Thư Brazil: Khi người Việt bay đến World Cup

02/07/2014 08:46 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Có bao nhiêu người Việt Nam có đủ khả năng bay sang Brazil xem World Cup?  Nếu xét trên góc độ tài chính, câu trả lời là rất nhiều. Đặt vé máy bay, khách sạn, và mua vé vào sân từ sớm (cỡ ít nhất nửa năm) thì đi Brazil hai tuần hết khoảng trăm triệu. Còn đến phút cuối mới quyết định lên đường có thể gấp rưỡi, gấp đôi.

Hơn ai hết, chính bản thân chúng ta mới biết một bộ phận dân Việt chúng ta có điều kiện cỡ nào chứ đừng nhìn vào lương cơ bản hay các con số chính thống phát đi từ trong nước lẫn từ các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank hay IMF.

Hơn một trăm triệu tương với bao nhiêu lít beer, với bao nhiêu chai rượu Tây, với bao nhiêu bữa thịt thú rừng? Cũng chả được nhiều nhặn những lần xa hoa cho lắm.

Ở Sao Paulo tôi gặp một người Việt tên Quang bay từ Hà Nội qua để xem World Cup. Anh là chủ nhà hàng thú rừng có tên (xin viết tắt) là “B.M”, nằm trên đường Hoàng Quốc Việt. Anh Quang bảo mỗi kg cầy hương xịn giờ anh bán khoảng 3 triệu!

Cũng phải nói, các CĐV quốc tế có mặt ở World Cup lần này không phải ai cũng là những người giàu có. Như khoảng 200 ngàn CĐV Argentina có mặt ở đây đa phần họ đi xe buýt, đi xe thùng với mọi sinh hoạt ngủ nghỉ đều diễn ra cả trên đó, hoặc ngủ lều trại. Chúng tôi gặp ở ngoài sân Corinthians anh Mario Ortega, 25 tuổi, đã đi từ Argentina tới Brazil qua ngả Paraquay bằng xe đò. Mario bảo có rất nhiều người Argentina cũng đi như thế. Phương cách đến với World Cup và ngân sách của họ cho thấy tại sao chính phủ Brazil ước tính mỗi CĐV đến từ các nước chỉ chi tiêu trung bình khoảng 2.500 USD dịp này. Nên nhớ, 2.500 USD ở Brazil chưa đủ để mua một cái máy tính xách tay Macbook Pro đời mới.  

Dĩ nhiên, Argentina có đội tuyển thi đấu ở Brazil, và sở hữu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới Messi. Còn Việt Nam, trong khi World Cup đang bước vào vòng đấu tứ kết, đội tuyển của chúng ta chuẩn bị đá giao hữu với Myanmar.

Nhưng qua những săn đón và những phản ứng lượm lặt được đâu đó, thấy sự tự hào, hay chí ít cũng là vẻ tò mò trước việc có một lá cờ Việt Nam được treo lên trên khán đài ở World Cup cũng không khác gì lòng kiêu hãnh của các CĐV Argentina đã tạo ra một rừng cờ không chỉ trên sân mà còn cả trên khắp nẻo đường Brazil.

Thế giới đã tiến lên phía trước trên nhiều lĩnh vực với những tốc độ chóng mặt mà ở đó có cả sự tham gia của nhiều quốc gia vào các lĩnh vực từng được coi như là độc quyền của Nga và Mỹ, như việc cắm cờ trên mặt Trăng chẳng hạn.

Hay đơn giản hơn, nếu như chinh phục đỉnh Everest đã được thực hiện lần đầu năm 1953, và vào đúng cái năm mà người duy nhất còn lại trong nhóm hai người làm được chuyện kỳ vĩ đó qua đời, chúng ta cũng có ba nhà leo núi đặt được chân lên đỉnh núi cao 8.850m ấy.

Thiết nghĩ, khát khao thành công và ham muốn chinh phục của con người không phân kể quốc tịch. Vấn đề chỉ là cách nghĩ và cách làm.

Cũng giống như khi chúng ta quay trở lại với câu chuyện của bóng đá, người Việt Nam hâm mộ bóng đá nếu có thua kém ai chắc cũng chỉ vài nước. Thế nó mới tạo ra các khái niệm “kinh doanh mùa World Cup”, “làm việc mùa World Cup”, “đi thi mùa World Cup”… Thậm chí, sự đau khổ của không ít người trước những thất bại của đội bóng quốc tế họ hâm mộ cũng chẳng kém gì so với CĐV của chính những nước ấy (và ngược lại là khi thể hiện niềm vui).

Và cả khái niệm “cá độ mùa World Cup” nữa. Nhưng thật tiếc, khái niệm này lại cho thấy nếu như có những người Việt Nam hâm mộ bóng đá sẵn sàng bán sạch nhà cửa để cá độ, thì Brazil vẫn đang đón những CĐV đến từ khắp nơi, những người sẵn sàng làm tất cả để có mặt ở World Cup.

Phạm Tấn (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm