Ngược dòng ký ức, EURO 1976: Sự chào đời của loạt “đấu súng”

29/05/2012 13:37 GMT+7 | EURO 2024

(thethaovanhoa.vn) - Trong các kỳ EURO đã diễn ra, giải đấu năm 1976 tổ chức tại Nam Tư sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ không chỉ bởi đây là một trong những kỳ EURO hấp dẫn nhất mà còn bởi sự xuất hiện lần đầu của loạt đá penalty và cú “úp thìa” lịch sử của Antonin Panenka.

Khái niệm penalty đã xuất hiện từ những năm 1880 nhưng phải đến những năm 1950, loạt đá penalty mới được áp dụng để phân xử thắng bại. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, loạt “đấu súng” cũng chỉ được áp dụng tại các giải đấu nhỏ như cúp Quốc gia Nam Tư năm 1952, Coppa Italia mùa 1958-1959 chứ chưa được nhân rộng do các tổ chức lớn như FIFA hay UEFA không đoái hoài. Nhưng sau sự cố phải tung đồng xu để tìm ra đội chiến thắng tại bán kết rồi đá lại chung kết ở EURO 1968, UEFA đã quyết định sử dụng loạt đá penalty.


Chức vô địch EURO 1976 là danh hiệu đầu tiên và duy nhất của Tiệp Khắc cho đến nay

Tại cấp độ câu lạc bộ, ngay từ mùa 1970-1971 loạt đá luân lưu đã được áp dụng và trận đấu giữa Everton và M'Gladbach tại cúp C1 là thử nghiệm đầu tiên. Tuy nhiên, tại cấp độ đội tuyển quốc gia, phải đến EURO 1976 khán giả mới có cơ hội lần đầu chứng kiến một cuộc “đấu súng” cân não. Có một điều đáng chú ý là khi đó, UEFA vẫn cho phép hai đội được quyền đá lại nếu muốn nhưng cả Tây Đức và Tiệp Khắc đều đồng ý “đấu súng”. Các cầu thủ Tiệp Khắc do không được thông báo trước nên sau trận đấu, lũ lượt kéo vào phòng thay đồ rồi ngơ ngác khi bị gọi ra đá penalty!

Vô địch: Tiệp Khắc

Á quân: Tây Đức

Hạng ba: Hà Lan

Hạng tư: Nam Tư

Vua phá lưới: Dieter Mueller (Tây Đức, 4 bàn)

Tuy đây là lần đầu loạt đá luân lưu được áp dụng tại cấp độ ĐTQG ở một giải đấu lớn nhưng trước đó, các cầu thủ đều đã quá quen thuộc với những quả penalty. Huyền thoại Antonin Panenka đã chia sẻ rằng thường xuyên tập đá phạt đền tại CLB và đã chuẩn bị cho loạt “đấu súng” này từ…hai năm trước. Sự chuyên nghiệp trong loạt đá penalty còn thể hiện ở chỗ huấn luyện viên hai đội đã khôn ngoan để những cầu thủ vững vàng nhất của hai đội (Franz Beckenbauer và Panenka) thực hiện loạt đá cuối cùng, điều sau này được các đội khác học theo.

Trong cuộc “đấu súng” ở chung kết EURO 1976, cả hai đội đều thành công trong ba loạt đá đầu tiên. Đến loạt thứ tư, trong khi Ladislav Jurkemik của Tiệp Khắc sút vào thì Uli Hoeness lại sút hỏng. Khi đó, nếu Panenka đánh bại được Sepp Maier ở loạt đá thứ năm, Tiệp Khắc sẽ lần đầu tiên giành được chức vô địch một giải đấu lớn. Trong thời khắc quyết định, có thể lần đầu mang vinh quang về cho dân tộc hoặc trả lại cơ hội cho người Đức, Panenka không những hạ gục được Maier mà còn thực hiện một kiệt tác với pha sục bóng thể hiện đỉnh cao của kỹ thuật và cả sự bình tĩnh hiếm thấy.

Có một điểm nhấn thú vị khác là cả Tây Đức và Tiệp Khắc (CHLĐ Đức hay Czech sau này) sau đó đều trở thành những đội bóng xuất sắc trên chấm phạt đền. Tây Đức giành được năm chiến thắng trong loạt đá penalty cân não còn Tiệp Khắc cũng có thêm hai chiến thắng. Tại EURO 1980, đội bóng này đánh bại Italia 9-8 (Panenka vẫn là người sút quả thứ năm quyết định) và 16 năm sau, tại EURO 1996, vượt qua người Pháp với tỷ số 6-5. Trong cả ba loạt đấu penalty từng tham dự, Tiệp Khắc (Czech) thắng cả ba, thực hiện thành công cả 20 quả, không sút trượt một lần nào.

Dù từng giúp phân xử thắng thua trong hai trận chung kết World Cup (1994 và 2010), một EURO (1976) nhưng đến nay, loạt đá penalty vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận. Cách đây bốn ngày, chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã một lần nữa nêu ý tưởng nên dẹp những cuộc “đấu súng” bởi “Bóng đá là cuộc chơi của cả một tập thể, trong khi loạt đá penalty lại là nơi thể hiện của mỗi cá nhân”. Ý tưởng của ông Blatter không tồi nhưng khi thế giới vẫn chưa có một hình thức khác để quyết định thắng-thua, những loạt đá luân lưu chắc chắn sẽ vẫn được sử dụng.

Ông Beckenbauer, người đã cùng Tây Đức thua trận trong loạt đá năm 1976 và vừa chứng kiến Bayern gục ngã trên chấm phạt đền, hiện vẫn ra sức ủng hộ hình thức này: “Những quả đá penalty mang nỗi đau và niềm phấn khích tột cùng cho trận đấu. Đây dĩ nhiên là một giải pháp tốt hơn việc tung đồng xu trước đây”.

Trần Khánh An

Đức đã từng sợ penalty

Trong những loạt “đấu súng” đầu tiên do UEFA tổ chức, người Đức đều phải nhận thất bại. Tại cấp độ CLB, M’Gladbach để thua Everton 3-4 ở cúp C1 mùa 1970-1971. Tại cấp độ ĐTQG, Tây Đức phải nhìn Tiệp Khắc giành chức vô địch EURO 1976 sau khi thất bại trong loạt penalty. Tuy nhiên, đây cũng là giải duy nhất Tây Đức (CHLB Đức sau này) thất bại trên chấm phạt đền tại các giải đấu lớn. “Die Mannschaft” đã thắng Pháp tại World Cup 1982, Mexico tại World Cup 1986, Anh tại World Cup 1990 và 1996, Argentina tại World Cup 2006. Còn ở cấp độ CLB, trận thua Chelsea vừa qua mới là lần đầu tiên Bayern gục ngã trên chấm phạt đền tại đấu trường châu lục.

Đội hình tiêu biểu EURO 1976: Gọi tên Mueller đệ nhị

Sau World Cup 1974, việc “kẻ dội bom” Gerd Mueller quyết định giã từ sự nghiệp quốc tế vì những lý do cá nhân đã để lại một khoảng trống không nhỏ trên hàng công của Tây Đức. Tuy nhiên, tại EURO 1976, “Die Mannschaft” đã may mắn tìm được một tay săn bàn thượng hạng khác có tên Dieter Mueller (thực tế đây chỉ là “nghệ danh” còn tên thật của tiền đạo này là Dieter Kaster). Tuy có cái tên “ăn theo” nhưng khả năng ghi bàn của Mueller đệ nhị cũng rất đáng nể, không thua kém nhiều bậc tiền bối. Tại cấp độ CLB, chân sút này đã hai lần liên tiếp giành danh hiệu Vua phá lưới Bundesliga (1977 và 1978).

Còn tại ĐTQG, Dieter Mueller đã ghi chín bàn chỉ trong 12 lần thi đấu cho “Die Mannschaft”. Tại EURO 1976, tiền đạo này đã khiến tất cả phải choáng váng khi trong trận bán kết với Nam Tư, mới vào sân từ ghế dự bị được ba phút đã ghi bàn gỡ hòa. Trong hai phút đá bù giờ, Dieter Mueller ghi liền thêm hai bàn nữa, giúp Tây Đức giành quyền vào chung kết! Trong trận đấu cuối cùng, tuy không thể giúp Tây Đức giành chức vô địch nhưng với bàn thắng vào lưới Tiệp Khắc, Dieter Mueller đã trở thành Vua phá lưới của giải đấu.

Thủ môn: Ivo Viktor (Tiệp Khắc).

Hậu vệ: Jan Pivarnik (Tiệp Khắc), Ruud Krol (Hà Lan), Anton Ondrus (Tiệp Khắc), Franz Beckenbauer (Tây Đức).

Tiền vệ: Rainer Bonhof (Tây Đức), Jaroslav Pollak (Tiệp Khắc), Antonin Panenka (Tiệp Khắc), Dragan Dzajic (Nam Tư).

Tiền đạo: Zdenek Nehoda (Tiệp Khắc), Dieter Mueller (Tây Đức).


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm