15/05/2023 14:16 GMT+7 | Văn hóa soi đường
Thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) năm 2023 được Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) lựa chọn là "Bảo tàng, Tính bền vững và an sinh" (Museums, Sustainability and Wellbeing).
Sự kiện thường niên này góp phần tôn vinh giá trị, tầm quan trọng của bảo tàng trong phát triển xã hội; khuyến khích thúc đẩy giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau và cùng hướng phát triển bền vững.
Theo Cục Di sản văn hóa, Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2023 là dịp để tái khẳng định sức mạnh của Bảo tàng có thể góp phần biến đổi thế giới. Nghị quyết Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế "Về tính bền vững và thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Chuyển đổi thế giới của chúng ta" (Kyoto, 2019) đã nêu rõ, tất cả các bảo tàng đều có vai trò định hình, tạo ra tương lai bền vững thông qua các chương trình giáo dục, trưng bày, tiếp cận cộng đồng và nghiên cứu.
Từ năm 2020, Ngày Quốc tế Bảo tàng hàng năm đều hướng tới hỗ trợ một số Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Năm 2023, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế tập trung vào các mục tiêu số 3, 13 và 15. Trong đó, mục tiêu 3 hướng tới đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người.
Mục tiêu 13 là thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó. Mục tiêu 15 là bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy việc sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên đất liền, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học…
Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế khuyến khích các bảo tàng thể hiện vai trò như là đại sứ của Ngày Quốc tế Bảo tàng, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tàng - một phương tiện quan trọng để trao đổi, làm giàu văn hóa và phát triển sự hiểu biết, hợp tác và hòa bình giữa các dân tộc.
Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng
Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng 2023, các bảo tàng đều chủ động triển khai hoạt động trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông. Các bảo tàng nghiên cứu ứng dụng đa dạng loại hình công nghệ trong trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong thời gian tới; tăng cường chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông quảng bá...
Nhằm thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm và hành động nhiều hơn để góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam trong thời đại 4.0, đồng thời tôn vinh những giá trị di sản đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng; thúc đẩy hơn nữa hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản, kết nối giữa Bảo tàng với công chúng, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức một số hoạt động giáo dục, trải nghiệm phục vụ khách tham gồm:
Trải nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc tìm hiểu và khai thác thông tin văn hóa các dân tộc tại phòng trưng bày số 1 (nhóm ngôn ngữ Việt - Mường) và số 2 (nhóm ngôn ngữ Tày - Thái) khu trưng bày trong nhà Bảo tàng. Thời gian từ ngày 10- 18/5/2023.
Chiếu phim tư liệu về di sản văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người tại phòng chiếu phim của Bảo tàng. Thời gian từ ngày 10-18/5/2023.
Hoạt động "'Tìm hiểu Bảo tàng VHCDT VN và các chương trình giáo dục di sản văn hóa tại Bảo tàng" dưới hình thức online. Thời gian từ ngày 25/4- 15/5/2023.
Trưng bày tác phẩm thi vẽ tranh và ảnh với chủ đề: "Bảo tàng với di sản văn hóa Việt Nam". Thời gian từ ngày 16-18/5/2023.
Hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam đều miễn phí cho khách tham quan vào Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5…
Một số định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam
- Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số.
- Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến.
- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số.
- Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng, như: tổ chức tham quan - trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa.
- Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường học trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian… vào các chương trình ngoại khóa; kết nối, mời các nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực cho thực hiện công tác chuyển đổi số của bảo tàng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng viên chức của bảo tàng về công nghệ mới và giới thiệu các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại bảo tàng...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất