19/02/2013 13:43 GMT+7 | AC Milan
(Thethaovanhoa.vn) - Kỉ nguyên Sacchi đã quá xa. Những thước phim về Milan-Capello, trong lần đè bẹp “Dream team” của Cruyff đến 4-0 năm 1994, đã trở nên cũ kĩ. Thời hiện tại, Milan không sánh bằng Barcelona. Họ chỉ đang nỗ lực làm lại từ đầu, theo mô hình từ chính Barca, câu lạc bộ đang trên đỉnh cao chiến thắng.
Milan muốn tạo dựng thành công từ lò đào tạo như Barca.
Hình ảnh Nesta khiến Messi bất lực, nằm đấm thùm thụp lên mặt cỏ sân Camp Nou, tạo ra khoái cảm lớn lao cho những milanista, rằng Messi, một “siêu nhân” đủ sức chinh phục mọi thử thách, vẫn không tài nào qua nổi “lão già” Sandro của họ. Nhưng sau đó, Nesta đến Canada, và Milan không còn Nesta nào nữa. Thiago Silva và Ibra cũng ra đi, bỏ lại một đội bóng không ngôi sao, vật vờ lúc đầu mùa.
Không mua Messi, mà tạo ra Messi
Việc không sản sinh ra những cầu thủ giỏi từ tuyến trẻ một cách đều đặn, là biểu hiện của một đội bóng ăn xổi. Trong quá khứ, Milan không ăn xổi. Điển hình, những Maldini, Baresi, Costacurta, Albertini, và một loạt những huyền thoại khác của họ, đều lớn lên, thành danh trong màu áo đỏ-đen. Nhưng đội Primavera (đội trẻ) bây giờ, hay đội Allievi (đội thiếu niên), không còn là tập hợp của những đứa trẻ vĩ đại. Khác với Barca, nơi La Masia, đều đặn “đẻ” ra những Pedro, Thiago Alcantara (cầu thủ mà Silvio Berlusconi chết mê chết mệt), Tello hay Cuenca,...
Noi gương “Blaugrana”, Milan đã xuất phát từ đầu năm, bước qua vạch vôi mà Barca đã bước qua hàng chục năm trước, từ 1988, thời kì Johan Cruyff trở về câu lạc bộ để từ hệ tư tưởng của lò Ajax, ông thay đổi hoàn toàn hệ thống đào tạo trẻ Barcelona một cách sâu rộng. “Thánh” Cruyff “đồng hóa” mọi lứa “U” của “Blaugrana” về một lối chơi, biến La Masia thành một “ngôi nhà”, một “Cantera” (mỏ quặng) dung dưỡng những tài năng bóng đá bản xứ. Milan ao ước điều đó.
“Chúng tôi không muốn mua Messi. Chúng tôi muốn xây nhà cho những Messi”, là câu nói ấn tượng nhất, dễ hiểu và gãy gọn nhất, mà Barbara đã tiết lộ về kế hoạch của Milan, trong cuộc phỏng vấn với tờ Mundo Deportivo.
Kế hoạch trẻ hóa này, có cùng con đường với mục tiêu cắt giảm chi phí hoạt động để thích ứng với luật công bằng tài chính. Những động thái như mua “Messi” (các cầu thủ có giá đắt đỏ), được xem là kẻ thù trong phương châm hoạt động của “Rossoneri” hiện tại: Ibra, Silva bị bán vì lương cao “quá sức chịu đựng”; Pato, người tình nằm viện liên miên mà hưởng những 4 triệu euro/năm của Barbara, cũng bị thanh lý, và Balotelli (22 triệu euro) được mua về, nhưng nên nhớ, tiền mua anh, Milan được trả làm…4 đợt.
Đi theo con đường của Barca
Đội bóng có trụ sở ở Via Turati đang dần khiến các cổ động viên hiểu rằng, không phải những ngôi sao cho các kế hoạch ăn xổi, mà chính những tài năng trẻ, mới là nguồn tài sản đáng giá nhất. Như El Shaarawy, mầm non được tạo mọi điều kiện để tỏa sáng rực rỡ mùa này. Như De Sciglio, và Abate, hai học trò của Tassotti, hai sản phẩm của câu lạc bộ, đã trưởng thành vượt bậc thời gian qua. Hachim Mastour, được mua về với giá nửa triệu euro, con số cao kỉ lục với một cầu thủ 14 tuổi; Bartosz Salamon và Riccardo Saponara, được tậu mùa Đông qua.... Galliani có thể tiếc tiền cho Tevez, nhưng chưa bao giờ ngần ngại “móc ví” trả giá cho những cậu nhóc.
Milan sẽ chưa thể để đạt được sự chuẩn mực về chính sách phát triển và chất lượng những sản phẩm xuất xưởng như La Masia, vì ngay cả hình mẫu của họ, cũng đã mất hàng chục năm có điều này. Và Milan, cũng sẽ không thể một sớm một chiều “đồng hóa” được lối chơi từ tuyến trẻ đến đột Một, như tiki-taka đã được Barca khai phá hoàn hảo trong kỉ nguyên mới.
Nhưng Milan, khi chưa thể đủ kinh nghiệm và tiềm lực để đạt đến sự bền vững như La Masia, vẫn cố gắng “đi tắt”, bằng cách “tậu” những sản phẩm thô giá rẻ, để tự tay gọt dũa. Nói cách khác, họ chưa có La Masia, nhưng nền móng cho La Masia đang được gấp rút hoàn thành.
Biết đâu đấy, khi những Hachim Mastour trưởng thành, thước phim cũ năm 1994 sẽ được những hậu duệ của Messi tua lại. Và khi đó, điều Milan ao ước, là câu chuyện về những cuộc đối đầu Nesta-Messi mới, sẽ lại được kể ra…
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
2010 Năm 2010, La Masia đã lập nên một kỉ lục vô tiền khoáng hậu, khi ba người về nhất trong cuộc đua giành Quả bóng vàng thế giới đều là cựu học viên của họ: Iniesta, Messi và Xavi. Năm 1988 và 1989, ba người về nhất của giải Quả bóng vàng châu Âu (tiền thân của Quả bóng vàng thế giới), đều là người của Milan (Gullit, van Basten, Rijkaard), nhưng không ai lớn từ lò đào tạo đội đỏ-đen. 4 Trong đội Một của Milan hiện tại, chỉ có 4 người trưởng thành từ học viện bóng đá trẻ của họ, là Abate, De Sciglio, Ambrosini và Antonini. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất