Nghệ sĩ Việt cổ vũ tuyến đầu chống dịch Covid-19

10/06/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phong trào sáng tác ca khúc chống Covid-19 được nhiều nghệ sĩ hưởng ứng từ những đợt giãn cách xã hội đầu tiên. Khi dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, các nghệ sĩ Việt tiếp tục ra mắt loạt tác phẩm nhằm cổ vũ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hướng về tâm dịch Bắc Giang

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hướng về tâm dịch Bắc Giang

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam do các NSND Thúy Mùi, NSND Tự Long, NSND Thúy Hường, NSƯT Xuân Bắc… đã khởi xướng kêu gọi anh chị em nghệ sĩ sân khấu khắp cả nước chung tay ủng hộ hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch Covid-19.

Mới đây, tác giả Lê Xuân Bắc giới thiệu MV "Người chiến sĩ áo trắng" với phần song ca của ca sĩ Huyền Trang Sao Mai và Vũ Thắng Lợi. Những ca từ mở đầu bài hát: "Đẹp như anh người chiến sĩ áo trắng/ Suốt đêm thâu ở tận tuyến đầu..." khiến người nghe xúc động. 

Năm 2019, nhạc sĩ Lê Xuân Bắc tổ chức đêm nhạc riêng "Về miền ký ức" tại Hà Nội. Các sáng của ông cảm hướng về biển đảo, bày tỏ niềm hân hoan trước sự phát triển của đất nước thông qua các ca khúc: “Trường Sa trong tim ta”, “Giấc mơ đêm”, “Ước muốn”, “Vui đón xuân”, “Đất nước tôi yêu”… "Người chiến sĩ áo trắng" vừa ra mắt của ông như "món quà tinh thần" dành tặng các y, bác sĩ, nhân viên y tế... đang ngày đêm chống dịch Covid-19.

MV "Người chiến sĩ áo trắng":

Ở MV "Đồng lòng Việt Nam" cổ vũ lực lượng chống dịch lại có sự tham gia của gần 40 nghệ sĩ gồm ca sĩ Lan Anh, Trọng Tấn, Đan Trường... Đây là sáng tác của tác giả Tuấn Hồ kêu gọi mọi người hạn chế ra ngoài, tuân thủ các quy định phòng chống Covid-19.

Tuấn Hồ cho biết ban đầu anh dự định đưa ca khúc "Đồng lòng Việt Nam" cho ca sĩ Lê Anh Dũng thể hiện. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng lên tại Bắc Giang, Bắc Ninh, anh nảy ra ý tưởng kêu gọi nhiều nghệ sĩ hòa giọng để thực hiện MV vì cộng đồng này. 

MV "Đồng lòng Việt Nam":

Ở Thành phố Hồ Chí Minh - "tâm dịch Covid-19" với diễn biến phức tạp, Sân khấu Sen Việt vừa giới thiệu tác phẩm ca cổ Nước mắt và nụ cười (dựa theo bài thơ cùng tên của nhà thơ, Nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn Lê Chức, chuyển thể cải lương Nguyên Phương). MV có sự tham gia của Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hằng và các nghệ sĩ Điền Trung, Lệ Trinh, Nam Thanh Phong…

Về ý tưởng thực hiện dự án lần này, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt cho biết, MV “Nước mắt và nụ cười” tái hiện hình ảnh những người lính sẵn sàng nhường chỗ ngủ cho người dân cách ly; những bác sĩ, đội ngũ y tá, tình nguyện viên không ngại khó nhọc trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.

MV này còn mang đến những góc nhìn đa chiều từ thực tiễn phòng, chống dịch trên cả nước để khán giả hiểu hơn về sự hy sinh, kiên cường của những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Được biết, khi ghi hình cho MV, các nghệ sĩ đều tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, chia giờ thu âm, ghi hình không quá 5 người để đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

MV "Nước mắt và nụ cười":

Tương tự, đội ngũ nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng thể hiện tinh thần xung phong của mình qua 2 MV cải lương Niềm tinChúng con là chiến sĩ.

Theo soạn giả Hoàng Song Việt, người đại diện cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn biểu diễn Song Việt, đây là dịp viết tiếp khúc “quân hành ca” cùng đội ngũ y bác sĩ, lực lượng bộ đội, tình nguyện viên để tiếp thêm sức mạnh xông pha trong cuộc chiến đầy cam go này. 

Chú thích ảnh
NSƯT Phượng Loan và NSƯT Kim Tử Long trong phòng thu

Cả hai MV Niềm tinChúng con là chiến sĩ đều mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết; kịp thời động viên và gửi lời tri ân những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy nơi tuyến đầu chống dịch. 

MV cải lương "Niềm tin":

Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ, trong đó có Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng đã thực hiện MV Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay với giai điệu hùng tráng nhưng cũng mang đậm chất trữ tình. Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh sáng tác ca khúc Việt Nam vững tin chiến thắng đại dịch, nhạc sĩ Võ Hoài Phúc với ca khúc Đến những nơi đang cần chúng ta… được nhiều khán giả hưởng ứng.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, đây là cách giúp văn nghệ sĩ tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, nhìn lại mình để hướng tới sự thay đổi tốt đẹp hơn, đồng thời quảng bá và lan tỏa tác phẩm phòng, chống dịch Covid-19 đến với công chúng.

Tính đến 18h ngày 10/6, Việt Nam có tổng cộng 8.165 ca ghi nhận trong nước và 1.619 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.595 ca. 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Thanh Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm