Nghiên cứu 'Binh thư' Đại tướng (kỳ 5): 'Triệt lương' và 'vận lương'

16/10/2013 13:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Rất khó thống kê đủ hàng loạt giả thiết được giới nghiên cứu đặt ra suốt hơn 50 năm, kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ hạ màn. Trong đó, một câu hỏi lớn nhất vẫn luôn được lặp lại, dưới mọi hình thức khác nhau: Đâu là nguyên nhân chính khiến người Pháp rơi vào thảm bại này?

Ít người biết, ngay từ 1950, người Pháp đã nghĩ tới chuyện rút khỏi Hà Nội. Theo nhà nghiên cứu B. Currey (Mỹ), tướng Carpentier thậm chí đã trực tiếp đưa ra mệnh lệnh này, sau những tin đồn rộ lên về việc tướng Giáp hứa đưa quân vào Hà Nội ăn tết Tân Mão 1951. Giữa tháng 12/1950, tướng De Latrre thay thế Carpentier với nhiệm vụ phải giữ được Đông Dương. Tuy nhiên, khá nhiều công chức người Pháp lo sợ và đã đưa gia đình rời Hà Nội, vào Sài Gòn sinh sống.

Bài toán "không tưởng"

Sự khủng hoảng của người Pháp, cùng thắng lợi liên tiếp trong 2 chiến dịch lớn sau đó tại Hòa Bình (1951) và Tây Bắc (1952) khiến tinh thần của những chiến sĩ VN lên cao hơn bao giờ hết. So với năm 1946, khối quân chủ lực VN đã có nhiều đại đoàn lớn, có quân số đầy đủ và những hỗ trợ quan trọng về vũ khí từ các nước anh em. Đặc biệt, một sự kiện quan trọng diễn ra vào cuối năm 1953, khi trung đoàn pháo binh 105 ly đầu tiên được thành lập với 24 khẩu. Đây là lần đầu tiên, chúng ta sở hữu hỏa lực mạnh như vậy.   

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại Lễ mừng chiến thắng ngay tại mặt trận. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bởi vậy, khá dễ hiểu khi tâm lý nôn nóng, muốn đánh lớn để kết thúc giai đoạn Tổng phản công (bắt đầu từ 1951) bắt đầu phát triển ở  nhiều người. Đặc biệt, trong trường hợp Điện Biên Phủ, tâm lý ấy lại càng được củng cố bởi 2  lý do: Cụm cứ điểm này mới chỉ được xây dựng vào cuối năm 1953, và việc tiếp vận cho chiến dịch gần như không thể kéo ra nhiều ngày. Nhiều học giả đã nhắc tới tính toán của Bộ chỉ huy chiến dịch khi đó: Để vận chuyển được 1 kg gạo từ Thanh Hóa hoặc Yên Bái lên Điện Biên khi đó, phía vận chuyển phải mang theo 24 kg gạo để ăn dọc đường.

"Các tài liệu ghi lại cho thấy: Hầu hết các gương mặt tham gia chỉ huy chiến dịch đều nhất nhất muốn chọn phương châm đánh nhanh, thắng nhanh trong 2 ngày 3 đêm" - TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự VN) cho biết - "Người duy nhất băn khoăn và có phần phản đối quyết định này là Phạm Kiệt, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, sau này trở thành một vị trung tướng của VN".

Theo TS Vũ Tang Bồng, điểm thú vị nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở việc: Trước khi bắt đầu, cả phía Pháp và VN đều gần như không có khái niệm sẽ sử dụng đường bộ để vận chuyển lương thực trong trường hợp giao tranh kéo dài. Không chỉ người Pháp, mà hàng loạt chuyên gia quân sự Mỹ cũng giữ quan điểm này khi tới thị sát Điện Biên Phủ.

Người nghĩ khác họ và muốn tiến hành một cuộc vây hãm dài ngày tất nhiên là tướng Giáp, như phong cách chung của ông: Dùng sở trường đánh sở đoản,và không bao giờ tiến hành một chiến dịch theo cách mà đối thủ đã hình dung.

Bài toán hậu cần

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuật lại suy nghĩ của mình trong Hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử. Như lời ông, khó khăn lớn nhất từ phía VN là việc chưa hề có kinh nghiệm phối hợp với pháo lớn để đánh công kiên.

Ngược lại, dù chuẩn bị rất kĩ, căn cứ của người Pháp vẫn cô lập với hậu phương và chỉ có thể tiếp vận bằng đường hàng không. Ngoài ra, dù là một tập đoàn cứ điểm lớn có kết cấu chặt, bản thân 49 căn cứ tại Điện Biên Phủ vẫn có khoảng cách với nhau. Nếu có phương án chặn tiếp viện hợp lý, phía tấn công hoàn toàn có thể tập trung tối đa sức mạnh để chọn diệt từng cứ điểm theo thời gian thích hợp.

Giải bài toán không tưởng về vận tải lương thực bằng nguồn tiếp tế tại chỗ và sự đóng góp của hàng vạn dân công, tướng Giáp đã làm phá sản toàn bộ sự chuẩn bị của  người Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Sớm dùng pháo binh phá vỡ và khóa chặt sân bay Mường Thanh, đồng thời cho tổ chức liên tục những đợt tập kích để quấy phá Gia Lâm và Cát Bi - 2 sân bay gần với Điện Biên Phủ nhất - là cách "triệt lương" của tướng Giáp đã được lịch sử ghi lại. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, nhiều nhà nghiên cứu đã "bỏ quên" một quyết định cực kì sáng suốt khác của Đại tướng: Đưa một số lãnh đạo dân sự của tỉnh kháng chiến Lai Châu tham gia vào thành phần chỉ huy chiến dịch.

"Đại tướng đã rất xuất sắc khi chọn được những gương mặt như Đặng Kim Giang, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Thanh Bình... vào thành phần lo tổ chức hậu cần khi đó" - Thiếu tướng Lê Mã Lương nói - "Nhưng, chắc chắn, việc huy động thêm những cán bộ của Lai Châu đã đem lại cho chúng ta một lợi thế cực kỳ lớn để tìm kiếm lương thực cho cuộc vây hãm dài ngày".

Một thông tin đặc biệt được TS Vũ Tang Bồng cung cấp: Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, nguồn lương thực được tiếp tế tại chỗ theo thống kê là 7.000 tấn, chiếm gần 50 % số lương thực sử dụng. "Xin nói thêm là tại Việt Bắc giai đoạn ấy, có những vùng 40km2 không hề có một bóng người. Và mãi tới những năm 1960, dân số tại vùng Việt Bắc cũng chỉ là 1 người/km2. Với cách gieo trồng lúa nương có năng suất không cao của đồng bào thiểu số, chúng ta có thể hình dung nhân dân Việt Bắc đã nhiệt tình và ủng hộ chiến dịch tới mức nào".

Giải được bài toán không tưởng về hậu cần ấy và một lần nữa bắt người Pháp phải vận hành theo lối đánh của mình, Đại tướng đã đưa ra câu trả lời cho hàng ngàn câu hỏi về nguyên nhân của chiến thắng Điện Biên Phủ!

Không phí phạm nguồn lực

“Có những quan điểm mà tướng Giáp cũng nhất trí với nguyên tắc quân sự của Trung Quốc. Nhưng, Võ Nguyên Giáp bác bỏ không chút vướng víu mọi điều vô nghĩa. Ông thấy rằng chiến thuật đưa ồ ạt bộ binh vào cuộc tiến công - một trong những chiến thuật được Mao Trạch Đông ưa thích - là một sự phí phạm nguồn lực. Bởi, tướng Giáp hiểu rõ cuộc chiến phải dựa trên điều kiện cụ thể của chiến trường, hơn là đơn giản chỉ gắn bó một cách ngờ nghệch vào một học thuyết” (B. Currey, Chiến thắng bằng mọi giá)

(Còn nữa)

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm