03/02/2019 15:26 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Không kể dòng tranh dân gian, đề tài con giáp được các họa sĩ Việt Nam bắt đầu theo đuổi từ những năm 50 của thế kỷ XX đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người Việt. Nét đẹp văn hóa này đang dần được khôi phục, phát triển, trở thành thú chơi tao nhã của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Xuân về, ngoài tấm áo mới, nồi bánh chưng, tranh để treo Tết là nét sinh hoạt văn hóa của cha ông từ xưa. Trải qua một thời gian dài cuộc sống của người Việt gặp nhiều gian khó, nhất là những năm tháng chiến tranh, thời kỳ bao cấp, nếp sống văn hóa đó dần mai một. Một số họa sĩ nuối tiếc truyền thống đó, năm hết Tết đến thường vẽ tranh ứng với con giáp của năm đó như thú chơi riêng của mình, dành tặng bạn bè quý mến.
* Khơi nguồn dòng tranh con giáp
Không mấy người biết rằng chính Danh họa Bùi Xuân Phái, người nổi danh với những bức họa phố phường Hà Nội lại là một trong những người đầu tiên khởi xướng dòng tranh vẽ con giáp.
Theo Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, khoảng từ năm 1956-1957, Họa sĩ Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ những tấm thiệp con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Có những năm, Họa sĩ vẽ cả chồng bưu thiếp, để sẵn trong ngăn kéo, làm quà mừng năm mới cho những người thân quý.
“Là một trong những người vẽ con giáp rất đều đặn, nhưng nhiều khi, Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trên vỏ bao thuốc lá, vỏ phong bì, hoặc tờ lịch được xé xuống từ cuốn lịch đang treo trên tường. Sau này cẩn thận hơn chút, ông sử dụng tờ vàng mã để vẽ. Những bức tranh con giáp trên giấy vàng mã ấy trông vừa dân gian vừa ngay ngắn, đẹp đẽ được ông dành để tặng bạn bè”- Họa sĩ Thành Chương kể lại.
Thời kỳ đó, cùng với Bùi Xuân Phái còn có một số họa sĩ vẽ tranh con giáp như Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc. Nhưng người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất là Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
Có thể nói, Nguyễn Tư Nghiêm là người khơi rộng dòng chảy cho tranh con giáp. Ông không còn vẽ “chơi chơi” như Họa sĩ Bùi Xuân Phái mà chuyên sáng tác về 12 con giáp. Ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành và có nhiều tác phẩm vẽ con giáp rất đẹp.
Theo Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, mỗi năm, Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có thể sáng tác vài chục bức và hoàn toàn không bị lệ thuộc vào trật tự thời gian. Ông là người đại diện cho các họa sĩ Việt Nam cất lên tiếng nói của dân tộc mình qua các tác phẩm hội họa con giáp ngày Xuân.
Đặc biệt, trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Tư Nghiêm còn được biết nhiều đến tranh con giáp trên giấy dó. Hình ảnh những đàn gà, đàn lợn, ngựa, dê, chó... mang đậm nét dân gian cứ tự nhiên đi vào tranh ông.
Khó có thể thống kê được số lượng tranh con giáp mà Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ, song Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến vẫn còn nhớ: Bộ sưu tập tranh về động vật lớn nhất của Nguyễn Tư Nghiêm được công bố vào mùa Xuân năm Mậu Thìn 1988 tại Hà Nội với 42 tác phẩm sáng tác vào những năm 60, 70, 80 của thế kỷ XX. Trong đó, bộ tranh đầy đủ 12 con giáp gồm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn) được Danh họa vẽ bằng bột màu. Mỗi bức tranh có kích thước vừa phải, hồn nhiên, thanh thoát, biến ảo, lại đôi chút đủng đỉnh, nhàn tản như chính cuộc sống trong tâm thức của người họa sĩ tài hoa này.
*Làm “sống lại” thú chơi tranh Tết
Tiếp theo thế hệ của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, vào những năm 1970-1980, Họa sĩ Thành Chương cũng khẳng định tên tuổi trong cho dòng tranh con giáp. Những năm 1990, các họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, Hà Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa tiếp tục “giữ lửa” cho dòng tranh này.
Là một trong những người cầm cọ khá ưu ái cho dòng tranh con giáp, Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: Xuất phát từ tâm huyết của những bậc tiền bối như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm...., ông cùng nhiều họa sĩ đã bị thôi thúc với suy nghĩ về dòng tranh con giáp. Đặc biệt, chúng tôi bắt đầu vẽ tranh các con giáp mỗi dịp Tết đến, Xuân về như một sự hồi tưởng, nhớ lại nét đẹp văn hóa, góp phần làm “sống lại” thú chơi tranh Tết của cha ông xưa. Cùng với đó, một số báo cũng giữ truyền thống đăng tải tranh vẽ con giáp dịp Tết, thậm chí có những năm cả bìa báo Tết được dành cho tranh con giáp.
Nhờ đó, lực lượng vẽ tranh con giáp ngày càng đông đảo. Tranh con giáp không còn là tranh “chơi bời” mà được xây dựng thành tác phẩm quy mô với nền tảng là tranh con giống. Việc vẽ con giáp được đẩy lên thành truyền thống vẽ tranh Tết hàng năm, được các thế hệ họa sĩ khác nhau nối dài cho tới tận ngày nay.
Đáng chú ý là mấy năm gần đây, hai triển lãm thường niên chuyên về tranh con giáp, tranh Tết được tổ chức ở Hà Nội của nhóm G39 và nhóm Viet Art Now thường xuyên được duy trì, thu hút hàng trăm họa sĩ tham gia.
Phấn khởi khi nhìn thấy dòng tranh con giáp ngày nay được các họa sĩ kế tục một cách hào hứng, Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho biết: Xưa chỉ các làng tranh dân gian vẽ con giáp, rồi đến một vài cá nhân họa sĩ vẽ và giờ đây cả một tập thể các họa sĩ cùng vẽ, cùng triển lãm khiến dòng tranh này càng sống động, đầy sức hấp dẫn.
Ở nhiều triển lãm tập thể có thể thấy, các tranh con giáp đều thành công ở cả tính thời đại và tính truyền thống; khẳng định sự đa dạng trong phong cách sáng tác của các họa sĩ nước nhà. Qua đó có thể thấy được dòng tranh con giáp đã có đóng góp cho sự phát triển, đi lên của nền mỹ thuật Việt Nam, làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc.
Mỹ Bình/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất