Ca sĩ Ngọc Khuê: Giấc mơ bên bờ ao nhà mình

27/05/2013 09:45 GMT+7 | Âm nhạc

Ngọc Khuê ngồi trong góc quán rợp bóng tre và lá. Cô mặc chiếc váy đỏ. Mái tóc buông dài trẻ trung, hiện đại. Trông Khuê thật nhẹ nhõm, bình yên, như cô không thuộc về ồn ào showbiz. Chỉ giọng hát của Khuê đằm hơn, và tình hơn.

1. Ngọc Khuê đã trở lại. Vẫn cái vẻ lúng liếng, đa tình. Vẫn cái chất hoang dại, “điên điên” trên sân khấu. (Mà Khuê nói rằng đã “điên” một cách chín chắn hơn). Cô đã chinh phục trái tim người nghe. Bài hát Lạc của nhạc sĩ An Thuyên, viết dành riêng Ngọc Khuê đã về nhất trong bảng xếp hạng Bài hát yêu thích tháng 4. Đối với Khuê, đó là hạnh phúc. Không vì danh tiếng. Mà vì khán giả vẫn nhớ và yêu giọng hát của cô, dù Ngọc Khuê xuất hiện không nhiều trên sân khấu. Thậm chí, cảm giác như Khuê biến mất khỏi đời sống. Khuê có những khán giả của riêng mình. Có thể không nhiều. Nhưng sẽ bền lâu và chung thủy.


Có lẽ đây là quãng sống đẹp nhất trong cuộc đời của cô nàng “chuồn chuồn ớt”, khi cô đang sống trong những giấc mơ có thật của cuộc đời. Cô nàng đã bay từ bờ ao nhà mình, từ những ký ức của tuổi thơ ra một bầu trời rộng lớn hơn. Và trong thế giới vẫy vùng tự do ấy, chuồn chuồn vẫn muốn trở về...

Liệu Khuê có chạnh buồn, khi những người bạn của mình, thành danh từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2004, những Tùng Dương, Khánh Linh đã để lại những dấu ấn phá cách trong sự nghiệp âm nhạc. Còn Khuê, cô nàng Thị Mầu điên điên trên sân khấu, lẳng và lúng liếng, từ từng cái liếc mắt, từng cách nhả chữ của âm nhạc dân gian đương đại thì dường như vẫn rất lặng lẽ.

Còn nhớ, ngày đó, Khuê đã làm nên dấu ấn ngay từ lần đầu tiên xuất hiện. Trên đỉnh phù vân, Mái đình làng biển, đã biến ảo trong cách hát hoang dại của Ngọc Khuê. Hồi đó, có ai hát Trên đỉnh phù vân mà trải chiếu ngồi gõ mõ như Khuê không, đến nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng ngạc nhiên. Còn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, gặp Khuê chỉ bảo: con bé này, lần sau hát bớt điên đi nhé. Nhưng hát bớt điên đâu phải là Ngọc Khuê.

Rồi sự kết hợp của Khuê với nhạc sĩ Lê Minh Sơn sau đó, những Cặp ba lá, Bên bờ ao nhà mình... một sự kết hợp đầy ngẫu hứng và rất tình. Và khán giả đã kỳ vọng... Nhưng rồi, Khuê lấy chồng, sinh con. Làm bổn phận phụ nữ trong gia đình. Phải chăng Khuê lựa chọn sự bình yên hơn là sự dấn thân, quyết liệt trong âm nhạc. Khuê cười, cô vẫn làm cả hai việc. Và cô chưa bao giờ ngừng hát. Nhưng dòng nhạc của Khuê kén người nghe. Cô không thuộc về số đông. Nhưng Khuê không thỏa hiệp. Cô chỉ làm những gì mình thích, những gì mình thuộc về. Khuê có thể thỏa hiệp trong đời sống, để giữ sự bình yên. Nhưng lại là người cực đoan trong âm nhạc.

Và Khuê sẽ đi đến tận cùng con đường đó. “Mình bước đi chậm mà chắc. Nghệ thuật không ăn xổi được. Bây giờ không có nhiều chương trình nghệ thuật lớn, trong khi đó, ca sĩ lại quá nhiều. Tôi không muốn bon chen, dòng nhạc tôi lựa chọn, không phải cho đám đông và cũng kén người nghe, nên mọi người thấy tôi có vẻ lặng lẽ vậy thôi. Nhưng tôi nghĩ, cái điều còn lại của ca sĩ, là có đến được trong lòng công chúng hay không. Tôi nghĩ, mình đã có được điều đó.

Con đường của tôi có thể không ồn ào, nhưng tôi nghĩ, nó sẽ bền lâu. Dù nhiều lúc tôi cũng thấy mình cô đơn trên con đường đó, nhưng tôi sẽ không thay đổi. Tại sao phải thay đổi, khi có những người cả cuộc đời mới tìm ra được bản sắc của mình, trong khi tôi mới xuất hiện, tôi đã thấy mình thuộc về dòng nhạc dân gian đương đại.

Ngọc Khuê chọn Phạm Duy, như là một dấu mốc trong cuộc đời nghệ thuật của mình. CD gồm 7 bài hát của Phạm Duy, Ngọc Khuê thu hàng năm nay. Sao lại là Phạm Duy chứ không phải một nhạc sĩ nào khác. Sao Ngọc Khuê mạo hiểm với những bài hát đã đóng khung với rất nhiều thế hệ ca sĩ nổi tiếng của Phạm Duy.

Đơn giản chỉ vì đam mê. Ngọc Khuê chỉ làm những thứ mình thích. Mà Khuê đã thích thì quay quắt với nó, điên dại với nó, không dứt ra được. Khuê mê nhạc Phạm Duy từ ngày còn bé tí. Những âm thanh phát ra từ chiếc đài cát xét cũ kỹ của bố, Đưa em đi tìm động hoa vàng, Tình ca, Tiếng đàn tôi. Day dứt. Ám ảnh. Khuê cảm âm nhạc của Phạm Duy theo cách của một người trẻ. Khi nhạc sĩ Phạm Duy còn sống, Khuê may mắn được mang tặng ông bản demo của CD này.

Nhạc sĩ Phạm Duy nghe xong, chỉ nói một câu: “Con nhỏ Bắc Kỳ này hát tốt quá”. Với sự phối khí của nhạc sĩ Lê Minh Sơn và những nhạc cụ mộc, độc nhất, Ngọc Khuê đã mang đến cho nhạc Phạm Duy một sắc màu mới. Những Tóc mai sợi vắn sợi dài, Đưa em đi tìm động hoa vàng, và đặc biệt là bài hát Rồi mai tôi sẽ đưa em về nhà.

Ca khúc Khuê mê nhất trong số 7 bài. Bài hát đã chạm thấu đến trái tim đa cảm của Ngọc Khuê, như là sự tổng kết của một cô gái đã lớn, đã trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, và đã yêu và chỉ có một ước mơ giản đơn thôi, được yêu thương, được trở về mái nhà yên ấm của mình. Về đây với những thương yêu hàng ngày.

Chỉ làm những gì mình thích, nên trong thời buổi, các ca sĩ chạy sô kiếm sống thì Ngọc Khuê lại đi học để thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo. Giờ thì Khuê đã là giảng viên Khoa Nghệ thuật quần chúng, Đại học Văn hóa. Khuê vui và tự hào vì điều đó. Khuê vừa mở một quán cà phê ở góc đường Đê La Thành, trong khuôn viên của Đại học Văn hóa. Khuê thích làm những thứ không giống ai. Và thích những góc tĩnh lặng của đời sống.

Không gian quán cà phê khá đặc biệt, được phủ xanh bởi cây và tre. Khuê muốn được trở về với thiên nhiên. Cuộc sống đô thị đã lấy mất của con người những không gian sống. Ngọc Khuê hào hứng về những dự định của mình. Khuê muốn, một không gian thuần Việt, để những người yêu nhạc, có thể tổ chức những mini show của mình, và đó sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa trưng bày các tác phẩm điêu khắc, hội họa, âm nhạc.

Nơi đó, Khuê và những người bạn có thể hát về những ca khúc mà mình yêu thích. Kinh doanh của nghệ sĩ, lại trong thời buổi khủng hoảng kinh tế này, liệu có mạo hiểm. Khuê cười, cô không đặt mục tiêu kinh doanh, dù tiền đầu tư phải đi vay. Đó là một cuộc chơi, với những nghệ sĩ như Khuê, thì đó là một cuộc chơi bất tận của nghệ thuật để được thỏa mãn niềm đam mê của mình.

2. Ai cũng có một ký ức tuổi thơ. Và ký ức, đôi khi trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời... Khuê có một tuổi thơ đầy gió cuốn.

Nhà Khuê nghèo ở phía bên kia sông Hồng. Ngày nào, bố Khuê, nhạc sĩ - họa sĩ Phạm Ngọc Khôi cũng lách cách chiếc xe đạp chở Khuê sang Cung Thiếu nhi Hà Nội để học nhạc. Khuê cảm ơn bố những ngày tháng khốn khổ đó. Nhà có mỗi chiếc, lại cũ kỹ, hay tuột xích, mặt bố lem nhem mỡ. Khuê nhớ, có lần bố ốm, cô đi bộ từ đường Hai Bà Trưng về, mải mê đuổi theo bướm dọc bãi bồi sông Hồng. Ngày đó, còn mênh mông lắm.

Tuổi thơ của Khuê không như các bạn trong phố, được trèo me, trèo sấu. Mà là những bãi ngô dài tít tắp, là những cánh đồng hoa cải vàng, là bờ ao. Khuê lớn lên từ sự vất vả, tảo tần của bố, của mẹ. Nhà có ba chị em, chỉ Khuê đi theo nghệ thuật và ảnh hưởng nhiều từ người bố của mình. Khuê luôn tự hào về cái gốc gác nhà quê của mình. Bởi dù có đi cả cuộc đời, có sống với phố xá thì Khuê vẫn giữ cái nét nhà quê như một “bảo bối” trong tâm hồn mình.

Tôi thấy Khuê đơn độc trong hành trình của mình. Nhưng Khuê không lựa chọn đám đông. “Tại sao mình phải chọn con đường khác, trong khi mình vẫn có đường để đi, dù không phải là con đường rộng thênh”. Khuê nói, bao nhiêu năm, tiền đi hát chỉ đủ để làm đĩa. Khuê kỹ tính với từng CD của mình, từ cách chọn nhạc cụ để hòa âm, phối khí, đến từng buổi ra mắt. Mọi thứ phải thật hoàn hảo. Nhiều người bảo, Ngọc Khuê có chồng đại gia mới thảnh thơi sống và coi âm nhạc như một cuộc chơi như vậy. Khuê cười, quan trọng là tâm thế sống, chứ không phải vì đại gia hay tiểu gia.

Khuê không theo đuổi tiền bạc, danh tiếng. Bởi, có lẽ, Khuê hiểu, những thứ đó cũng chỉ là phù du. Nhưng Khuê đang có cuộc sống đủ đầy, bình yên trong gia đình bé nhỏ của mình. Những lúc buồn, Khuê thường lên chùa Phật Tích. Khuê dành một góc tâm linh. Nhiều năm nay, Khuê vẫn lặng lẽ chia sẻ với những đứa trẻ mồ côi.

Khi là những nồi thịt được nấu cẩn thận, cải thiện bữa ăn. Khi là sách báo. Khi chỉ là tiếng hát. Khuê nói. Mẹ Ngọc Khuê là phật tử, từ bé, cô đã đọc rất nhiều sách đạo Phật, và không khí nhà chùa, cũng thấm vào Ngọc Khuê tự bao giờ, thành một lối sống. Cô làm từ thiện cùng những người bạn của mình. Một công việc lặng lẽ từ rất nhiều năm nay.

Và cô nàng “Thị Mầu” Ngọc Khuê, bao năm ở phố, vẫn mơ giấc mơ về bờ ao nhà mình, gần gụi đấy, ấm áp đấy, nhưng cũng thật nhọc nhằn, chông gai...

Theo Việt Nguyễn
Công an Nhân nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm