Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - Truyền thống, kế thừa và phát triển

22/11/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - Truyền thống, kế thừa và phát triển”, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sỹ và những người yêu mến đàn bầu - một nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Cần lập hồ sơ đề nghị xét đàn bầu là Di sản Thế giới

Cần lập hồ sơ đề nghị xét đàn bầu là Di sản Thế giới

Đó là kết luận được đưa ra trong buổi tọa đàm Đàn bầu - hội nhập và phát triển, do CLB Đàn bầu Việt nam phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế tổ chức vào cuối tuần qua.

Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định: Đàn bầu là một nhạc cụ độc đáo của người dân Việt Nam. Trong diễn trình văn hóa Việt Nam nói chung, trong nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đàn bầu giữ một vị trí bền vững không thể phủ nhận. Từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây trong mấy chục năm gần đây, đều thấy có sự tham gia trình diễn của đàn bầu.

Việc nghiên cứu, sáng tạo trong mọi khía cạnh liên quan đến đàn bầu cũng được thực hiện từ nhiều thập kỷ qua với thành quả đạt được là những tài liệu văn bản, sách xuất bản, tác phẩm âm nhạc mới, các nhạc cụ cải tiến. Các hội thảo, tọa đàm trao đổi về những vấn đề xoay quanh cây đàn bầu cũng đã được tổ chức trong nhiều năm qua.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, đàn bầu được coi là “hồn cốt” của dân tộc, được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích, nghiên cứu, nhưng cho đến nay đàn bầu vẫn chưa được công nhận là Di sản văn hoá cấp Quốc gia.

Chú thích ảnh
Hòa tấu đàn bầu "Vì miền Nam" do NSƯT Bùi Lệ Chi biểu diễn. Ảnh: Thành Đạt /TTXVN

“Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình xin công nhận đàn bầu là Di sản văn hóa Quốc gia trong thời gian tới. Hội thảo lần này là một trong những hoạt động thu thập dữ liệu là việc tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo dục, các nghệ sỹ, nghệ nhân nhằm khẳng định một cách xác đáng, khoa học, thuyết phục về vai trò văn hóa cũng như sự phát triển của cây đàn bầu trong diễn trình lịch sử âm nhạc Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cho biết.

Nghệ sỹ nhân dân Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho rằng, đàn bầu là nhạc cụ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, là tiếng nói âm nhạc thuần khiết, là một đại diện xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, khả năng khai thác nghệ thuật diễn tấu của cây đàn bầu phong phú trên cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Giờ đây, ngay các nhạc sỹ quốc tế cũng bắt đầu quan tâm tìm hiểu và viết cho cây đàn bầu. Nghệ sỹ nhân dân Đỗ Hồng Quân hy vọng, trong tương lai, các nhạc sỹ sẽ chú ý dành tâm huyết nhiều hơn nữa với đàn bầu, trong đó có các hình thức độc tấu, hòa tấu kết hợp dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc giao hưởng…  

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sỹ, giảng viên giảng dạy về đàn bầu và những người quan tâm đến âm nhạc truyền thống Việt Nam tập trung trao đổi sâu về nhiều vấn đề xung quanh cây đàn bầu như: Đàn bầu từ góc nhìn sử liệu; nghệ thuật diễn tấu của cây đàn bầu trong các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam; đàn bầu trong đời sống cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; sự kế thừa và phát triển đàn bầu trong nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thông qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn, cải tiến, giảng dạy…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, các ý kiến tại hội thảo lần này sẽ được tổng hợp và sử dụng như những cơ sở dữ liệu đáng tin cậy đưa vào nội dung hồ sơ khoa học để đệ trình xin công nhận đàn bầu là Di sản văn hóa Quốc gia thời gian tới.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm