Iimuro Naoki : Không gì kịch câm không thể diễn tả

06/06/2010 14:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Kịch câm đã đi quá xa. Trong khi đó chúng ta vẫn chỉ loanh quanh với những bước kịch câm cổ điển - NSND Lan Hương, phụ trách đoàn kịch hình thể (NH Tuổi trẻ) đã thốt lên như vậy sau buổi luyện tập với nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Nhật Bản Iimuro Naoki trong chương trình làm việc tại Việt Nam từ 2 - 6/6. Ông đã thay đổi quan niệm về kịch câm lâu nay.

“Siêu tưởng”

Luyện tập bóng ném là nội dung mở đầu của buổi trao đổi về kịch câm hiện đại giữa Iimuro Naoki với đoàn kịch hình thể (Nhà hát Tuổi trẻ). “Hãy tung hứng bóng cùng tôi”, Naoki nói. Nhưng trên tay các nghệ sĩ Việt lúc đó... không một trái bóng. Sau tích tắc lúng túng, các diễn viên trẻ lần lượt làm theo lời Naoki.

“Khi một trái bóng bay đến bạn phải dùng tay đỡ, xòe cả năm ngón tay ra để chịu lực bay của nó. Đừng chụm năm ngón tay lại như thế. Và hãy giậm chân thật chắc, thật mạnh, đúng lúc bạn chạm bóng. Rầm”, Naoki vừa nói vừa làm động tác.


Naoki thể hiện cuộc rượt đuổi trong tiểu phẩm Đào tẩu
“Tưởng tượng thật rõ quả bóng to nhỏ ra sao để giữ cố định khoảng cách hai bàn tay cầm bóng. Nếu bạn nới khoảng cách, khán giả sẽ bực mình vì quả bóng... biết nở. Ném bóng xong cũng không phải là xong. Đương nhiên phải nhìn theo nó đến khi người kia bắt được”, người học trò năm nào của thiên tài kịch câm Marcel Marceau giải thích.

Những bài tập giúp nghệ sĩ của nhà hát hiểu được điều gì nằm sau động tác của ông. Những động tác ấy trong đêm diễn đầu tiên của Naoki ở Nhà hát Tuổi trẻ (2/6) đã khiến chính họ và cả người xem cười nghiêng ngả, trầm trồ.

Không cần định nghĩa

Thời khắc của kịch câm gồm 9 tiểu phẩm nhỏ, sau hai đêm diễn tại Hà Nội sẽ tới Duyệt Thị Đường (ngày 6 - 7/ 6) nhân Festival Huế.

Mỗi tiểu phẩm của Naoki là một câu chuyện có ngôn ngữ sân khấu bất ngờ: Sự tham lam vô chừng của người đi tìm kho báu dưới biển, người chỉ huy dàn nhạc chết vì đam mê công việc quá đà, người anh hùng phá ngục sau khi bị giam cầm, cuộc đời nhiều giai đoạn của một chú cóc...


Chậm rãi làm động tác mặc đồ lặn, đổ người ra phía trước rồi lao xuống nước... Sau đó là ùm... ánh sáng đột ngột thay đổi: Chuyển từ ánh sáng trắng trên bờ sang ánh sáng xanh - thế giới dưới đại dương. Động tác của diễn viên cũng thay đổi cùng lúc với ánh sáng - rõ ràng mỗi cử động đều bị nước cản lại. Những cú lộn vòng trở nên cực chậm, lâng lâng trong nước. Hay, cử động má phập phồng, hai tay chống xuống đất trong tư thế ngồi xổm khiến không ai không nhận ra hình hài chú cóc. Những bước chạy nhẹ tênh của người anh hùng, va chạm mạnh nảy lửa, sự quan sát của kẻ truy sát anh, không gian thay đổi theo từng bước chạy, nghệ sĩ phải một mình “sắm cả ba vai chèo”...

Sự linh hoạt trong thay đổi không gian, thay đổi nhân vật như trong bộ phim đa dạng góc quay đã làm nên tinh thần hiện đại trong mỗi tác phẩm của Naoki. “Người xem vẫn gọi kịch của tôi như vậy, cho dù chính tôi cũng không định nghĩa kịch câm hiện đại là gì. Tất cả chỉ là tôi cố gắng mô tả cuộc sống như những gì người Nhật hiện tại đang sống và đang nghĩ”, ông nói.

“Diễn tả tốt hơn những môn nghệ thuật khác”

Chịu ảnh hưởng trường phái Marcel Marceau nhưng nghệ sĩ Naoki vẫn tìm cho mình một hướng đi riêng. Chiếc mặt nạ vẽ vốn là đặc trưng của Marcel Marceau đã không được Naoki sử dụng. “Nếu Marcel muốn hướng tới một biểu trưng thì tôi lại chọn cách không vẽ mặt để dễ gần với khán giả hơn”, Naoki giải thích.

Chỉ có tinh thần kịch câm là không thay đổi. “Marcel Marceau từng nói nếu ai nghĩ có điều gì kịch câm không diễn tả được thì người đó sai lầm. Còn cá nhân tôi, tôi nghĩ có nhiều điều kịch câm diễn tả tốt hơn hẳn những hình thức nghệ thuật khác”, ông khẳng định.

Ngay sau đó, nghệ sĩ khum bàn tay như đang cầm một vật, đưa lên ngang miệng làm động tác cắn, nhai chắc nịch. Dừng lại một chút, ông nuốt “ực” và “à” khẽ, mắt lim dim. “Nếu trong tay tôi là quả táo, trái lê chắc chắn mọi người bị phân tâm tôi ăn món gì, có tươi không, sứt sẹo không và đủ mọi câu hỏi khác. Nhưng nếu diễn như vừa xong, khán giả sẽ chỉ thấy cảm giác ngon mà thôi. Làm gì có cách nào có thể diễn tả cảm giác ngon xuất sắc như kịch câm đã làm được?!”, ông vui vẻ nói.

Rõ ràng, nhận thức về những tiết mục kịch câm vốn chỉ loanh quanh kịch mục “đi trong mơ” của khán giả và diễn viên Việt đã được thay đổi.

Kiều Trinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm