The Voice Kids và vòng xoáy showbiz: 'Chúng ta đang mắc nợ trẻ em'

26/09/2013 13:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những câu chuyện xảy ra tại vòng chung kết The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí), cũng như thông tin Quang Anh và Phương Mỹ Chi "rập rình" bước vào showbiz, đang đặt ra một câu hỏi: phải chăng, chúng ta đã đến lúc cần có cái nhìn khách quan và nghiêm túc về việc "khai thác" các tài năng nhỏ tuổi cho mục đích thương mại?

TS Khuất Thu Hồng Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội Việt Nam, có cuộc trao đổi với TT&VH Cuối tuần về vấn đề này. Bà cho biết:

TS Khuất Thu Hồng

Chuyện "khai thác" các gương mặt rất ít tuổi cho công nghệ giải trí là điều xảy ra ở bất cứ xã hội phát triển nào – khi mục đích thương mại hóa được đẩy lên cao. Tại Việt  Nam, do đặc thù phát triển của mình, chúng ta bây giờ mới "chạm" vào vấn đề này. Trước đó, nếu không nhầm, tôi nhớ chỉ có trường hợp của bé Xuân Mai vào những năm 2000. Nhưng truyền thông và công nghệ giải trí  khi ấy phát triển chưa mạnh, nên câu chuyện cũng không được dư luận tập trung phân tích như một điển hình sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.

Bây giờ, sau The Voice Kids, chắc chắn những trường hợp như Quang Anh, Phương Mỹ Chi... sẽ tiếp tục xuất hiện và bị cuốn vào đà phát triển của hình thức kinh doanh ấy. Đơn giản, đó là nhu cầu có thực trong xã hội ở giai đoạn này, và những nhà sản xuất truyền hình, tổ chức biểu diễn... càng muốn khai thác mạnh để thu về quyền lợi cho mình. Nghĩa là, những câu chuyện được nhắc tới vừa qua không thể chỉ quy hết trách nhiệm cho các em, cho phụ huynh, cho nhà sản xuất hay cho giới truyền thông. Mà, cái gốc của vấn đề là chuyện lợi nhuận kinh tế. Còn phát sinh lợi nhuận – và lại phần nào hợp với một số nhu cầu thưởng thức trong xã hội hiện nay – thì việc kinh doanh ấy sẽ không thể chấm dứt một cách duy ý chí được.

Cần nói rõ, việc khai thác " tài năng nhí" vào mục đích thương mại – mà ở trường hợp này là công nghệ giải trí – cũng có những mặt tích cực. Thậm chí, nhìn qua thì  câu chuyện tưởng như nằm trong mối quan hệ win – win, nghĩa là từ nhà sản xuất, thí sinh, phụ huynh, hay khán giả... đều hào hứng và có  phần lợi ích của mình ở đây. Còn cái chưa lộ diện, hoặc ít được chú ý tới, là hậu quả rất có thể sẽ xảy ra với số phận của các tài năng nhí ấy...

* Những hậu quả ấy, báo chí đã nhắc tới khá nhiều. Đó là việc các em có thể bị biến thành những cỗ máy kiếm tiền, chịu ảnh hưởng tệ hại tới chuyện học hành, hoặc gánh những áp lực nặng nề từ giới truyền thông...

- Tôi muốn nhìn vấn đề ở xa hơn : các em phải trở thành người lớn quá sớm – khi chưa được chuẩn bị đầy đủ những kĩ năng cần thiết. Không phải chỉ là khái niệm "đánh mất tuổi thơ" hay "đánh mất sự hồn nhiên" mà chúng ta vẫn than đâu. Tác động tiêu cực rất rõ và trực tiếp : những cuộc thi đầy tính ganh đua, đầy tiềm năng để xuất hiện những chiêu thức hay thủ thuật theo kiểu "dưới gầm bàn". Là trẻ em, đang ở giai đoạn phát triển và hình thành tính cách, tâm lý cạnh tranh, ganh đua cay cú sẽ xuất hiện rất sớm vì những chuyện đầy rắc rối như thế.

Giới showbiz rất khốc liệt và đầy cạm bẫy, bao gương mặt là "người lớn xịn" cũng gặp thất bại vì sự sai lầm hoặc thiếu bản lĩnh của mình. Các em vẫn là trẻ con, bị nhúng vào môi trường ấy quá sớm, thì có đủ sức trụ vững được lâu dài trong sân chơi ấy không? Trên thế giới, những tài năng nhí lóe sáng quá sớm cũng thường gặp hàng loạt sóng gió, trắc trở trong cuộc sống và hạnh phúc riêng sau này, mà trường hợp Macaulay Culkin (diễn viên 10 tuổi của phim Ở nhà một mình– PV) là ví dụ điển hình. Mà, đó là câu chuyện ở một xã hội đã có rất nhiều bài học về mặt trái của công nghệ giải trí.

Tôi thấy tiếc lắm, vì trên lý thuyết, những gương mặt "lóe sáng" ở độ tuổi nhi đồng như vậy đều là những tài năng thiên bẩm.  Mà tài năng thì cần được chăm chút, bồi dưỡng một cách đặc biệt để có thể phát triển, thay vì khai thác theo kiểu "bán lúa non".

10 tuổi, Phương Mỹ Chi làm say đắm lòng người với những bài dân ca ngọt ngào

* Quả thật là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Và xa hơn, như quan điểm hơi bi quan của một số người, thì chúng ta đang phát triển văn hóa theo dạng "ăn xổi", nghĩa là thiếu chiến lược bền vững về lâu dài...

- Tôi nghĩ, thực ra chúng ta đang phát triển khá nhanh về cấp độ thị trường, về vấn đề thương mại hóa- trong khi kiến thức và sự chuẩn bị của chúng ta lại chưa được đầy đủ để ứng phó với những tác động tiêu cực của sự phát triển ấy. Vấn đề không dừng lại ở chuyện thiếu bản lĩnh – nếu có – của các tài năng nhí hay phụ huynh các em đâu. Chỉ nhờ những chương trình như The Voice Kids mà các em mới được biết tới, mới có cơ hội được xã hội nhìn nhận. Và khi đã bước vào vòng xoáy showbiz rồi thì cũng rất khó trách phụ huynh các em là sao không biết dừng lại, đừng bị chi phối mạnh về chuyện kiếm tiền nữa. Báo giới đã đề cập nhiều tới hoàn cảnh khó khăn của gia đình 2 thí sinh đoạt giải, tôi không cần nhắc lại.

Cái mà cả xã hội của chúng ta đang thiếu ở đây là việc có sự chuẩn bị, để hạn chế bớt những tác động tiêu cực từ trường hợp như thế. Mỗi xã hội sẽ có những lựa chọn riêng để làm điều này. Và sự thật, theo tôi, ở VN lại đang có rất nhiều lợi thế, bởi  việc tổ chức các chương trình biểu diễn, các game show truyền hình hiện nay, đều cần phải có sự đồng ý của các cơ quan quản lý văn hóa. Nếu muốn, phía quản lý hoàn toàn có thể đặt ra thêm những quy định để hạn chế liều lượng vừa phải, hoặc ít ra là hướng các chương trình biểu diễn của các em tới những hoạt động có tính xã hội, cộng đồng cao. Khi ấy, cái các em thu về không phải là quá nhiều tiền, mà là những quyền lợi đặc biệt về giáo dục, giải trí, rèn luyện tri thức cho bản thân...

Nhưng thực tế, các nhà quản lý có chú ý tới điều này không, hay họ cho rằng đó là vấn đề lựa chọn cá nhân và do cá nhân tự quyết? Theo cách nghĩ của tôi, thì chúng ta hiện nay đang nợ trẻ em rất nhiều. Chúng ta thiếu sự đầu tư đầy đủ cho những công trình văn hóa lớn cho trẻ em – cho dù số tiền đầu tư xây dựng hàng năm tại Hà Nội, TP HCM là rất lớn. Hoặc, ngay trong The Voice Kids, có một thực tế hiện ra là số thí sinh nhí hát các bài hát "người lớn" rất nhiều. Đành rằng những bài cho trẻ em như Bé bé bồng bông, Chú ếch xanh... bây giờ có thể không còn phù hợp nữa, nhưng sao chúng ta không nhìn vấn đề ở việc những ca khúc mới viết cho thiếu nhi hiện cũng không có được bao nhiêu... Để thay đổi được những điều ấy là một câu chuyện rất khó và rất dài.

* Một câu hỏi vui: cá nhân bà sẽ xử sự thế nào, nếu cháu gái mình muốn đăng kí tham gia dự thi
The Voice Kids?


- Tôi nghĩ, việc một số phụ huynh – mà cụ thể ở đây là tôi – không tán thành cách xây dựng chương trình này, và việc đủ sức cấm đoán con gái/cháu gái mình tới dự thi là 2 điều khác nhau. Hãy hiểu thực tế là hiện giờ, các em nhỏ đang lớn lên ở môi trường như vậy, và đang nghe người ta tung hô những giá trị như vậy, nên chúng ta hãy học cách định hướng, thay vì cấm đoán.

Nếu là tôi,  tôi sẽ phải "cảnh báo" với cháu gái mình để làm công tác tư tưởng, sẽ phải theo sát cháu trong cuộc thi để tránh cho cháu không bị sa đà vào tâm lý cay cú ăn thua, sẽ phải cố sức để nó tham gia cuộc chơi với sự hồn nhiên của một đứa trẻ - chứ không chịu những tác động đặc biệt từ hậu trường của người lớn. Nói chung  là sẽ đau đầu lắm (cười).

* Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Đọc bài: Hãy để Phương Mỹ Chi được yên! 

Đọc bài: 9 show diễn có giá... ‘trên trời’ của Phương Mỹ Chi?

Đọc bài: Thực hư vụ ‘hét giá’ 600 triệu/ 10 ca khúc của Phương Mỹ Chi?

Đọc bài: Mấy điều đọng lại sau 'Giọng hát Việt nhí'

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm