(Thethaovanhoa.vn) - Niềm tự hào lớn nhất của một cule nhiều năm qua, là được xem Pep Guardiola thi đấu, rồi thấy huyền thoại này trở lại với vai trò HLV trưởng. Để dẫn dắt Xavi và Iniesta, những người kế tục vị trí của ông ở Barcelona, đến những đỉnh cao.
Đó là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Là mạch ngầm nuôi dưỡng truyền thống và tạo ra bản sắc cho Barcelona. Vì sao họ lại được ngợi ca nhiều đến thế, chẳng phải vì những giá trị mà Guardiola, Xavi hay Iniesta đã tạo ra hay sao? Giá trị đó được khởi sinh từ La Masia và phát tiết đến mức hoàn hảo trong gần một thập kỉ qua.
Sự hoài niệm của quá khứ
Sự biểu dương lớn nhất với La Masia, không hẳn là cú ăn 6 vĩ đại của Josep Guardiola ở mùa 2008-09, mà có lẽ nằm ở thời khắc Martin Montoya vào thay Dani Alves trong trận gặp Levante ở La Liga 2012-2013. 11 cầu thủ đứng trên Camp Nou hôm đó, đều xuất thân từ La Masia. Đó là bộ gen tuyệt hảo mà Johan Cruyff đã truyền lại cho đội bóng xứ Catalunya. Thứ gen di truyền đã tạo ra bản sắc độc đáo bậc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Cuối mùa đó, Barca có chức VĐQG thứ 22 với cố HLV Tito Vilanova, một thành viên của lò đào tạo lừng danh năm nào.
Không hẳn những cái tên từ La Masia đều là tài năng xuất chúng, nhưng nó là sự đảm bảo của truyền thống và mang tính biểu tượng. Guardiola sẽ chẳng bao giờ trở thành tượng đài nếu không có sự bảo chứng của Johan Cruyff. Nếu không vì Guardiola đặt vào trung tâm của lối chơi, Xavi có lẽ cũng sẽ biến thành một De la Pena thứ hai. Còn Leo Messi, sẽ chỉ nằm trong cái bóng của Ronaldinho hay một ngôi sao lớn nào khác.
Tiêu chuẩn mà Barcelona đã có từ thời Guardiola đang bị thay đổi. Họ là những người nhỏ bé, mảnh khảnh, nhưng làm chủ mọi thứ nhờ kĩ năng chơi bóng và trí thông minh tuyệt vời. Barcelona của Guardiola có thể khai thác tối đa tiềm năng của Xavi, Sergio Busquet, hay Pedro, những người nếu đặt vào một đội khác, với cách chơi khác sẽ lạc lõng và bị triệt tiêu khả năng. Họ được đặt cạnh nhau, để tương hỗ và làm sức bật cho nhau.
Đó không chỉ là sự kế thừa của thế hệ những người trưởng thành từ La Masia, mà còn đặt ra những chuẩn mực cho bất cứ đội bóng nào khác. Chẳng phải tất cả đều ao ước có một Xavi, một Iniesta, một Messi như vậy? Thế nhưng, mọi thứ đang trôi vào hoài niệm và những tài năng của La Masia mòn mỏi tìm kiếm chỗ đứng ở Camp Nou.
Mặt tối của thành công
Sức ép từ thành công đang “nuốt” dần nhựa sống của La Masia. Đội hình biểu trưng năm 2012 đã dần rụng rơi sau sự chia tay của Valdes, Puyol, Xavi, Fabregas và Montoya. Nếu Pedro cũng bước ra khỏi Camp Nou, sẽ không khác gì vết cắt sâu vào truyền thống.
Từ lúc nào, Barcelona lại ngoảnh mặt lại với truyền thống như thế? Họ không còn đủ kiên nhẫn với Tiki-taka, không còn khả năng chịu đựng thất bại mang tính thoái trào của một thế hệ vàng đã qua thời đỉnh cao. Danh hiệu là sự thôi thúc lớn dẫn đến sự xuất hiện của Neymar, Suarez, Rakitic hay Arda Turan. Trong hai mùa bóng, Barcelona chi gấp đôi Real Madrid để tìm kiếm vinh quang, trước đó, họ chỉ bỏ tiền mua Alex Song và Alexis Sanchez.
Barcelona được đền đáp với cú ăn ba cùng Luis Enrique, nhưng La Masia lại rỉ máu, chầm chậm nhưng đau đớn. Mỗi một cuộc chia tay là một cái tát vào niềm tự hào của Xavi hay Carles Puyol. Họ ra đi để nhường chỗ cho thế hệ sau tiếp nối lịch sử, nhưng lại chỉ thấy Turan sẽ chiếm lấy cơ hội của Sergi Samper hay Pedro, Aleix Vidal đẩy Montoya tới Inter Milan. Những cú đấm hạng nặng vào bản sắc đang bị lung lay của Barcelona.
La Masia thoi thóp từng ngày trước sự lấn át của những ngôi sao. Cánh cửa đến với đội một trở nên chật hẹp và họ bước ra khỏi Camp Nou như một sự chấp nhận, không còn chỗ cho tài năng trẻ ở Barcelona.
9 Trong vòng 2 năm qua, có 9 cầu thủ trưởng thành từ La Masia chia tay đội bóng. Người đầu tiên là Thiago Alcantara, người gần nhất là Montoya.
10 Cũng chỉ trong 2 năm, Barcelona đã bỏ tiền mua về 10 cầu thủ, ngoại trừ Vermalen và Douglas, tất cả những người còn lại đều có vị trí chính thức. 3 Trong mùa bóng vừa qua, chỉ có 3 cầu thủ trẻ của Barca B được Luis Enrique cho thi đấu cùng đội một là Sandro, Munir và Sergi Samper. |
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa