Mỹ dỡ cấm vận vũ khí, 'sát thủ' săn tàu ngầm P-3C rơi vào tầm ngắm

24/05/2016 07:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ đã quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Một lần nữa cái tên máy bay săn ngầm P-3C trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Brrack Obama ngày 23/5, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cho biết Mỹ quyết định "dỡ bỏ hoàn toàn" lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Một khi quyết định này được thực thi, các nhà thầu quốc phòng Mỹ như Boeing BA, Raytheon hay Lockheed Martin có thể tăng mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Hãng tin Reuters của Anh từng dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mỹ tiết lộ một trong những thương vụ hiện thực đầu tiên của 2 nước có thể là mẫu máy bay do thám, chống ngầm P-3 Orion.

Lockheed P-3C Orion là loại máy bay chống ngầm bốn động cơ và do thám hàng hải được phát triển cho Mỹ và được đưa vào sử dụng trong những năm 1960 của thế kỉ trước dựa theo mẫu chiếc máy bay thương mại L-188 Electra. Điểm dễ phân biệt một chiếc Orion với một chiếc Electra là phần đuôi đặc trưng của Orion được sử dụng để phát hiện từ trường của tàu ngầm.


Một chiếc P-3C Orion. Ảnh: wikipedia

P-3C có những bộ phận cảm biến phát hiện ngầm tiên tiến như DIFAR, MAD. Hệ thống thiết bị điện tử được kết nối bằng một máy tính điều phối tất cả các kế hoạch tác chiến, máy theo dõi, phóng vũ khí và cung cấp thông tin chuyến bay cho phi công. P-3C có thể mang theo vũ chí cả bên trong lẫn ở hai tháp cánh.

P-3C là phiên bản có tính năng cao nhất của các loại máy bay Orion và lần đầu tiên được biên chế Hải quân năm 1969. Trong quá trình hoạt động, Hải quân Mỹ đã nhiều lần cải tiến và các hệ thống liên lạc, dẫn đường, âm thanh, vũ khí... của P-3C vẫn được hiện đại hóa thông qua nhiều chương trình nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của hải quân cũng như tham gia các nhiệm vụ chung trong thế kỉ 21.

Các chương trình hiện đại hóa bao gồm lắp đặt hệ thống liên lạc hiện đại, hệ thống hướng dẫn hạ cánh an toàn, GPS, các thiết bị điện tử thông thường, thiết bị buồng lái... Bên cạnh đó, tất cả các máy ghi dữ liệu âm thanh analog được thay thế bằng máy ghi dữ liệu âm thanh digital.

Mặc dù có khả năng đạt vận tốc 652 km/giờ và hoạt động trong phạm vi 8.964 km, chiếc Orion được thiết kế để bay ở tầm thấp với vận tốc thấp trong khoảng thời gian dài. Đặc điểm này biến P-3C Orion trở thành chiếc máy bay tuần tra vô cùng hữu dụng với hải quân.

Theo thời gian, Orion không dừng lại là một máy bay săn ngầm mà còn trở thành một công cụ lý tưởng để phát triển những công nghệ cảm biến và do thám mới, bao gồm radar hình ảnh đặc biệt, camera video tầm xa trong môi trường ánh sáng yếu...

Đặc biệt, loại máy bay này có khả năng mang nhiều loại vũ khí tùy thuộc vào các sứ mệnh trên bộ và trên biển như tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54... Thậm chí, P-3 Orion còn có thể mang theo bom hạt nhân B57 theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Ngoài ra, P-3C còn được cải tiến để sử dụng cho các nhiệm vụ trong nước và quốc tế khác nhau từ nghiên cứu mưa axit, băng vùng cực, gió chướng, từ trường của Trái đất, tìm kiếm và cứu hộ cho đến bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, giám sát buôn bán ma túy và các tuyến đường thủy... Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng loại máy bay P-3C Orion này.

Theo Tin tức/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm