01/04/2013 07:15 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Cá tháng Tư (1/4) hàng năm đã trở thành thời điểm truyền thống để những người thích đùa, những kẻ chơi khăm và nhất là cánh báo chí thỏa sức pha trò, dựng chuyện tếu táo mà không sợ lãnh hậu quả.
Dưới đây là các trò đùa Cá tháng Tư thuộc loại đặc sắc nhất từ trước tới nay:
Bay bằng sức mạnh của lá phổi
Tháng 4/1934, nhiều tờ báo Mỹ (gồm cả tờ The New York Times danh tiếng) đã in một bức ảnh một người đàn ông đang bay trên không nhờ một thiết bị hoạt động bằng hơi thở phát ra từ các lá phổi của ông. Cùng bức ảnh là một bài báo với những lời lẽ hết sức phấn chấn, mô tả phát minh mới.
Người đàn ông này được xác định là một phi công Đức tên Erich Kocher, đang thổi vào một chiếc hộp trên ngực ông. Hơi thổi của ông đã kích hoạt hệ thống cánh quạt, tạo lực nâng rất mạnh và khiến ông bay lên. Các ván trượt tuyết ở chân ông đóng vai trò như một bộ phận hạ cánh và một cánh đuôi cho phép ông đảo hướng trên trời.
Điều mà các tờ báo không nhận ra là "động cơ chạy bằng sức mạnh lá phổi" đã chỉ là một trò đùa khôi hài. Bức ảnh lần đầu xuất hiện trong phiên bản Cá tháng Tư của tờ Berliner Illustrirte Zeitung. Nó đã tới Mỹ nhờ hãng tin ảnh Hearst's International News Photo, cơ quan không những đã mắc lỡm của người Đức, mà còn khiến nhiều khách hàng báo chí của mình dính quả lừa to đùng.
Thu hoạch mỳ ống trên câyCho tới nay, cú lừa của đài BBC về việc mỳ ống mọc trên cây vẫn được xem là "kinh điển" nhất.
Vào ngày 1/4/1957, chương trình Panorama của BBC đã phát sóng một đoạn video dài 3 phút về việc những người nông dân trồng mỳ ống ở Thụy Sĩ đã được một mùa bội thu.
Nguyên nhân dẫn tới một vụ mùa thành công là do mùa Đông đã bớt khắc nghiệt hơn và số lượng mọt ăn hại mì cũng biến mất một cách bí ẩn. Khán giả đã được chứng kiến người dẫn chương trình Richard Dimbleby nói chi tiết về những cây trồng mỳ ống và họ còn được tận mắt xem hình ảnh về một gia đình Thụy Sĩ đang gỡ các sợi mỳ ống ra khỏi cây rồi đặt chúng vào rổ. Đoạn video kết thúc bằng một tuyên bố rằng: "Với những ai yêu món mỳ ống, chẳng có gì bằng việc ăn mỳ ống do chính tự tay mình trồng".
Cú lừa ngoạn mục này đã khiến dư luận Anh xôn xao. Hàng trăm người đã gọi điện tới BBC trong ngày hôm đó để hỏi xem liệu họ có thể trồng cây mỳ ống ra sao. Với những thắc mắc như thế này, nhân viên trực BBC đã trả lời ngay: "Hãy thả chồi non làm từ mỳ ống vào một hộp đựng sốt cà chua và hy vọng về điều tốt đẹp".
Cho tới nay cú lừa của Panorama vẫn thuộc hàng nổi tiếng nhất và được ưa thích nhất. Đây cũng là lần đầu tiên truyền hình trở thành nơi người ta pha trò nhân ngày Cá tháng Tư.
Hô biến TV đen trắng thành màuCú lừa Cá tháng Tư nổi tiếng nhất Thụy Điển xảy ra vào năm 1962. Khi đó, SVT vẫn là kênh truyền hình duy nhất ở Thụy Điển và nó vẫn chỉ phát sóng dưới dạng đen trắng.
Trong ngày 1/4, đài thông báo rằng "chuyên gia kỹ thuật" của họ là Kjell Stensson sẽ mô tả một tiến trình có thể cho phép người ta xem hình ảnh màu trên bộ TV đen trắng. Tiếp đó đài phát hình Stensson ngồi trước một chiếc TV và cố giải thích quy trình hoạt động của việc "chuyển đổi". Ông sử dụng rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật, mô tả chi tiết về bản chất ánh sáng, về hiện tượng mang tên "giao thoa kẽ hở đôi".
Cuối cùng ông gợi ý với khán giả rằng họ có thể sử dụng vật liệu dễ kiếm như tất giấy là đủ. Ông hướng dẫn họ cắt tất giấy ra rồi dùng băng dính dán lên màn hình TV và hình ảnh sẽ lập tức chuyển thành có màu.
Stensson cảnh báo rằng khán giả nên ngồi đúng khoảng cách so với màn hình để thấy hiệu ứng thực sự. Ngoài ra họ còn phải đung đưa đầu ra hướng trước và sau để "các dải màu thẳng hàng".
Hàng ngàn khán giả truyền hình về sau thừa nhận họ đã rơi vào bẫy của SVT và đã thi nhau mua tất giấy để có trải nghiệm xem TV màu. 4 năm sau trò đùa này, SVT đã thử nghiệm phát hình có màu lần đầu tiên.
Quả bom đáng yêu
Ngày 1/4/1915, giữa lúc Thế chiến thứ nhất đang diễn ra, một viên phi công người Pháp đã bay thẳng tới nơi đóng quân của người Đức và ném xuống một thứ trông giống như một quả bom khổng lồ.
Những người lính Đức lập tức tản ra nhiều hướng khác nhau. Nhưng không có tiếng nổ nào vang lên. Sau khi tình hình đã yên ắng, những người lính Đức mới hoàn hồn quanh trở lại, từ từ tiếp cận quả bom. Họ phát hiện ra rằng đó thực ra là một quả bóng đá lớn, kèm theo một dòng chữ buộc vào nó đề: "Cá tháng Tư!"
Nixon tranh cử sau vụ Watergate
Ngày 1/4/1992, chương trình đàm thoại Talk of the Nation của Đài phát thanh quốc gia Mỹ đã gây sốc khi tuyên bố rằng Richard Nixon đã quyết định ra tranh cử Tổng thống thêm một lần nữa. Khẩu hiệu tranh cử mới của chính trị gia đã sụp đổ sự nghiệp vì vụ bê bối nghe lén Watergate là: "Tôi chẳng làm gì sai cả và tôi sẽ không làm sai nữa".
Cùng với thông tin này là các đoạn ghi âm tuyên bố ra tranh cử của Nixon. Khán giả Mỹ đã phản ứng rất mạnh với tin trên. Họ thi nhau gọi tới đài phát thanh, thể hiện cảm giác sốc và phẫn nộ trước quyết định của Nixon. Tuy nhiên tới nửa cuối chương trình, phát thanh viên John Hockenberry đã tiết lộ rằng ông chỉ đang đùa khán giả nhân ngày Cá tháng Tư và giọng của Nixon là do cây hài Rich Little tạo ra.
"Bịa" ra cả một quốc gia
Trong ngày Cá tháng Tư năm 1977, tờ Guardian của Anh đã xuất bản "phóng sự đặc biệt" dài 7 trang về San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ nằm ở Ấn Độ Dương, tạo thành từ nhiều hòn đảo có hình dấu chấm phẩy. Cùng với phóng sự là một loạt bài báo mô tả chi tiết về địa lý và văn hóa của quốc gia này.
Bài báo đã khiến dư luận sửng sốt. Rất nhiều độc giả của báo đã gọi điện trong suốt cả ngày đó tới tòa soạn để hỏi cách tới nước này nghỉ mát. Tuy nhiên San Serriffe đã không tồn tại và cả loạt phóng sự công phu đã chỉ là một trò đùa không hơn nhân ngày Cá tháng Tư.
Sự thành công của trò đùa do Guardian thực hiện được cho là nguồn cảm hứng lớn, đã khiến báo chí Anh rất thích đùa độc giả trong các dịp Cá tháng Tư diễn ra những năm về sau.
Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất