20/05/2022 10:20 GMT+7 | Tin tức 24h
Số mắc COVID-19 mới trung bình trong 7 ngày qua chỉ còn gần 1.800 ca/ngày; thấp nhất trong nhiều tháng gần đây
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 19/5 của Bộ Y tế cho biết có 1.716 ca mắc COVID-19 mới tại 48 tỉnh, thành phố; Trong ngày số khỏi gấp 5 lần số mắc mới; Tỉnh Bắc Giang bổ sung thêm 1.012 ca mắc COVID-19.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.799 ca/ngày. Đây là số mắc mới trung bình 7 ngày thấp nhất trong nhiều tháng qua ở nước ta.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.704.524 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.149 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.696.767 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.596.741), TP. Hồ Chí Minh (609.100), Nghệ An (483.876), Bắc Giang (387.490), Bình Dương (383.759).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là: 9.382.881 trường hợp. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.278.571 trường hợp, trong đó có 206 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 172; Thở ô xy dòng cao HFNC: 19; Thở máy không xâm lấn: 2; Thở máy xâm lấn: 11; Thở ECMO: 2.
Những dấu hiệu sau mắc COVID-19 cần hỗ trợ y tế khẩn cấp
Theo Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 (thường gọi là hậu COVID-19) do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế cảnh báo những biến chứng y khoa có thể xuất hiện trong quá trình phục hồi sau mắc COVID-19 và cần can thiệp y tế khẩn cấp. Cụ thể, người sau mắc COVID-19 cần liên hệ ngay với nhân viên y tế nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm như dưới đây:
- Người bệnh thấy khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng này không cải thiện khi thực hiện bất kỳ tư thế làm giảm khó thở nào.
- Người bệnh có sự thay đổi tình trạng khó thở khi nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật vận động và tập thể dục.
- Người bệnh thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực.
- Người bệnh xuất hiện tình trạng lẫn lộn ngày càng xấu đi hoặc bạn cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói.
- Người bệnh cảm thấy thay đổi cảm giác và vận động trên mặt, tay hay chân, đặc biệt là các dấu hiệu này chỉ có ở một bên cơ thể, và/hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.
Các triệu chứng hậu COVID rất đa dạng: có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 525.498.127 ca, trong đó có tổng cộng 6.296.589 người tử vong. Các nước cũng ghi nhận trên 495 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 38 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 19/5, thế giới có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 58 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế tăng trở lại. Trong 24 giờ qua, Triều Tiên là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 262.000 ca), trong khi Vương quốc Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 169 ca. Theo thống kê của trang worldometers.info, đến ngày 19/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 62 ca tử vong. Trong ngày 19/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 6.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (41 ca). Ngày 19/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Convidecia của hãng dược phẩm CanSinBIO, Trung Quốc, cho người trên 18 tuổi. WHO khẳng định vaccine Convidecia đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 và lợi ích của việc tiêm vaccine này lớn hơn so với rủi ro. Như vậy, Convidecia là vaccine ngừa COVID-19 thứ 11 được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp trên thế giới. Theo WHO, các kết quả thử nghiệm vaccine này cho thấy khả năng ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 lên đến 92%. |
Thái Bình/Theo Sức khỏe & Đời sống
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất