13/10/2013 13:36 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - "Tôi không hiểu tướng Giáp đã bí mật tốt nghiệp Học viện võ bị nào không? Vẫn biết, đó là một giáo sư từng dạy sử Hà Nội. Nhưng đâu phải nguồn kiến thức nào cũng có thể được biến thành tri thức quân sự, người trí thức nào cũng có thể tự học để trở thành vị tướng tài?" -Tướng De Castries thắc mắc như vậy sau khi bị bắt sống.
Thiếu tướng Cao Pha, Phó cục trưởng Cục quân báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kể lại câu chuyện trên trong một bài viết. Như lời ông, tại buổi hỏi cung De Castries, viên tướng bại trận này đã tự đặt ra những nghi vấn khá ly kỳ.
De Castries cho rằng vị Đại tướng của VN hẳn đã tham dự những khóa học dài hạn về quân sự tại Liên Xô hoặc trường võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc). Thậm chí, có thể Võ Nguyên Giáp từng được chính người Pháp đào tạo (sau đó... mới gia nhập Việt Minh), hoặc từng hấp thụ những kiến thức quân sự cơ bản của Mỹ thông qua nhóm Con Nai (một đơn vị của Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, đã nhảy dù xuống Tân Trào năm 1945 để hỗ trợ VN kháng Pháp trong tư cách Đồng Minh).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến (năm 1953). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Sự thực, các sử gia trong và ngoài nước đều có sự đồng thuận cao: suốt cuộc đời mình, tướng Giáp chưa hề được đào tạo tại một trường võ bị nào. Và, theo TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự VN), Đại tướng cũng chỉ một lần duy nhất sang Học viện quân sự Phrunze (Liên Xô) vào đầu thập niên 1960 để dự một chương trình hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm trong vài tháng.
Bởi vậy, thay cho việc xác định "trường đào tạo quân sự" của huyền thoại này, các nghiên cứu từ nhiều năm qua luôn tập trung vào một câu hỏi: với kiến thức sử học phong phú và vốn ngoại ngữ xuất sắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu thích nhất học thuyết và phong cách quân sự nào – để từ đó tự rút ra những kiến thức cơ bản cho nghệ thuật cầm quân của mình?
Tôn Tử (Trung Hoa), Clausewitz (Đức), Lawrence (Anh), Napoleon (Pháp), Kutuzov (Nga) là những cái tên luôn được đem ra so sánh và bàn cãi quanh vấn đề này. Trong đó, với quan điểm lấy ít địch nhiều, coi thắng lợi trọn vẹn nhất là không cần đánh mà bắt kẻ địch phải khuất phục, pho binh pháp Tôn Tử cũng thường xuyên được nhắc tới khi nói về một vị tướng phương Đông như Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, một thông tin khá thú vị được tác giả Currey đưa ra trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá. Theo đó, Đại tướng từng có lần nhắc một nguyên tắc cầm quân của Tôn Tử: nếu lực lượng địch đông gấp mười lần thì không nên đánh. Ở cuốn sách của Currey, tướng Giáp đặt câu hỏi: nếu theo cách ấy, VN không bao giờ chiến thắng được người Pháp và người Mỹ. Tôn Tử đã không tự chỉ ra cho chúng tôi cách giải quyết khó khăn ấy như thế nào?
Luận điểm của Currey cho rằng tác phẩm quân sự Bảy cột trụ của sự khôn ngoan, được viết bởi Lawrence (một sĩ quan huyền thoại người Anh từng lãnh đạo du kích Ả Rập trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất) có ảnh hưởng tới Đại tướng mạnh nhất. "Nhiều người nói rằng tướng Giáp thường mang cuốn sách này bên người" - Currey viết - "Đó là một công trình viết rất kĩ về chiến tranh không chính quy và cách làm những kẻ thù vốn được đào tạo bài bản phải lẫn lộn, bối rối khi sa vào thế trận này".
Còn theo thiếu tướng Lê Mã Lương, 3 bậc thầy quân sự được tướng Giáp quan tâm nhiều nhất là Napoleon (Pháp), Kutuzov (Nga) và Clausewitz (Đức) - tác giả của công trình Bàn về chiến tranh, viết trong thế kỷ XIX.
"Đại tướng tìm hiểu rất kĩ về Kutuzov, kĩ hơn nhiều so với vai trò của một vị tướng từng đánh bại Napoleon trong cuộc xâm lược nước Nga năm 1812" - Thiếu tướng Lê Mã Lương nói - "Có lần hầu chuyện, tôi nói vui: “Kutuzov có một điểm giống cháu”. Đại tướng cười: “Ừ, Kutuzov cũng mất một con mắt như Lương, sau vết thương trong chiến tranh Nga - Thổ".
Chưa ai đặt câu hỏi Julius Caesar đã học trường quân sự nào? Alexander, Hanibal, George Washington và cả Lawrence cũng vậy. Cũng như Võ Nguyên Giáp, các danh nhân đó đã tự học, tự nghiên cứu lịch sử quân sự, chiến lược, chiến thuật, và vận dụng những điều từng học trong những hoàn cảnh cụ thể có thể rút ra bài học từ những sai lầm. Đó là cách mà Võ Nguyên Giáp làm với những tướng Pháp như Leclerc, Valluy, Navarre... (B.Currey - Chiến thắng bằng mọi giá)
Kho tàng kinh nghiệm quân sự của dân tộc
Nhưng, dù bàn cãi về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu thích và tiếp thu học thuyết quân sự nào, quan điểm của các nhà nghiên cứu lại một lần nữa gặp nhau ở điểm chung: tính sáng tạo và linh hoạt - điều khiến tướng Giáp trở thành một hiện tượng độc đáo trong lịch sử thế giới. Xa hơn, trong vai trò một anh hùng dân tộc, nghệ thuật cầm quân của ông, dù có những đặc trưng rất riêng, cũng không thể tách rời lịch sử giữ nước VN, với hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc điển hình
"Giới nghiên cứu của chúng ta từ lâu đã đặt câu hỏi: trong lịch sử, liệu có thể coi rằng VN đã tồn tại một học thuyết quân sự riêng của mình không? Cá nhân tôi cho là có - mặc dù học thuyết ấy chưa có điều kiện được nghiên cứu chuyên sâu và biên soạn thành những cẩm nang đặc biệt"- Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên chuyên gia của Viện chiến lược Quốc Phòng - trao đổi với TT&VH - "Và đến thời của Đại tướng, học thuyết ấy đã được ông nâng lên một tầm mới, trong bối cảnh kẻ thù đã có vài trăm năm phát triển kinh tế trước chúng ta, chứ không đến từ một nền sản xuất nông nghiệp tương đồng".
Khái niệm về "học thuyết quân sự VN" được đại tá Mẫu đưa ra rất ngắn gọn: nghệ thuật phát huy chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, "dùng đoản binh để thắng trường trận"- như lời của Trần Hưng Đạo. "Nếu cố so sánh, chúng ta sẽ thấy học thuyết này có một số điểm tương đồng với các phong trào chiến tranh du kích trên thế giới" - Đại tá Mẫu nói - "Nhưng, trong điều kiện riêngVN, chúng ta lại có những sáng tạo hết sức độc đáo về lối đánh, về cách tận dụng thế mạnh của địa hình, và đặc biệt là về việc huy động sức mạnh từ nguồn lực vĩnh cửu là nhân dân".
Nhà văn Lưu Sơn Minh, một tác giả chuyên viết truyện lịch sử, đưa ra nhận xét khá xúc động về tướng Giáp: Giá như không có chiến tranh, Võ Nguyên Giáp sẽ có thể mãi mãi là một người thầy giáo dạy Sử bình thường.Một người thầy ngày ngày kể cho học sinh nghe những câu chuyện về Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... Nhưng lịch sử đã dẫn dắt cuộc đời ông theo một hướng khác và trao vào tay ông một sứ mệnh vĩ đại. Ông không thể tiếp tục ngày ngày kể cho học sinh nghe những câu chuyện về các vị Anh hùng. Những thầy giáo dạy sử khác sẽ làm điều đó. Và hơn thế, họ sẽ kể cho học sinh nghe về ông – một Anh hùng.
GS Phan Huy Lê nói về “binh thư” của Đại tướng Sách nghiên cứu về “Binh thư yếu lược” “Ông là nhà quân sự vào loại rất hiếm hoi không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trước đây, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là người đầu tiên đã soạn được hai bộ binh thư: Binh gia yếu lược (hay Binh thư yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, nhưng cả hai đều thất truyền. Hiện chỉ còn Hịch tướng sĩ và Lời di chúc của Trần Hưng Đạo là một phần tổng kết mang tính binh thư. Thế kỷ 18, nhà quân sự lỗi lạc Đào Duy Từ viết bộ binh thư thứ ba là Hổ trướng khu cơ còn truyền đến nay. Đào Duy Từ không trực tiếp cầm quân nhưng giữ vai trò như cố vấn của chúa Nguyễn trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Mãi đến ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh đã để lại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại”. (GS Phan Huy Lê - TNO) |
(Còn nữa)
Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất