Ngày 15/4, có thêm 775 ca mắc Covid-19 mới, 10 bệnh nhân phải thở oxy

15/04/2023 20:10 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Chiều ngày 15/4, Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận thêm 775 ca nhiễm mới. Tiếp tục ghi nhận trường hợp bệnh nhân nặng phải nhập viện.

Về tình hình dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 14/4 đến 16 giờ ngày 15/4, cả nước ghi nhận 775 ca mắc.

Theo Bộ Y tế kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.530.356 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.523 ca nhiễm).

Ngày 15/4 ghi nhận 10 bệnh nhân thở oxy, trong đó thở oxy qua mặt nạ: 8 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca.

Ngày 15/4, có thêm 775 ca Covid-19 mới, 10 bệnh nhân phải thở oxy - Ảnh 1.

Số ca bệnh, ảnh Bộ Y tế cung cấp.

Trong 07 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp tử vong.

Trong ngày 14/4 có 3.155 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.073.228 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.487.396 liều: Mũi 1 là 70.907.524 liều; Mũi 2 là 68.450.002 liều; Mũi bổ sung là 14.370.087 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.031.380 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.728.403 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều: Mũi 1 là 9.130.472 liều; Mũi 2 là 9.021.223 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.620.849 liều: Mũi 1 là 10.201.977 liều; Mũi 2 là 8.418.872 liều.

Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong những ngày đầu tháng 4, số ca nhiễm mới tại Việt Nam tăng. Tại khu vực phía Bắc có xuất hiện một vài cụm dịch, nhưng nhờ sự vào cuộc xử lý sớm, quyết liệt ở Lào Cai và Hà Nội nên các ổ dịch này được khoanh vùng, không để lây lan.

Căn cứ theo tiêu chí đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế, với số mắc mới COVID-19 hiện nay, đánh giá về mặt sơ bộ, hiện Việt Nam vẫn đang ở vùng xanh, không vượt qua cấp độ 1 của dịch. Kể cả chúng ta có tăng cục bộ số ca nhiễm mới nhưng dịch vẫn đang được kiểm soát tốt.

Giáo sư Phan Trọng Lân khuyến cáo, thời gian tới Việt Nam cần phải theo dõi sát số liệu để có biện pháp ứng phó kịp thời. Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng cho người dân biết để phòng, chống.

Hiện nay, khi phát hiện dịch ở các phường, xã, việc phát hiện sớm nhất, gọn nhất, khoanh vùng nhanh nhất, xử lý dịch tại nguồn, không để ảnh hưởng tới vùng khác, ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội phụ thuộc rất lớn vào từng địa phương. Do đó, các địa phương cần kiểm soát dịch tốt.

Hiện nay, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã gỡ bỏ hết, đã hạ về thấp nhất để trở về bình thường mới.

Ngọc Minh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm