Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Lánh nạn khỏi… mái ấm!

27/06/2009 08:45 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH) - “Có lần mặc quần lót bỗng thấy bị bỏng rát, tôi phải ngâm người trong chậu nước đến hai tiếng và không hiểu vì sao. Sau thấy nghi nghi mới xem lại cái đáy quần thấy còn sót lại vài hạt ớt vàng. Ông ấy ghen kiểu thế đấy. Đến con trai ông ấy còn bảo: Ba ơi, ba dã man hơn cả phát xít”.

Bà Đào vừa lau nước mắt vừa nói trong buổi sinh họat câu lạc bộ vào cái ngày đầu tiên. Bà Đào cũng không nghĩ rằng, ngôi nhà tạm lánh của Trung tâm Phụ nữ phát triển này lại có quá nhiều người đồng cảnh ngộ như bà.


Ớt vàng không chỉ để ăn!

Không hiểu đến lần thứ bao nhiêu bà Đào bị bỏng rát nơi đó vì những miếng ớt vàng của ông chồng. Người đàn bà xinh đẹp này đã sáu mươi tuổi có lẻ thì có đến hai mươi năm sống trong cảnh bị hành hạ ngược đãi. Nước mắt vòng quanh, bà Đào đưa ra một “tập thơ chửi” của đức ông chồng với vợ. Nội dung “câu thơ” khủng khiếp đến mức người đọc còn cảm thấy ớn lạnh. Ông luôn nghi ngờ vợ mình có quan hệ với ai đó, cho đến tận bây giờ dù đã lên ông lên bà mà ông vẫn thế. Có lần ông ghen bâng quơ rồi viết tên vợ mình và người đàn ông (tự nghĩ ra) lên hai tờ giấy, lập một cái bàn thờ, mua chuối về thắp hương, làm sớ tế sống hai cái tên.

Với bà Đào, khi bước chân vào cánh cửa của Trung tâm, người như nhẹ bỗng, cười nói vui vẻ với các chị em ở đây. Nhưng cứ khi sinh hoạt xong, về đến gần cổng nhà là bao nỗi sợ hãi xâm chiếm bà. Cái lần sợ nhất đối với bà Đào là khi hai mẹ con ở trên gác, ông ấy vác dao lên đạp cửa xông vào rồi vác dao chém tới tấp. Rồi bà Đào lại thần người nghĩ đến cảnh ông chồng cầm tóc bà lôi xềnh xệch đi. Bà Đào là nữ y tá dũng cảm trong tuyến lửa Vĩnh Linh. Những năm bom đạn, nuôi con một mình khi chồng đi công tác vắng, lúc ấy có sợ gì đâu. Vậy mà giờ sống trong mái ấm gia đình, trong hòa bình không bom đạn mà lại luôn hoảng hốt, khiếp hãi người đàn ông chung chăn gối mấy chục năm ròng.

Vừa xâm hại vợ, vừa… đếm!

Không yêu, nhưng vẫn làm “việc ấy” khi muốn. Mà không phải là quan hệ bình thường. Kéo rọet cái khóa quần, đè vợ xuống sàn nhà vừa làm vừa…đếm. Người vợ la hét đến nỗi hàng xóm phải gọi 113. Kể lại những câu chuyện này nhiều lần tại Trung tâm mà nét mặt Huệ vẫn đầy bàng hoàng, sợ hãi.

Vài năm qua, hầu như ngày nào Huệ đến Trung tâm đều với gương mặt thất thần, tay chân bụng bầm tím. Tay Huệ cầm khư khư trong tay cái túi với đám giấy vụn. Những tờ giấy ghi lại bằng chứng của những lần bị xâm hại của chồng Huệ. Tờ ghi: “ngày…tháng…năm… tao đuổi mày- Huệ- ra khỏi nhà”; tờ thì ghi: “tôi là… hôm nay chồng chị Huệ đã đánh và để toàn bộ than lên gường chị ấy”. Và nhiều chứng nhận khác, đơn thư của sáu năm trời ròng rã ly hôn.

Người đàn ông này hơn Huệ hai mươi tuổi, có gia đình cơ bản với các anh chị em là tiến sĩ, thạc sĩ và bản thân cũng tốt nghiệp đại học. Lấy nhau tự nguyện với hai mặt con, một trai một gái. Huệ nghe chồng bỏ việc ở nhà chăm con. Sau nhiều năm chung sống,  một lần người vợ trở về nhà bắt gặp chồng và cô cháu gái trên gường. Người chồng lao vào đánh mắng: “Tao yêu nó mày làm gì tao hả? Đấy là việc của tao”. Và từ đó, Huệ phải chịu đựng một cuộc sống địa ngục. Người chồng đánh vợ bằng bất cứ thứ gì. Có khi là một cuốn truyện với mười sáu cái tát liền. Khi bóp cổ, khi thì kẹp vào háng. Một lần ông ta đánh Huệ liền bốn ngày bốn đêm với lời đe dọa: “Nếu không viết đơn ly dị thì tao đánh mày đến chết”. Huệ viết xong, ông ta bắt Huệ gửi ra tòa với giao hẹn: “Bốn ngày nữa mà tòa không gọi thì tao đánh mày chết”. Không biết có phải sợ chết hay vì quá khiếp hãi chồng quen ra lệnh mà người đàn bà phải đem đơn ra tòa trong nước mắt. Cho than tổ ong lên gường vợ, đi giày bộ đội đá vào bụng vợ… không thể kể hết  những cách thức mà người đàn ông này đã làm với bạn đời của mình.

Tự tin với nơi lánh lạn

Những người như Huệ và bà Đào cuối cùng cũng tìm được nơi lánh nạn cho cuộc đời mình. Với Huệ, Huệ được hỗ trợ tinh thần, giảm tự ti và hoảng sợ. Từ chỗ chỉ ngồi một xó và khóc, người đàn bà đã bắt đầu nở nụ cười trong các trò chơi vận động. Đọc bản án ly hôn của Huệ, ai cũng rơi nước mắt thương người đàn bà thiệt thòi. Đồ dùng duy nhất Huệ xin khi ly hôn là chiếc xe đạp và từ chối mọi phần tài sản. Căn nhà ba tầng được tòa chia đôi nhưng Huệ chỉ xin mười mét vuông dưới gầm cầu thang để ở. Vậy mà người chồng cũng tìm mọi cách đập tường ngăn, đe dọa sẽ ném ma túy vào nhà để Huệ phải bị đi tù… Các thành viên câu lạc bộ, cán bộ Hội phụ nữ và cảnh sát khu vực cũng đã hỗ trợ để Huệ hiểu rằng mình không cô độc trong cuộc đời này. Quán nước nhỏ đủ nuôi chị sống và bỏ ống chút tiền để dành cho con. “Em chỉ mong sau này con cái trưởng thành em được bế con cho chúng nó”. Huệ rạng ngời khi nói lên ước nguyện của mình.

Để ghi chép lại những cảnh đời phụ nữ tại Trung tâm lánh nạn này thì chẳng thể hết nổi. Nỗi đau cứ chồng thêm nỗi đau. Nước mắt phụ nữ vẫn rơi trong chính mái ấm của mình.

Chắc sẽ chẳng ai nghĩ rằng, khi phỏng vấn phụ nữ tại 8 tỉnh, thành phố thì có tới 30% trả lời từng bị chồng ép buộc quan hệ tình dục. Trong một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) và Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) gần đây cũng cho thấy, trong hàng nghìn cuộc gọi vào đường dây tư vấn đề bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục cao hơn gấp nhiều lần so với nam giới. Một điều đáng chú ý là những người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng thường là nạn nhân của bạo lực tình dục.


Lam Khuê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm