Trầm cảm khiến hàng triệu người Việt mất sức lao động

07/04/2017 14:31 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết: Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp; là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác và trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15 – 29. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người tử vong do tự tử.

Khoảng 4% dân số Việt Nam bị mắc các chứng bệnh trầm cảm

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trầm cảm là tình trạng buồn chán, giảm hoặc mất hứng thú ít nhất 2 tuần, kèm theo mệt mỏi, hay hồi hộp, ăn ngủ không ngon làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm. Tuy nhiên, rối loạn này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Có 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đó là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước sinh và sau sinh, người cao tuổi.

Trầm cảm luôn nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở mọi nhóm tuổi, kể cả nhóm dưới 15 tuổi. Theo kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm đo bằng DALY (số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) chiếm tới 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Bệnh này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật ở nữ giới (chiếm tới 29%) và nguyên nhân thứ hai gây gánh nặng tàn tật ở nam giới (chiếm 11%).

Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, trầm cảm giống các bệnh thông thường khác, không phải bệnh nan y. Bệnh trầm cảm có thể điều trị khỏi và giảm nguy cơ tái phát. Điều trị bệnh chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc. Bệnh có thể được điều trị tại cộng đồng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây mãn tính, bệnh nặng hơn dẫn đến suy kiệt, có ý tưởng tự sát.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học. Bệnh thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống (như: thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần...) hoặc sau khi mắc một số bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh mãn tính (như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ...).

Người bị trầm cảm có các dấu hiệu điển hình như: Hay buồn chán; mệt mỏi, ngại làm việc; giảm hứng thú; rối loạn giấc ngủ; chán ăn, ăn không ngon; khó tập trung khi làm việc, đãng trí, hay quên; bi quan, giảm tự trọng, giảm lòng tin và bệnh nặng thì có ý định tự sát...

Nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đã từng bước được quan tâm đầu tư. Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã được đưa vào Chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011- 2020. Tuy nhiên, hoạt động phòng chống trầm cảm hiện nay mới bước đầu được triển khai tại một số địa phương nên hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ; phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh và người cao tuổi thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe, chương trình tăng cường hoạt động thể lực cho người dân.

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng; đầu tư phát triển các cơ sở chuyên khoa tâm thần, lồng ghép phù hợp công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần vào hoạt động của các cơ sở y tế đa khoa, chuyên ngành khác ở tất cả các tuyến...

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I khuyến cáo: Mỗi cá nhân có thể phòng ngừa trầm cảm bằng cách thực hiện lối sống cân bằng như nghỉ ngơi và ngủ điều độ; có chế độ ăn cân đối và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Để dự phòng trầm cảm bạn hãy trò chuyện với mọi người bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm. Trầm cảm thể nhẹ có thể điều trị khỏi mà không cần dùng thuốc; có thể được các bác sỹ không chuyên khoa chẩn đoán và điều trị tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chăm sóc chuyên khoa là cần thiết cho các trường hợp trầm cảm phức tạp...

Để điều trị bệnh hiệu quả, gia đình cần phát hiện sớm những biểu hiệu, triệu chứng của người thân khi mắc bệnh trầm cảm; giám sát, động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị; quan tâm, chia sẻ; động viên bệnh nhân tiếp tục làm việc bình thường và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí...

Năm 2013, Đại hội đồng Y tế thế giới đã thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2013-2020; đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch, chiến lược quốc gia về phòng chống các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng.

Năm nay, chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4) là “Phòng chống trầm cảm” nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về gánh nặng trầm cảm, xóa bỏ kỳ thị đối với người mắc bệnh rối loạn tâm thần nói chung, trầm cảm nói riêng. Theo đó, cách thức đơn giản, hiệu quả để dự phòng và giúp mọi người vượt qua trầm cảm là “Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho mọi người”.

TTXVN/Thu Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm