Kịch câm Việt Nam: Vì sao không còn... tiếng nói?

14/03/2013 13:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến lưu diễn tại Việt Nam lần thứ 3 của nghệ sĩ kịch câm Nhật Bản Limruro Naoki càng khiến người ta chạnh lòng khi nhớ lại một thời hoàng kim của bộ môn nghệ thuật này ở “sân nhà”.

Limruro biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ trong các tối 9 và 10/3, theo một chương trình giao lưu văn hóa cấp quốc gia từ Nhật Bản. Vẫn là những sáng tạo vô tận của trí tưởng tượng để phá đi rào cản của ngôn ngữ, vẫn là sự nhuần nhuyễn linh hoạt về kỹ thuật, nghệ sĩ này gần như đã trở thành một đại sứ của văn hóa Nhật Bản và làm khán giả Việt Nam “đã mắt” trong 2 chuyến lưu diễn liên tiếp vào các năm 2011, 2012 vừa qua. Còn với kịch câm Việt Nam, phải chăng loại hình này đã... giã từ chúng ta như sự câm lặng đặc thù của nó, khi cả miền Bắc chỉ còn được hai, ba nghệ sĩ làm nghề?

“Tính ra thì còn được 2 người là các NSƯT Kế Đoàn và Bích Ngọc”, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ (nơi 2 nghệ sĩ này làm việc), nhẩm tính. “Dăm năm trước đây thì còn anh Phúc Dĩ nữa. Nhưng bây giờ, đã quá già, anh Dĩ chỉ còn làm công tác giảng dạy cho các lớp phong trào”.



Tiếng vọng hành tinh do NSƯT Bích Ngọc là vở kịch câm duy nhất được dàn dựng tại Hà Nội trong 5 năm qua

Cách đây hơn 20 năm, Nhà hát Tuổi trẻ chính là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đứng ra tổ chức một lớp đào tạo cơ bản về kịch câm. Khi đó, bộ môn nghệ thuật này mới chỉ lác đác xuất hiện trong nước ở quy mô vô cùng khiêm tốn. Gương mặt đầu tiên bỏ công theo đuổi loại hình kịch câm là nghệ sĩ Đặng Dũng (Nhà hát ca múa nhạc T.Ư). Rồi đến lượt Nhà hát Tuổi trẻ: diễn viên kịch nói Phúc Dĩ được Bộ Văn hóa lựa chọn gửi sang Pháp theo học 3 năm với ý tưởng “đón đầu” bộ môn sân khấu đầy tiềm năng này.

Sau khóa học trở về, nghệ sĩ Phúc Dĩ là giảng viên chính của lớp trung cấp kịch câm do Nhà hát Tuổi trẻ mở ra năm 1982. Từ hơn 1.000 thí sinh ban đầu, 20 gương mặt tiềm năng nhất trúng tuyển vào khóa đào tạo 3 năm này. Họ là Kế Đoàn, Bích Ngọc, Tuyết Hậu, Phương Phương... những gương mặt chính tạo nên diện mạo của kịch câm Việt Nam trong suốt những năm sau đó. Thậm chí, trước khi sang Liên Xô học nghề đạo diễn, NSND Lê Hùng cũng có một thời gian dài “nổi đình đám” trong vai trò diễn viên kịch câm thuộc nhà hát.

Giai đoạn hoàng kim của sân khấu Việt Nam bắt đầu từ 1986. Cùng với nó, kịch câm cũng dần lên ngôi và trở thành một phần không thể thiếu ở bất cứ chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp nào. Sự mới lạ qua cách thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể, cùng ảnh hưởng lớn từ sân khấu Liên Xô khi đó khiến kịch câm được “cưng chiều” như... một món đặc sản lạ miệng. “Người học người, phong trào diễn kịch câm lan ra khá nhanh. Nói chung khi đó, gần như đời sống văn nghệ ở mỗi thành phố lớn đều có những chương trình biểu diễn kịch câm, thậm chí tự xây dựng những đội kịch câm cho mình”. Ông Trương Nhuận nhớ lại: “Ở nhà hát, những gương mặt xuất sắc như Phúc Dĩ, Lê Hùng... hoàn toàn có thể sống bằng nghề, theo đúng nghĩa của từ này”.

Tất nhiên, do đi đầu, các nghệ sĩ kịch câm của Nhà hát Tuổi trẻ luôn là những gương mặt nổi bật nhất. Vở kịch câm Thi sĩ hủi của nhà hát này còn giành HCV tại Hội diễn sân khấu toàn quốc 1995. Ở lĩnh vực quốc tế, tiết mục Mặt nạ do nghệ sĩ Phúc Dĩ tự dàn dựng cũng từng tham gia một Liên hoan sân khấu quốc tế tại Iran và được khán giả vô cùng yêu thích.   

Khi kịch nói dùng cả lời thoại lẫn hành động mà vẫn không thuyết phục được khán giả thì kịch câm ở vào tình trạng... bó tay !

 “Lên” nhanh, rồi kịch câm cũng tới lúc “tụt” còn nhanh hơn cả mặt bằng chung của sân khấu Việt. Trước khi sân khấu khủng hoảng vào giữa thập niên 1990, kịch câm đã có một thời gian dài rơi vào tình trạng... mất thiêng - như cách gọi của người trong nghề. Mất thiêng, bởi cùng một lúc, hàng chục gánh kịch câm nở rộ trong Nam ngoài Bắc. Mất thiêng, bởi sau vài năm phát triển, cũng tới lúc kịch câm nội bộc lộ những điểm yếu cơ bản về việc không “cập nhật” nổi những kỹ thuật, trình thức cơ bản đang phát triển trên thế giới với bộ môn nghệ thuật này. Quanh đi quẩn lại ngần ấy năm, những tác giả có thể viết kịch câm cơ bản vẫn là Vũ Hải, Nguyễn Khắc Phục, Lê Hùng, Phúc Dĩ. Những tiết mục cơ bản vẫn là Trong lớp học, Đau bụng, Mặt nạ, Đi ngược, Bóng bay... và bắt đầu trở nên nhàm chán.

Tới khi sân khấu tuột dốc mạnh trước sức cạnh tranh của những loại hình giải trí khác thì kịch câm “quỵ” hẳn. Đời sống khó khăn, 3 gương mặt xuất sắc nhất được Nhà hát Tuổi trẻ cử đi tu nghiệp về kịch câm đều lựa chọn... định cư ngoài nước và bỏ nghề. Họ là Phương Phương (con gái NSND Tuệ Minh) tại CH Czech, Tạ Quốc Bình  tại Australia, Quốc Anh tại Đức. Còn trong nước, một gương mặt xuất sắc khác là nghệ sĩ Tuyết Hậu thì chuyển sang làm tiếp viên hàng không. Tiến Dũng - nghệ sĩ mà khả năng diễn xuất kịch câm đã tạo nên thương hiệu... Dũng “câm” - cũng rời nhà hát để tham gia lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

“Loáng cái, cả đoàn diễn viên kịch câm của nhà hát tan đi, gần như chả còn ai”, NSƯT Bích Ngọc kể. Theo lời chị, suốt cả chục năm trời, Bích Ngọc và Kế Đoàn quanh quẩn lên Nhà hát Tuổi trẻ mỗi tuần rồi lại trở về nhà vì không có chương trình biểu diễn phù hợp với chuyên môn của mình. Mở ảnh viện áo cưới, rồi kinh doanh vật liệu xây dựng..., mãi tới năm 2006, Bích Ngọc mới trở lại với kịch câm bằng vở Tiếng vọng hành tinh do chị... bỏ tiền túi ra dàn dựng. Rồi 5 năm sau là Tiếng vọng hành tinh phần 2, vẫn với mô hình tự bỏ tiền túi và kêu gọi xã hội hóa. Vở diễn được đánh giá tốt, báo chí khen ngợi, nhưng cũng chỉ dừng lại ở một số đêm biểu diễn - chứ không thể duy trì trong một thời gian dài.

“Bên cạnh hoàn cảnh chung của sân khấu, cái khó riêng của kịch câm nằm ở đặc thù của loại hình này. Nôm na, khi kịch nói dùng cả lời thoại lẫn hành động mà vẫn không thuyết phục được khán giả thì kịch câm ở vào tình trạng... bó tay, khi các nghệ sĩ chỉ dùng ánh mắt và cơ thể để diễn tả cả một trường đoạn cảm xúc”, một nghệ sĩ kịch câm chia sẻ. Bởi thế, không có gì khó hiểu khi thế hệ diễn viên trẻ không mấy mặn mà với bộ môn nghệ thuật này.

Liệu có lối thoát nào cho kịch câm? “Tôi nghĩ là có. Nhìn vào trường hợp các tiết mục của Limruro Naoki, ta thấy ở đó hướng đi khá rõ: lựa chọn những tiết mục tinh xảo, không quá nặng về tính chủ đề mà tiếp cận với cuộc sống đương đại của khán giả trẻ một cách khá nhẹ nhàng”, ông Trương Nhuận nói. “Tất nhiên, để chờ có được sự phát triển theo cách ấy, chúng ta phải chọn lọc được những gương mặt có năng khiếu, và phải đầu tư để đào luyện, nắm vững những nguyên tắc của bộ môn này chứ không chỉ dừng lại ở mức chạy theo kịch câm như một xu hướng nhất thời”

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm