10/04/2020 06:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung vừa tiếp tục đăng đàn khẳng định cơ hội để đội tuyển Thái Lan dự AFF Cup 2020 là không cao và FAT cũng không mặn mà lắm về giải này khi dịch bệnh Covid-19 quá phức tạp. Dù đó là "chuyện riêng" của đối thủ số 1 trong khu vực, thì rõ ràng những người làm bóng đá Việt Nam cũng cần có những nhìn nhận thực tế hơn về sân chơi này.
1. Chủ tịch Somyot mới đây đã thông báo thiệt hại chỉ tính riêng tiền bán vé và bán đồ lưu niệm của các CLB đang chơi ở 2 hạng đấu cao nhất Thái Lan đã lên tới hơn 5,1 triệu USD. Chưa kể tiền bản quyền truyền hình với CLB Thai-League 1 là 15 tỷ VNĐ/mùa, CLB Thai-League 2 là gần 4 tỷ VNĐ/mùa; bên cạnh các nguồn thu chính là nhà tài trợ riêng của CLB… tất cả đang khiến bóng đá Thái Lan khủng hoảng.
So với bóng đá Thái Lan, bóng đá Việt Nam không thể bì nổi một phần về chuyện thu nhập. Và có lẽ khi rảnh rỗi như hiện tại, nhìn sang người Thái công khai các mức thu nhập, người làm bóng đá nước nhà cần suy nghĩ không chỉ ở khâu kiếm tiền mà cả trình độ chuyên môn, người Thái một lúc nào đó sẽ vượt trội lên hẳn bóng đá Việt Nam.
Dông dài so sánh chuyện thu nhập của hai nền bóng đá có thể khác nhau, nhưng thời gian thì công bằng với tất cả. Bóng đá Việt Nam và Thái Lan hiện tại đang dẫm chân tại chỗ nhưng người Thái hiện tại đã có tới 6 phương án để trình bày với các CLB nhằm giải quyết việc đưa mùa giải 2020 trở lại.
Sau 2 phương án không thể hoàn thành (vì dịch Covid-19 kéo dài), còn 4 mục tiêu khác mà người làm bóng đá Thái Lan nhắm đến. Và so với nước bạn ở khâu này, Việt Nam có nhiều điểm tương đương. Chủ tịch Somyot nói về các phương án tiếp theo: “Phương án tiếp tục cho mùa giải bắt đầu từ 30/5 đến 21/11 hoặc bắt đầu từ 2/6 đến 13/12, hai cột mốc khá sát nhau trong thời gian này, nên tính khả năng còn bỏ ngỏ. Hai phương án khác bắt đầu vào ngày 1/7 và kéo dài đến 20/12. Lịch thi đấu cuối cùng là từ ngày 1/ 8 đến 20/ 12, chỉ thi đấu trong khuôn khổ giải quốc nội"
"Nếu lựa chọn lần lượt từng giải đấu tham dự sẽ tạo ra sự chồng lấn, trong đó có AFF Cup. Phải xem xét hủy bỏ cả Cúp quốc gia, Cúp Liên đoàn lẫn AFF Cup. Thai League diễn ra với một giai đoạn hoặc hoàn thành hai lượt trận đi và về như dự kiến, nhưng phải chơi liên tục, có các trận đấu giữa tuần”, ông Somyot nói thêm. Trước đó, FAT cũng đã tính đến phương án thi đấu không khán giả và đấu tập trung.
Nhìn cách thức chuẩn bị của Thai League (có 4 hạng đấu từ 1 đến 4) như thế, có thể thấy mùa bóng 2020 càng trì hoãn càng áp lực thế nào cho các CLB. Các cầu thủ đương nhiên sẽ phải căng sức “cày ải” để hoàn thành lịch thi đấu và đương nhiên, nguy cơ chấn thương do quá tải là điều họ phải đối diện.
Thai-League 1 hiện có 16 CLB, ít hơn 2 CLB so với Thai-League 2, chưa kể hai hạng đấu 3 và 4 còn lại, nếu người Thái tổ chức thêm các giải khác như Cúp quốc gia vốn đã là thông lệ, kịch bản các cầu thủ phải oằn mình gánh lịch thi đấu là dễ xảy ra. So với V-League tổ chức theo mô hình tháp ngược (V-League có 14 CLB, nhiều hơn giải hạng Nhất 2 CLB) thì lịch thi đấu của V-League đỡ căng hơn Thai-League. Nhưng nếu càng trì hoãn dài, kịch bản các cầu thủ phải lao động vất vả trên sân bóng là rất dễ xảy ra. Hai nền bóng đá chắc chắn sẽ ưu tiên phương án thi đấu cả lượt đi và về để bảo đảm quyền lợi cho nhà tài trợ.
2. Ngoài cấp CLB, các ĐTQG cũng sẽ phải thi đấu trở lại tại vòng loại World Cup 2022. So với Thái Lan, Việt Nam ở tư thế “cửa trên” lúc này tại bảng G khi xếp đầu bảng với 11 điểm, hơn đội thứ 2 Malaysia 2 điểm và hơn chính Thái Lan đang xếp thứ 3 với 8 điểm. UAE cũng chưa chịu khuất phục dù mới có 6 điểm. Cơ hội vẫn còn cho tất cả và bảng đấu này hứa hẹn mỗi trận còn lại đều như một trận chung kết.
Trong hoàn cảnh FIFA chọn tháng 10 và 11 để đưa quả bóng lăn trở lại ở sân chơi đẳng cấp nhất hành tinh, đương nhiên tất cả các đội tuyển đều phải mang những gì tinh tuý tới. Thái Lan không ngần ngại chuyện bỏ AFF Cup 2020 để tập trung cho giải quốc nội lẫn vòng loại World Cup, những giải đấu mang lại núi tiền và danh tiếng. Bởi họ đã phân tích ra quá nhiều điều điều không tốt cho chính mình nếu cố tham gia.
Chỉ tính chuyện “nhà” ở thời điểm cuối năm có thể đã khiến nhiều nền bóng đá đau đầu. Thái Lan từ lâu đã ý thức họ không cần chứng tỏ gì ở AFF Cup. Và việc Việt Nam dù đang giữ tư cách ĐKVĐ giải này cũng không thắng nổi người Thái, thậm chí hai trận hoà 0-0 với tư cách cửa dưới cũng có thể là lý do khiến người Thái bảo lưu quan điểm.
Khi Thái Lan mở ra nhiều phương án rất thuyết phục cho nền bóng đá của họ, thì người làm bóng đá Việt Nam cũng cần cân nhắc thiệt hơn về chuyện dự AFF Cup 2020. Ở chừng mực nào đó, có lẽ HLV Park Hang Seo cũng không cần chứng minh năng lực chinh phục ở tầm khu vực thêm lần nào nữa sau tấm HCV SEA Games 30. Trong thời gian gấp gáp cuối năm, sẽ rất khó nghĩ cho ông Park nếu phải tạm dừng mùa giải cả 1-2 tháng để đội tuyển hướng tới AFF Cup. Giải đấu khu vực từ lâu bị chỉ trích dài hơn cả World Cup năm nay chưa biết có thay đổi điều lệ hay cắt ngắn lịch trình hay không, nhưng đã thấy người Thái Lan lẫn Malaysia nghĩ đến chuyện không muốn tham gia.
Thực tế hơn hẳn là chuyện ở AFF Cup 2020, nếu giải đấu vẫn kéo dài, cũng cần những phương án như một ĐTQG được trẻ hóa quyết liệt, thậm chí là đội tuyển trẻ tham dự. Năm 2021, Việt Nam sẽ là chủ nhà của kỳ SEA Games 31 và cũng chưa muộn khi hoàn thành việc cần làm là bảo vệ tấm HCV ngay trên sân nhà để làm vui lòng hàng triệu CĐV.
Trong thời điểm cuối mùa giải năm 2020, thầy trò ông Park thực tế nhất vẫn là dồn mọi tâm huyết cho những cái tên quyết định lịch sử nền bóng đá nước nhà như Malaysia, UAE hay cả Indonesia. CĐV Việt Nam sẽ buồn nhiều hơn nếu Việt Nam chọn cách bảo vệ chức vô địch AFF Cup thay vì vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 để so kè với những đội tuyển hàng đầu châu Á, thay cho một AFF Cup. |
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất