Tiếng nói CĐV: Arsenal- sự thống nhất giữa các mặt đối lập

18/03/2012 12:02 GMT+7 | Arsenal

(TT&VH Online) - Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Quy luật này vạch ra nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển, theo đó nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng.

Premier league mùa bóng 2012, có lẽ Arsenal là minh chứng sống động nhất cho quy luật triêt học thú vị này.



Arsenal  đang thay đổi - Ảnh Getty

Arsenal được yêu thích vì “đá đẹp”; nhưng họ luôn bị mỉa mai là “ngây thơ” với thời cuộc và thiếu hiệu quả. Arsenal được ngưỡng mộ vì luôn có dàn cầu thủ trẻ trung và tài năng; nhưng họ lại bị gán cho cái mác là “những đứa trẻ không bao giờ lớn”. Giáo sư A. Wenger được coi là huyền thoại sống tại sân Emirates; nhưng không ít lần tại mùa bóng này ông đã bị chính cổ động viên nhà la ó vì ông bắt họ mòn mỏi chờ danh hiệu những 7 năm.

Đã từ lâu Arsenal là thương hiệu hiện thân cho bóng đã vị nghệ thuật. Từ thế hệ vàng Thierry Hennry, D. Bergkam, P. Vieira, Cesc Fabregas cho đến Theo Walcott và R.V. Persie hiện nay, tât cả đều trung thành với triết lý bóng đã đẹp.Cái đẹp thì ai cũng thích nhưng cái đẹp luôn mong manh dễ vỡ. Và Arsenal cũng vậy. Không biết bao nhiêu lần, các học trò của Wenger cho người hâm mộ của họ chơi trò Roller-Coaster (một trò chơi đi tàu lượn lên xuống). Họ có thể bay cao bằng những trận thắng không tưởng trước các đối thủ mạnh nhưng lại vỡ vụ như pha lê trước đôi chân xù xì của các đối thủ yếu. Có nghĩa là Arsenal chơi bóng theo kiểu “nghệ sỹ”: khi có hứng họ thăng hoa, khi thiếu cảm hứng họ như bóng xì hơi.

Nếu Arsenal vẫn trung thành với triết lý “chết vì cái đẹp” họ vẫn sẽ được yêu thích và được ngưỡng mộ. Nhưng ngoài điều đó ra, A Wenger còn khát khao một điều khác lớn hơn – họ muốn được công nhận và được tôn trọng với vị thế của “đàn ông đích thực” chứ không phải mãi bị chế giễu là “những đứa trẻ không bao giờ lớn”.

Giáo sư Wenger và các học trò đang thay đổi. Tại Champion League, tuy không thể thay đổi số phận sau khi thua AC Milan 0-4 trận lượt đi, nhưng tại trận lượt về trên sân Emirates, “những đứa trẻ” của giáo sư A. Wenger đã cho cả châu Âu thấy rằng họ có tinh thần chiến đấu quật cường như thế nào. Mùa bóng 2011-2012 này, “Pháo thủ” là đội có số trận lội ngược dòng nhiều nhất tại Premier League (gặp Liverpool, Tottenham và gần nhất là Newcastle). Họ đã muốn và họ đã làm được - trở thành những gã đàn ông bản lĩnh và mạnh mẽ. Ít nhất là tại những trận đánh lớn gần đây.

Arsenal đang thay đổi theo hướng tích cực và họ đang nhận được những kết quả tích cực. Khắp khán đài sân Emirates lại ngân vang điệp khúc “In Wenger we trust” (chúng tôi tin Wenger). Hy vọng các fan tuyệt vời của Arsenal đã đúng - không chỉ vì thành tích sân cỏ mà cả về bản sắc của đội bóng.

Bởi vì thay đổi để thích ứng nhưng không có nghĩa là đánh đổi bản sắc thương hiệu lấy thành công nhất thời.

Nguyễn Đức Sơn

Công ty Richard Moore Associates


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm