu. Lúc đó, có cho Pirlo sang khoác áo tuyển Anh thì chắc tiền vệ của Juventus cũng khó có thể làm được điều gì.

 

Chưa kể, tư duy bóng đá của các cầu thủ Anh khác các cầu thủ Italia. Bóng đá Anh đã thấm nhuần tư tưởng bóng nhanh, đưa bóng lên là phải tấn công ngay. Trong khi đó, người Italia luôn sẵn sàng đá chậm để rình rập cơ hội. Họ sử dụng kỹ thuật cá nhân để điều tiết tốc độ trận đấu và qua đôi chân của Pirlo, bất ngờ một đường chuyền vượt tuyến lên trên hoặc đổi cánh được thực hiện. Nhờ vậy, yếu tố đột biến đã được tạo ra trên sân. Đây chính là cách chơi mà HLV Fabio Capello từng định "truyền giáo" cho các cầu thủ Anh nhưng bất thành. Chính Gerrard cũng từng được chiến lược gia người Italia sử dụng thử nghiệm ở vị trí trên hàng phòng ngự như vai trò của Pirlo ở đội tuyển Italia hiện nay song khả năng mạnh nhất của Gerrard vẫn là những  pha tranh chấp tay đôi và hỗ trợ tấn công, thay vì có thể thu hồi bóng hay phát động tấn công bằng một đường chuyền dài.

 

So với Italia, Anh sở hữu nhiều cầu thủ có khả năng chơi tốc độ ở hai cánh. Nhưng tại EURO 2012, không có nhiều tình huống Tam Sư phối hợp lên biên như các đội bóng lớn ở giải ngoại hạng Anh thường làm. Quãng thời gian ngắn nắm đội tuyển dường như chưa cho phép HLV Roy Hodgson để lại nhiều dấu ấn chiến thuật. Không có Pirlo nhưng Anh hoàn toàn có thể chơi theo cách của họ. Sự hưng phấn mà Anh thể hiện trong trận đấu đầu tiên với Pháp, mà cụ thể xuất phát từ vai trò của tân binh Oxlade-Chamberlain, đã tiêu tan dần qua từng trận đấu. Những pha đập nhả giữa các vị trí ở tuyến trên của Anh trong trận gặp Italia không có hiệu quả khi các cầu thủ Italia áp sát rất nhanh. Vì vậy, thay vì ca thán về chuyện không có được một Pirlo, đã đến lúc Anh nên xây dựng cho mình một lối đá có bản sắc, dựa trên những điều kiện thực tế.


Anh Hiển

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm