27/02/2015 12:53 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Đã 70 năm trôi qua kể từ khi Anne Frank, tác giả cuốn Nhật ký Anne Frank nổi tiếng, qua đời trong trại tập trung Bergen-Belsen của phát xít Đức. Nhân dịp này, nhà làm phim Raymond Ley đã cho ra mắt bộ phim chính kịch tài liệu mới về Frank, mang tựa đề My Daughter Anne Frank (tạm dịch Con gái tôi Anne Frank).
Điều đặc biệt là trong bộ phim tài liệu này, Ley không chỉ đề cập đến những năm cuối đời của Frank, khi cô ẩn náu cùng gia đình trên căn gác áp mái tại ngôi nhà số 263 đường Prinsengracht, Amsterdam (Hà Lan). Phim còn kể về số phận của cha cô, ông Otto Frank.
Ông Otto là người duy nhất trong gia đình còn sống sót trong cuộc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức. Sau chiến tranh, ông đã tìm thấy cuốn nhật ký của con gái tại nơi được gọi là Chái nhà bí mật và cho xuất bản nó. Từ đó đến nay, cuốn nhật ký đã được dịch sang 70 thứ tiếng, là đề tài trong nhiều tác phẩm điện ảnh và sân khấu.
Trong phim chính kịch tài liệu của Ley, đan xen giữa những thước phim lịch sử là các cuộc phỏng vấn nhiều nhân chứng đã từng quen biết ông Otto. Gần đây vị đạo diễn này đã có cuộc chuyện trò với báo giới.
* Tại sao ông muốn kể chuyện về Anne Frank dưới nhãn quan của ông Otto Frank - người duy nhất trong gia đình Frank còn sống sót sau nạn tàn sát người Do Thái của phát xít Đức?
- Tôi thấy đã có ít nhất 52 phim truyền hình và nhiều dự án sân khấu, điện ảnh về Anne Frank. Ban đầu tôi định làm phim theo hướng bàn đến ý nghĩa văn học của cuốn nhật ký. Nhưng sau đó tôi lại nảy sinh ý tưởng kể câu chuyện thông qua ông Otto.
* Tháng 3 là kỷ niệm tròn 70 năm Anne Frank qua đời trong trại tập trung Bergen-Belsen. Liệu còn có điều gì chưa nói hết về cô ấy?
- Tôi nghĩ có lẽ chúng ta còn thiếu góc nhìn từ những kẻ phạm tội và phản bội (Anne). Trước đó, chưa có bộ phim nào đề cập đến các nhân chứng này và tiến hành phỏng vấn họ. Sau khi hoàn thành phim, tôi nhận thấy bộ phim của mình khá độc đáo.
* Phim của ông không chỉ thuật lại chi tiết cuốn nhật ký của Anne Frank, mà còn nêu về thời kỳ, hoàn cảnh mà Anne từng sống và viết cuốn nhật ký…
- Đúng vậy. Tuy nhiên, chúng tôi không thể quay những hình ảnh về Amsterdam hồi năm 1944. Chúng tôi chỉ có thể hình dung về áp lực của những lần phải lẩn trốn, sự đàn áp và sự phản bội diễn ra trên các đường phố ở nơi đây
Chúng tôi kể chuyện dưới hình thức các cuộc đối đầu giữa những người đang đi ẩn náu, đặt trên cái nền lớn hơn là khát vọng sống lớn lao của Anne. Cô luôn coi hoàn cảnh sống khổ sở khi đó chỉ là tạm thời và luôn giữ hy vọng. Đã có lúc Anne viết rằng: “Có thể vào tháng 9, khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi sẽ trở lại trường học”.
* Trong phim, Anne Frank (do Mala Ende thủ vai) là một bé gái tuổi vị thành niên tràn đầy hạnh phúc. Việc mô tả Anne như một người bình thường liệu có làm giảm ý nghĩa câu chuyện về cô?
- Tôi nghĩ rằng ta phải nhấn mạnh tới sự mất mát của một cô bé. Chúng tôi muốn đưa khán giả tới điều mà họ nghĩ về Frank và nhận thấy cô thật đặc biệt. Chúng tôi muốn đưa Frank ra khỏi bức tranh chung của nạn tàn sát người Do Thái và mô tả cô như một con người riêng biệt.
* Ông chọn cách làm phim theo thể loại chính kịch tài liệu và xen lẫn các cảnh diễn xuất với tư liệu lịch sử. Tại sao ông lại sử dụng phương thức làm phim theo kiểu “cắt dán” như vậy?
- Thể loại phim chính kịch tài liệu luôn mang phong cách “cắt dán” như vậy, nó gồm cả các cảnh diễn xuất và các cảnh mô tả câu chuyện do nhân chứng kể. Đối với những khán giả chỉ muốn thưởng thức một bộ phim thuần tính tài liệu, họ sẽ phải mất thời gian để làm quen.
Sự xuất hiện của các nhân chứng là yếu tố hữu ích. Nếu bạn muốn trải nghiệm toàn bộ tấn thảm kịch, được thấm đẫm trong cảm xúc, bạn sẽ cần tới các nhân chứng. Bạn sẽ tạm bước ra khỏi câu chuyện, gặp gỡ với nhân chứng rồi trở lại với câu chuyện. Tôi thích kiểu phim như thế và tôi hy vọng khán giả cũng có chung sở thích.
* Trong phim có cảnh một sĩ quan phát xít Đức bắt Anne Frank. Ông có hình ảnh rõ ràng về kẻ đã thực hiện màn bắt giữ đó?
- Không hề. Tôi chỉ biết kẻ bắt Anne là Karl Josef Silberbauer. Người đàn ông này về sau đã bị xét xử. Tôi nắm rất ít thông tin về ông ta.
Chúng tôi chỉ tình cờ có được một bài phỏng vấn ông ta. Một nhà báo tên là Huf đã phỏng vấn Karl hồi năm 1962, trong lần ông ta phải ra tòa ở Vienna. Thật may là bài viết đã cho thấy rõ những kẻ gây tội như Karl nhìn nhận các nạn nhân của mình như thế nào.
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất