25/06/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
"Hỏi: Vì sao bóng đá nữ không được phổ biến rộng rãi như bóng đá nam. Đáp: Đơn giản thôi, rất khó tìm ra 11 phụ nữ tự nguyện chịu "đụng hàng" để mặc chung một bộ trang phục". Đó là mấy dòng trào phúng trong cuốn Nước Đức từ A đến Z (NXB Phụ nữ - 2021) của Lê Quang, vốn luôn được nhiều người hào hứng trích dẫn…
Còn mùa EURO 2024 này, trên Facebook cá nhân, Lê Quang lại làm bè bạn khoái chí thêm lần nữa, trong câu chuyện về những bình luận viên bóng đá "tự tạo cho mình áp lực phải tung lời đầy tính triết lý" - như cách ông nhận xét. Ở đó, ông đi tới kết luận đầy… tâm trạng: "Thiển nghĩ, bất kỳ ai cũng khó có thể đạt được giải thoát, nếu chưa đủ nhẫn nại nghe xong bình luận bóng đá 90 phút liền".
Những trải nghiệm thú vị
Cao to và béo "như Tây", đầu lại cạo trọc, Lê Quang vẫn hài hước như thế ở tuổi 68. Đó là thứ hài hước vừa thuộc về tính cách bẩm sinh, vừa đến từ vốn sống và kiến thức phong phú, đủ để nhìn ra những thứ ngộ nghĩnh trong cuộc sống ngày thường và chia sẻ với bạn bè.
Mà vốn sống của Lê Quang thì là cả một câu chuyện dài. Năm 1974, ông sang Đức học ngành kiến trúc, rồi ở một lèo 28 năm nơi xứ người, bươn chải đủ nghề. Năm 2001, về Việt Nam, ông đến với nghề dịch thuật, rồi dần được biết tới như một dịch giả kỳ cựu của văn học và văn hóa Đức. Đến giờ, hành trang của ông là khoảng trên dưới 50 đầu sách dịch.
Riêng với Nước Đức từ A đến Z, đó là cuốn sách đầu tay của một "tác giả trẻ" ở tuổi 65, như lời bạn bè trêu đùa. Trong sách, Lê Quang cũng có nhắc tới bóng đá, nhưng chừng đó là quá ít so với những gì ông từng trải nghiệm.
"Mẹ tôi khi xưa là bác sĩ mắt. Mà có lẽ trên đời, ai cũng có lúc bị đau mắt một vài lần. Gần như nguyên đội kỹ thuật phụ trách đèn pha tại sân vận động Hàng Đẫy khi xưa đều từng là bệnh nhân của mẹ" - dịch giả kể - "Bởi thế, thời thiếu niên, tôi may mắn luôn có được những đôi vé vào sân Hàng Đẫy để xem các trận bóng của Công an Hà Nội hoặc Thể Công. Mê bóng đá cũng từ đấy".
Những câu chuyện của dịch giả Lê Quang được kể với người viết bằng giọng vừa tưng tửng vừa sâu sắc, cộng cùng cách nói tưởng thô nhưng vẫn duyên và khá chân tình.
Ông nói về những lần xem bóng đá đầu tiên ở Đông Đức, khi mới sang đây du học. Vé rẻ vì được Chính phủ bù giá, lại thêm việc là sinh viên nên chỉ mất 25% tiền vé tàu điện, thế nhưng dịch giả cũng chỉ dám gom tiền mua loại vé hạng thấp: "Mới xem thì ngợp, vì sân vận động của họ quá rộng, mà hầu như câu lạc bộ nào cũng có sân riêng. Rồi dần dần thì quen, tôi gần như đều đặn xem hết các giải đấu cao nhất của Đông Đức khi đó. Mỗi tội ngồi xa, nhiều khi nhìn xuống sân thấy cầu thủ bé xíu, mình muốn nhìn các danh thủ cận cảnh thì phải dùng đến ống nhòm…".
Như lời dịch giả, tại Đức những năm qua, các sân vận động cũng nhiều lúc vắng người vì là "nạn nhân" của công nghệ và truyền hình. Đó dường như là xu thế khó cưỡng với bất cứ môn thể thao hay nghệ thuật trực tiếp nào trên thế giới. Bù lại, người Đức vốn có truyền thống tham gia các hội đoàn một cách không vụ lợi. Vì thế, các câu lạc bộ cổ động viên của từng đội bóng vẫn tồn tại - và khi vào những trận cầu đinh thì vẫn có thể hò nhau để tới lấp kín sân.
"Chúng ta hay nói tới sự nghiêm túc, khoa học chỉn chu của người Đức. Điều ấy được thể hiện ngay trong cách xem bóng đá" - ông nói thêm - "Thường thì có 2 loại người xem. Các hội cổ động viên được tập trung riêng, thuê xe bus hoặc những toa riêng trên tàu hỏa, khi vào sân cũng ngồi một khu riêng và được giám sát khá chặt chẽ để tránh quậy phá. Còn người xem phổ thông thường là khách du lịch, vào xem một trận bóng để thưởng thức không khí đặc thù của địa phương trên hành trình của mình".
"Xem bóng đá chỉ vì bóng đá"
Hỏi vui rằng dịch giả có tham gia vào hội cổ động viên của CLB nào không, Lê Quang lắc đầu. Ông nói, mình xem bóng đá chỉ vì bóng đá, chứ không bởi yêu thích một cái tên nhất định. Đặc biệt hơn, ông không thích các CLB lớn. Rồi nhẩn nha, dịch giả nói tới mặt trái của nền công nghiệp bóng đá, khi mỗi CLB đều là một tập đoàn kinh tế lớn, là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ và luôn biết cách dẫn dụ người hâm mộ vào những "mê hồn trận" của mình.
Dù vậy, kiểu "xem bóng đá chỉ vì bóng đá" theo cách của Lê Quang hẳn cũng khiến nhiều người ghen tị. Ông kể, thập niên 1990, mình gần như không bỏ sót giải EURO hay World Cup nào ở trời Âu. Đi lại thuận tiện, lại sẵn bạn bè ở các nước, dịch giả có dịp dự khán nhiều trận cầu lớn, với đủ mọi sắc màu đa dạng của bầu không khí "ăn bóng đá, ngủ bóng đá".
"Giải EURO 2008, tôi cùng 2 người bạn sang Áo và Thụy Sĩ để xem các trận từ vòng tứ kết. Rong ruổi lái xe chạy đi chạy lại giữa các thành phố, nhiều đêm chúng tôi không thuê khách sạn mà ngủ luôn trên xe" - ông kể - "Vé hiếm thì đành mua của dân phe, chỉ có 80 euro mà mình phải bỏ ra gấp 3 hoặc 4 lần".
Tất nhiên, mối liên hệ đặc biệt trong gần 30 năm với nước Đức vẫn khiến Lê Quang có thiện cảm lớn với nền bóng đá này. Như lời kể, vào năm 2006, khi World Cup được tổ chức trên đất Đức, ông là gương mặt quen thuộc trong những chương trình xem bóng đá do Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Viện Goethe Hà Nội tổ chức. Hào hứng, ông mua cả đống trang phục của đội tuyển Đức để phân phát và rủ bạn bè cùng mặc. Rồi năm 2014, khi đội tuyển Đức vô địch thế giới lần thứ tư, Lê Quang cũng liên tục gọi sang Đức để gửi lời chúc mừng tới các bạn cũ, cũng như san sẻ niềm vui qua điện thoại.
Rồi nhẩn nha, dịch giả kể về 2danh thủ Đức mà mình yêu thích - 2 gương mặt tưởng chừng như trái ngược hoàn toàn. Đó là một Littbarski của thập niên 1990, hào hoa trên sân cỏ nhưng lại có cuộc sống bình lặng, khiêm tốn ngoài đời và đến giờ vẫn mang nét điềm tĩnh, chín chắn trong vai trò một bình luận viên truyền hình. Còn người thứ 2 lại là một Schweinsteiger với khuôn mặt rất ngầu, lạnh lùng và quyết liệt trên sân cỏ nhưng lại rất hồn nhiên trong những lần trả lời phỏng vấn, khóc đấy rồi cười ngay đấy để đi đến tận cùng cảm xúc của mình.
Hóa ra, với dịch giả, chuyện bóng đá cũng là câu chuyện của cuộc sống, của xã hội và con người. Cũng như, "đi đi lại lại" giữa 2 nền văn hóa Việt Nam và Đức trong nhiều năm, ông có những liên tưởng khá thú vị khi nói về đội tuyển Đức trong kỳ EURO đang diễn ra.
"Tôi thấy huấn luyện viên Julian Nagelsmann của tuyển Đức cũng ở vào cảnh khó khăn như huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam bây giờ: Tiếp nhận một thế hệ không còn đỉnh cao phong độ sau khi đã hưởng đủ vinh quang"- ông hóm hỉnh - "Và ở giai đoạn chuyển giao như thế, Đức ở giải năm nay có thể vào sâu, nhưng rất khó để đi tới trận đấu cuối cùng"…
Trận cầu "nín thinh"
Khi được đề nghị kể về kỷ niệm đáng nhất nhất trong những lần xem bóng đá, dịch giả Lê Quang nhắc tới trận bán kết Nga - Tây Ban Nha tại EURO 2008. Ông và 2 người bạn chọn mua vé giờ chót cho rẻ và vào sân khi 2 đội đã hát xong quốc ca. Kết quả, cả 3 người phải tách nhau, ngồi 3 góc của khán đài. Riêng dịch giả lọt đúng vào khu vực của các cổ động viên Nga, thấy Tây Ban Nha đá hay và thắng 3-0 mà phải "nín thinh" cả buổi không dám cổ vũ…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất