26/02/2023 00:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
TS.BS Bùi Chí Thương – chuyên gia về sản phụ khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, người đã có thâm niên 20 năm đỡ đẻ và phẫu thuật cho rất nhiều sản phụ sinh khó được "mẹ tròn con vuông". Trêm MXH, bác sĩ Thương có rất nhiều "fan hâm mộ" bởi sự thấu cảm, sẻ chia và những câu chuyện đời thường anh kể mỗi ngày.
- 20 năm trước, vì sao bác sĩ chọn ngành phụ sản chứ không phải 1 ngành khác?
Sau khi tốt nghiệp trường Y, chúng tôi đứng trước lựa chọn chuyên ngành để học bác sĩ nội trú. Tôi rất muốn vào nhi khoa nhưng không đủ tự tin vì khoa đó yêu cầu rất cao, hầu hết các bạn top 5, top 10 trong khóa đều đăng ký. Lúc ấy một tiền bối, cũng là mẹ vợ sau này của tôi, khuyên tôi nên chọn sản khoa.
Lúc trước, khi thực tập ở sản khoa tôi cũng thấy đây là một chuyên ngành tốt, sau này cũng giúp đỡ được cho gia đình. Tôi đã lựa chọn sản khoa như một cái duyên vậy thôi.
Do văn hóa Phương Đông rất ngại bác sĩ sản khoa là nam nên ban đầu tôi cũng gặp khó, lo lắng nhiều trước các ca mổ. Nhưng rồi dần dần, nhờ phụ mổ cho các giáo sư, tiền bối, tôi có cơ hội quan sát, thực hành và dần nâng cao tay nghề. Hễ có cơ hội là tôi cố gắng ở lại bệnh viện để học hỏi. Tôi sẵn sàng nhận những góp ý thậm chí là khiển trách để phát triển bản thân. Trong y học, quan sát và học hỏi là rất quan trọng.
- Ca mổ đầu tiên đánh dấu bước ngoặt cuộc đời bác sĩ của anh diễn ra như thế nào?
Lần đầu tiên tôi được giao làm bác sĩ mổ chính là do cô giảng viên - tiền bối tin tưởng và giao nhiệm vụ. Khi đó, cô chỉ nói: Cô tin em làm được! Đó là ca mổ song thai, nguy cơ băng huyết sau sinh rất cao. Tôi áp dụng những kinh nghiệm mà mình đã quan sát được trong suốt thời gian qua và kết quả thực sự ngoạn mục. Vì vậy tôi nhận ra rằng tôi cứ quan sát và thực tập nhiều thì sẽ thuần thục tay nghề.
Khi mới làm bác sĩ sản được khoảng 4-5 năm thôi, tôi tiếp nhận một ca rất đặc biệt. Chồng là người Mỹ, họ sống ở Đà Lạt. Không rõ ai đã tin tưởng giới thiệu mà cô ấy biết để tìm đến tôi. Đây là trường hợp bị nhau thai bám vào phía trước, dính vào vết mổ cũ mà ngày nay gọi là nhau cài răng lược – rất nguy hiểm, có thể xảy ra nguy cơ băng huyết và tử vong rất cao.
Phương tiện siêu âm ngày đó chưa hiện đại như bây giờ nên rất khó dự đoán chính xác tình hình. Khi vào mổ thực sự tôi đã rất run bởi nó hơi quá sức mình. Nhưng tôi vẫn buộc phải mổ, vừa mổ vừa gọi cứu trợ, vận dụng hết khả năng của bộ óc, bằng mọi giá phải lấy được em bé ra an toàn.
Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn cô giáo và các bệnh nhân đã tin tưởng. Đồng thời tôi càng thêm tin tưởng vào bản thân khi đã có thể làm được những việc tưởng vô cùng khó. Đương nhiên tôi vẫn đặt sự cẩn thận lên hàng đầu chứ không vì thế mà tự cao, chủ quan.
- Trong 24 năm làm bác sĩ sản khoa, điều gì khiến anh ám ảnh nhất?
Đó là những tai biến sản khoa không thể cứu được. Tôi từng chứng kiến 3 trường hợp nghiêm trọng nhất. Trong đó chỉ có một người còn sống, cũng bị mất trí nhớ một thời gian. Có những trường hợp mà y học cũng không thể cứu được. Vậy nên người ta mới nói cửa sinh là cửa tử!
- Là bác sĩ sản, anh có tự tay đón các con của mình chào đời?
Đó là một kỷ niệm rất vui. Bà xã tôi mang song thai, chính tay tôi đã mổ đẻ cho vợ. Khi ấy, đón đứa con đầu tiên ra, tôi bỗng thấy ngộ ngộ vì sao thấy giống đứa cháu tôi thế. Sau đó mới sực nhớ ra sản phụ là vợ tôi (cười).
Bệnh nghề nghiệp của bác sĩ là cứ tập trung làm nhiệm vụ của mình, bỏ ngoài hết thảy các suy nghĩ khác. Giả dụ như tôi cứ ghim trong đầu suy nghĩ đó là vợ tôi thì có lẽ sẽ căng thẳng lắm. Nếu tôi cứ nghiêng về chủ quan về quyền lợi của tôi thì tôi sẽ không thực hiện công việc một cách khách quan.
Hiện tại, nhiều bệnh viện sẽ có quy tắc bác sĩ không được trực tiếp mổ hay điều trị cho người nhà nhưng thời đó có thể linh động. Mà bà xã rất tin tưởng và chỉ muốn tôi mổ thôi. Tinh thần của mỗi người sẽ khác nhau. Tôi cũng tin là bản thân tôi được rèn luyện, trải qua nhiều ca mổ khác nhau rồi nên có thể kiểm soát được cảm xúc chủ quan.
- Trên trang cá nhân, anh thường chia sẻ chuyện cuộc sống thường nhật của bản thân và các bệnh nhân. Vì sao anh không chọn biến MXH thành nơi chia sẻ chuyên môn, nâng cao danh tiếng nghề nghiệp?
Có kiến thức và truyền đạt kiến thức sao cho người khác hiểu là hai việc khác nhau. Chúng ta phải lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với ngôn ngữ của người chúng ta muốn giao tiếp. Nghĩa là làm sao ngôn ngữ của chúng ta dùng phải dễ hiểu và dễ thích nghi.
Ví dụ như chúng ta muốn truyền đạt một kiến thức nào đó thì nên đặt nó vào một bối cảnh cụ thể, đan xen câu chuyện để người đọc dễ hình dung hơn. Không thể viết một bài chia sẻ kiến thức mà chỉ sinh viên y khoa mới hiểu được. Tôi muốn truyền đạt kiến thức sao nhẹ nhàng nhất, thú vị nhất mà phải kích thích người đọc tìm hiểu chứ không phải xây dựng hình tượng một y sĩ nghiêm nghị, lúc nào cũng khó gần, không có sự thấu hiểu, thông cảm cho người khác.
Tôi muốn mọi người khi gặp tôi thoải mái, không cách biệt. Vì tôi biết rằng bản thân cũng chỉ là một công dân bình thường, quan trọng là tôi giúp được những gì cho cuộc đời.
- Anh từng chia sẻ, anh thích cách sống lạc quan, luôn bình tĩnh và động viên tinh thần người bệnh. Theo anh, sự lạc quan có ý nghĩa như thế nào đối trong việc khám, chữa bệnh?
Lạc quan không chỉ có ý nghĩa trong chữa bệnh mà còn cả trong cuộc sống nữa. Trong mỗi ý tứ của bài viết tôi luôn gửi gắm những lời nhắn nhủ riêng để họ có niềm tin vào cuộc sống, phải biết bỏ qua những khó khăn.
Đặc biệt, tôi sẽ không gặp bệnh nhân trong tình trạng bực bội để biết thấu hiểu và thương cho người khác.
- Cụ thể anh đã truyền sự lạc quan, tích cực của mình tới các bệnh nhân và người xung quanh như thế nào?
Khi tôi đỗ y khoa, đó là 1 niềm vui lớn, nhưng cũng là một nỗi lo của gia đình bởi quá nghèo, lấy đâu tiền để đi học. Tôi đã vượt qua nhờ sự hỗ trợ của người thân, bà con trong xóm. Thời sinh viên tôi ở nhờ nhà bạn, phụ giúp dạy kèm cho các em. Khi ra trường tôi được các thầy cô giáo trao cho một niềm tin mãnh liệt để theo đuổi nghề.
Những năm làm bác sĩ nội trú, tôi nghèo đến mức có hôm không có tiền mua cơm, các cô bác ở bệnh viện từng chia sẻ cho tôi từng phần cơm nhỏ.
Những sự giúp đỡ rất nhỏ ấy thôi nhưng bây giờ nhìn lại tôi cảm thấy vô cùng trân trọng. Nhờ đó, tôi luôn biết thấu cảm cho người khác vì những khó khăn ấy tôi đều hiểu hết. Vậy nên tôi vẫn luôn chuẩn bị lì xì cho người khác, dù phong bao lì xì nhỏ xíu nhưng là số tiền khá đối với người khác và khi nhận họ vui lắm.
- Bác sĩ có thể tiết lộ Tết vừa qua anh chuẩn bị bao nhiêu phong bao lì xì không?
Nhiều lắm, tôi không có nhớ hết. Tôi lên kế hoạch chuẩn bị từ giữa năm để tiết kiệm dần. Tôi thường trích tiền đi trực ở bệnh viện, tiền phụ cấp khi tham gia hội thảo… để bỏ vào heo đất cất đi. Ước tính các khoản đó vào khoảng 100 triệu đồng…
Nghĩa là tôi để những khoản tiền đó ra khỏi tầm mắt tôi để không tiêu đến. Chứ rút ra từ tài khoản thì… cũng tiếc đấy (cười).
Đến cuối năm tôi mở ra để đổi tiền mới, mua bao lì xì. Mỗi tối tôi miệt mài bỏ tiền vào bao lì xì rồi sáng hôm sau đi phát. Lúc nào trong cặp tôi cũng có bao lì xì, bệnh nhân đến khám tôi cũng tặng, đến hết tháng Giêng luôn…
Thực sự, giá trị của lì xì không lớn nhưng nó có thể khiến những người được nhận thêm một chút hạnh phúc ấm áp, khi nhận được sự quan tâm từ người khác. Thứ 2 là nó như một món quà khuyến mãi vậy, khiến mọi người có thêm chút niềm vui. Ngày nay người ta thường đề cao lối sống cá nhân nhiều hơn, nhiều người cố thu vào trong một vỏ bọc riêng. Tôi nghĩ, sự sẻ chia, cho đi sẽ khiến cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
- Trên trang facebook, bác sĩ có rất nhiều “fan hâm mộ”. Theo anh, điều gì khiến mọi người yêu thích anh như vậy?
Tôi thường viết về những vấn đề tôi chăm chú, hay còn gọi là có chánh niệm. Để có được những bài chia sẻ hữu ích như vậy, trước hết tôi phải nhập vai, viết từ cái tâm sâu thẳm của mình.
Tôi thường tôi không vẽ ra chuyện. Mà kể lại những thứ xảy ra mỗi ngày quanh tôi, mạch truyện một cách chân thật, chân thành. Tôi dùng những ngôn từ đơn giản, không sợ bị đánh giá là quê mùa vì đó là nét riêng của tôi và tôi tự hào vì điều đó.
Có lẽ, mọi người yêu quý tôi bởi sự thấu cảm, thấu hiểu và cảm nhận được những năng lượng tích cực mà tôi muốn truyền tới người khác.
- Công việc rất bận rộn, anh dành thời gian cho gia đình như nào?
Vợ tôi cũng là bác sĩ thẩm mỹ, là giảng viên của trường y dược. Cả ngày cùng nhau đi làm, khi về thì 2 người đi chung xe nên vợ chồng cũng tranh thủ trò chuyện. Khi về nhà thì cả gia đình sẽ cùng nhau ăn cơm và chia sẻ. Tôi thường nói chuyện với con và bà xã thì dạy con học… Tôi cố gắng thích ứng hoàn cảnh thôi, không thể đợi đến khi đạt được cái này hay cái kia rồi mới chăm lo cho gia đình được.
- Đến thời điểm này, anh có tiếc nuối điều gì trong sự nghiệp của mình không?
Nếu nói về thành công hay không thì tôi chưa dám chắc nhưng cuộc sống hiện tại tôi đã làm chủ được cuộc sống của tôi, thu nhập cũng dư dả, tôi có điều kiện để cho đi nhiều hơn. Dù thế nào đi chăng nữa thì bản thân phải có vốn liếng trong người thì suy nghĩ sẽ thoáng hơn.
Thực ra rất nhiều người giàu hơn tôi nhưng chưa chắc họ đã cho đi. Nên bản thân phải biết thế nào là đủ và thấu cảm.
- Ngày 27/2, ngày tôn vinh nghề thầy thuốc, bác sĩ muốn gửi lời chúc hay những tâm sự nào đến những người đồng nghiệp trên toàn quốc?
Trải qua 24 năm làm nghề, tôi hiểu rằng nghề thầy thuốc còn nhiều khó khăn, đồng lương đôi khi chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta lơ đi lương tâm nghề nghiệp.
Vậy nên mới khuyên các bạn trẻ phải tập trung nâng cao tay nghề, khi các bạn giỏi rồi thì không sợ thiếu gì hết. Bạn phải biết rằng bản thân không thể ngày ngày than vãn về việc lương thấp được. Khi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, tay nghề chưa cao, lương thấp là điều đương nhiên.
Khi đã có kinh nghiệm, các bác sĩ sẽ có được mức lương cao hơn và kiếm thêm được nhiều nguồn thu nhập khác nữa nếu thực sự có năng lực. Vì vậy, các đồng nghiệp của tôi đừng bao giờ ngừng phấn đấu, nỗ lực và lạc quan!
Cảm ơn chia sẻ của bác sĩ!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất