Trần Ly Ly: Ai nói 'cô xấu quá', tôi vẫn cười

01/07/2012 09:09 GMT+7 | Văn hoá


Những vở “Một ngày”, “Cuộc sống trong những chiếc hộp” của Trần Ly Ly đình đám, đến mức được chọn diễn cho cả Tổng thống Đức xem nhưng sự đình đám ấy hình như chỉ vang trong giới.

Dù báo chí có đưa nhưng công chúng dường như chưa quan tâm đến cô, nếu không có dịp Trần Ly Ly ngồi ghế nóng “Bước nhảy hoàn vũ”…



Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Lê Hoàng cho rằng, nghề giám khảo là cái ngu thứ năm sau bốn cái ngu mà dân gian Nam Bộ vẫn thường nói. Nhưng nhạc sỹ Quốc Trung thì lại từng đùa (mà đau): “Mấy chục năm làm nhạc tử tế của tôi chẳng giúp tôi được nhiều người biết đến như mấy tháng ngồi ghế nóng Vietnam Idol”. Trường hợp của biên đạo múa Trần Ly Ly có vẻ đúng với câu nói của Quốc Trung.

Nghề giám khảo chỉ là cơ hội tốt

Cô là vị giám khảo của “Bước nhảy hoàn vũ” mùa thứ ba nhận được nhiều lời khen ngợi nhất. Họ khen cô công tâm, sắc sảo, có nghề…

Tưởng cô sẽ chuyển nghề vì những lời có cánh hay ít ra cũng cố gắng trở thành mẫu nghệ sỹ “đa năng” như vẫn thấy trong làng giải trí. Nhưng Ly Ly tỉnh táo hơn sự tưởng tượng của người đời.

Cô công nhận: “Sự nổi tiếng là cần thiết với người làm nghệ thuật, nó đánh giá anh ta có giá trị thế nào với cộng đồng. Không phải tôi không cần sự nổi tiếng và “Bước nhảy hoàn vũ” cũng ảnh hưởng đến tôi, tôi được biết đến nhiều hơn nhưng không ảnh hưởng đến mức làm tôi biến đổi”.

Các “sao” ta đang mắc căn bệnh sủng ái bản thân đến mức không chấp nhận ý kiến phê bình từ dư luận. Còn Ly Ly thú nhận, dạo này cô chăm lướt mạng hơn để xem khán giả phản hồi về mình ra sao, cô không chắc lúc nào cũng đưa ra quyết định đúng “cũng có lúc sơ suất chứ, nghe phản hồi để mình điều chỉnh mình, không phải nghe phản hồi để sung sướng vì bản thân được lên báo nhiều quá” (cười lớn).

Một vấn đề tế nhị gần đây được báo chí nhắc đến nhiều, cát sê cho giám khảo được trả theo độ nổi, Ly tỏ ra không quan tâm, bởi “người ta có lý của người ta. Thù lao có cao thì cũng chỉ kiếm được một lần thôi, không phải nghề nghiệp chính. Nên tôi không đặt nặng chuyện cát sê”. Cô khẳng định nghề giám khảo mãi chỉ là một cơ hội tốt trong chuỗi hoạt động nghệ thuật của cô: “Tôi không thuộc về thế giới showbiz. Tôi là người đứng đằng sau nên cái sự nổi hay không nổi, thì lượng công việc của tôi vẫn thế”.

Ít người biết, ngoài “Bước nhảy hoàn vũ”, Trần Ly Ly từng tham gia nhiều chương trình có tiếng vang như “Trí tuệ Việt”, suốt ba năm ròng; chương trình “Đồ rê mí”, dành cho trẻ thơ, cô cũng góp mặt từ những số đầu tiên, rồi “Đẹp Fashion show”…

“Bề ngoài chỉ là một phần thôi!”

Ngoài hai vở công diễn lớn “Một ngày”, “Cuộc sống trong những chiếc hộp” Ly còn có nhiều sáng tác về múa. Hiện nay cô đang là một trong những biên đạo múa được đánh giá vững nghề và “ăn khách” nhất. Thêm một công việc cũng chiếm không ít thời gian của Ly Ly là giảng dạy. Cô đang đảm nhận trọng trách Phó hiệu trưởng Trường múa TP HCM.

Khi Trần Ly Ly xuất hiện trên ghế nóng “Bước nhảy hoàn vũ”, có người đánh giá cô đã phá thế “độc quyền” của nữ hoàng dance sport Khánh Thy và tạo ra cuộc cạnh tranh ngầm dữ dội. Ly phản bác: “Không bao giờ tôi có ý nghĩ đó.

Tôi có ngồi ở “Bước nhảy hoàn vũ” hay ở một cuộc thi nào đó có mười vị giám khảo nữ, thì Ly cũng vẫn là Ly”. Bên cạnh một Khánh Thy đỏm dáng, Trần Ly Ly lại thu hút ở vẻ cá tính.

Cá tính tự nhiên hay cố tạo ra? Cô trả lời: “Từ xưa tôi đã thế rồi”. Ở thời, miệng rộng của hoa hậu Ngọc Khánh khiến thiên hạ nghiêng ngả vì mê thì hẳn nhiên cái vẻ ngoài vừa đàn bà, vừa gai góc của Trần Ly Ly cũng mang giá trị nào đó.

Khi nhiều giai nhân của làng giải trí luôn cố khẳng định vẻ đẹp của mình là “hoàn toàn tự nhiên” (cho đến khi bị phanh phui có vết sẹo dao kéo), Ly đã chứng tỏ bản lĩnh “không thuộc giới showbiz” bằng câu chuyện thật thà:

“Xưa, tôi cũng từng đau khổ một chút. Dạo đó, người ta nghĩ những người theo nghề múa phải xinh đẹp theo kiểu mong manh, mình hạc xương mai, truyền cảm hứng. Thế nên, trước đây tôi không được lựa chọn nhiều vào những dàn múa, vì tôi khác.

Hồi đó, họ cho rằng tôi xấu, khiến tôi từng có cảm giác buồn và nghĩ rằng mình không thuộc về thế giới này. Nhưng một lần tôi múa cho một bà giáo người nước ngoài xem, bà đã mời thẳng tôi sang Pháp. Sang đây, mọi người lại bảo: Ơ, cô đẹp quá, cô hay quá. Tôi cũng không hiểu sao mình lại được nâng lên một tầm như thế.

Tôi nhận ra, mình không xấu như mình nghĩ, thế thì phải tìm cách riêng của mình. Tôi muốn xây dựng hình ảnh không phải đẹp, không phải xấu, mà nó phải là cái gì đó khiến người ta nhớ”.

Ở tuổi 34 cô bảo, không để ý đến vẻ ngoài nữa: “Kể cả ai đó đến trước mặt tôi và nói rằng: Ô, cô xấu quá, tôi cũng không buồn. Tôi sẽ cười, vì nhận định đó cũng là góc nhìn của người ta cơ mà”.

Băn khoăn: “Nếu được ngồi vào ghế giám khảo cuộc thi hoa hậu, không biết cô đánh giá thế nào về vẻ đẹp phụ nữ?”. Theo Ly: “Vẻ đẹp của phụ nữ đa dạng lắm nhưng vẻ đẹp nhất của phụ nữ chính là cái tiềm ẩn được hiện ra, đó là cái đẹp của tinh thần như sự linh hoạt, sự hấp dẫn về cá tính chẳng hạn, khiến thần thái con người ta đẹp. Còn mọi thứ bề ngoài chỉ là một phần thôi”.

Không bước trên thảm hoa

Nhiều người trong nghề múa nhận xét, biên đạo múa ở ta vừa thiếu, vừa yếu. Đó là một thua thiệt cho ngành múa nhưng biết đâu lại là may mắn cho Trần Ly Ly?

Cô không phủ nhận sự thật ấy: “Tôi nghĩ thời cuộc sinh anh hùng. Nhưng đánh giá như thế hơi cực đoan. Tôi chỉ nghĩ là mình đang có cơ hội”. Nhưng cơ hội không từ trên trời rơi xuống. Là con nhà nòi chính hiệu (bố Ly Ly từng là Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam - nay là Trường Cao Đẳng Múa Việt Nam). Cô yêu thích múa từ bé và có năng khiếu, “chỉ cần một bài nhạc nổi lên tôi đã nghĩ ra mình phải làm gì rồi”.

Nhưng có thời điểm cô phân vân có nên chọn múa làm nghiệp: “Ngành múa ở ta chưa được coi trọng. Tôi đắn đo không phải vì chuyện kiếm tiền, vì tiền có thể kiếm bằng cách khác”.

Nhưng sau cùng niềm đam mê đã thắng sự phân vân. Học múa từ năm 10 tuổi, đến nay cô đã theo nghề 24 năm, nếm đủ vinh quang và nhọc nhằn. Những lời nhận xét có nghề của vị nữ giám khảo “Bước nhảy hoàn vũ” được chắt lọc từ nhiều năm tháng học hành.

Cô từng du học ở Australia, ở Pháp bằng con đường học bổng. Có khi học bổng hết cô vẫn muốn học, “nghề này phải học đi học lại”, để có tiền trang trải, Trần Ly Ly làm đủ nghề: Bán trứng, dọn vệ sinh, làm ở xưởng may, bán đồ ăn nhanh…

Còn bây giờ cô vui vẻ bật mí: “Tôi sống thoải mái với nghề”. Khác với nhiều nghệ sỹ múa, cô có cái nhìn khá lạc quan: “Nghề này không đến nỗi nào, có những người chịu khó lao động còn giàu nữa là khác”.

Hỏi cô có định mở một trường múa tư nhân dành cho trẻ nhỏ, cô thẳng thắn: “Tôi lười dạy. Thích sáng tác hơn”.

Ly Ly nói về kế hoạch sắp tới bằng giọng say mê: “Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc sắp diễn ra. Tôi “mắc nợ” với nhiều đoàn nghệ thuật, vừa rồi làm cho đoàn Thăng Long thành công lắm, ba diễn viên nam đầu trọc, múa tác phẩm thiền, tuyệt vời luôn.

Hôm qua tôi cũng vừa dẫn học sinh đi thi tài năng, em ấy múa tác phẩm “Hóa vàng” của tôi, ấn tượng mạnh nhưng có giải thưởng hay không còn phải chờ”.

Trần Ly Ly thường vắng mặt mỗi khi lĩnh giải thưởng. Bởi xong việc, cô trốn: “Ở lại, nếu không được giải thưởng thì buồn, được giải thưởng cũng chỉ vui một tí. Hoàn thành công việc tôi muốn trốn vào chỗ nào đó ẩn như con cua lột xác”.

Cô thường ẩn ngay tại nhà. Chuyện trò vui vẻ nhiệt tình, hẹn phỏng vấn cũng không quá khó, thế mà tôi từng nghe đồn, Trần Ly Ly khó tính lắm. Giải đáp thắc mắc của tôi, Ly phá lên cười “À, chắc tại thời điểm đó tôi đang bị điên”.

Không ăn chay, niệm phật

Trần Ly Ly nam tiến đã ba năm nay: “Vào nam tự nhiên tên tuổi của tôi sáng hơn, dù vẫn hoạt động như thế. Phải đi hình như là số mệnh”.

Cô không giải thích được vì sao quyết định vào nam “lúc đó quyết định rất nhanh, không biết vì sao, không có lý do cụ thể”. Cô tin tưởng vào linh cảm của mình.

Liệu cô có ăn chay niệm phật như “mốt” của nghệ sỹ bây giờ? “Làm được một điều tốt bất kỳ là quan niệm của tôi về tâm linh, về Phật giáo, không nhất thiết phải đi chùa. Tôi cố gắng làm những việc tốt gần với mình nhất.

Trong sự nghiệp giảng dạy, tôi phải dạy cho đúng, dạy cho trò thành người có kỹ năng về múa, múa tốt, múa giỏi, múa có tâm hồn để ra đời thành nghệ sỹ tốt, có tâm hồn và hướng thiện. Một nghệ sỹ có tâm hồn đẹp mới múa đẹp được”.

Trần Ly Ly đã hoàn thành giấc mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” nhưng cô là người vô cùng cẩn trọng trong chuyện mở cánh cửa riêng tư để người khác soi vào.

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm