(Thethaovanhoa.vn)
- Giữa những năm 1970, một cử nhân ngành quản trị kinh doanh có tên Roy Raymond bước vào một cửa hàng để mua đồ lót cho vợ.
Roy Raymond vì quá đau buồn đã tìm đến cái chết năm 1993
Trước mắt ông là những chiếc áo ngủ in hoa xấu xí, dưới ánh đèn huỳnh quang chúng càng tồi tệ hơn, còn người bán hàng làm ông cảm thấy như kẻ lầm đường lạc lối ở vị trí đó.
Nhận ra rằng những người bạn nam giới của mình cũng có chung cảm nhận, cử nhân 30 tuổi lập tức nảy sinh ý định mở một cửa hàng đồ lót nữ để làm sao đàn ông cảm thấy thoải mái khi tới mua sắm quà tặng ở đó.
Raymond tưởng tượng ra phòng the của Nữ hoàng Victoria, được trang bị đầy đủ với gỗ tối màu, thảm phương Đông và màn lụa. Ông đã chọn tên “Victoria” bởi muốn gợi lên sự sang trọng, đáng trân trọng và nó cũng là để kết hợp với thời Victoria. Kế đến, anh thêm vào đó chữ “Secret” với ý định gây sự tò mò. Năm 1977, với 80.000 USD tiền tiết kiệm và vay từ người thân trong gia đình, Raymond và vợ thuê một không gian trong trung tâm mua sắm nhỏ thuộc Palo Alto, California. Victoria's Secret ra đời từ đó.
Trong những năm 1950 và 1960, đồ lót là thực tiễn và độ bền. Đối với hầu hết phụ nữ Mỹ, đồ lót gợi cảm chỉ được dành riêng cho các cô dâu trong dịp trăng mật hay kỷ niệm ngày cưới. Đa số coi đồ lót là chức năng, không phải là thứ phục trang có thể tạo cảm giác vui vẻ. Victoria 's Secret đã thay đổi tất cả.
5 năm kể từ khi thành lập Victoria's Secret, Raymond đã mở thêm ba cửa hàng ở San Francisco. Đến năm 1982, công ty có doanh thu hàng năm hơn 4 triệu USD. Dẫu vậy, vẫn có những lỗ hổng trong công thức kinh doanh của Raymond. Theo Michael J Silverstein và Neil Fiske, tác giả của cuốn sách
Trading Up, có thời điểm Victoria's Secret đã suýt phá sản.
Và rồi Leslie Wexner xuất hiện. Người đàn ông này nổi tiếng khi tạo nên sự bùng nổ của phục trang thể thao với cửa hàng mang tên Limited. Đầu những năm 1980, Wexner muốn mở rộng công việc kinh doanh và trong chuyến đi tới San Francisco, ông tình cờ ghé ngang qua Victoria's Secret.
Leslie Wexner
Wexner nhanh chóng nhìn thấy những gì sai với mô hình kinh doanh: do tập trung vào một cửa hàng và sự thoải mái của khách hàng nam, Raymond đã không thu hút được lượng lớn những khách hàng nữ. Wexner phỏng đoán rằng phụ nữ không thoải mái khi ở Victoria's Secret giống như Raymond ở chỗ cửa hàng bách hóa với đèn huỳnh quang sáng chói.
Tuy nhiên, Wexner nhìn thấy tiềm năng của công ty, và trong năm 1982, ông đã mua các cửa hàng của Victoria's Secret với giá khoảng 1 triệu USD. Bước đầu tiên của ông là nghiên cứu các cửa hàng đồ lót châu Âu. Sau đó, Wexner trở về nhà và nghĩ rằng nếu phụ nữ Mỹ đã hứng thú với loại đồ lót sexy và giá cả phải chăng như phụ nữ châu Âu, họ chắc chắn sẽ muốn mặc nó mỗi ngày. Wexner cuối cùng quyết định tạo ra cho công ty mà Ralph Lauren đã thành lập cả thập kỷ trước: Một thế giới đầy tham vọng từ cảm hứng Anh mà người tiêu dùng Mỹ sẽ hào hứng gia nhập.
Đã qua rồi những màu đỏ đậm của các cửa hàng ban đầu, bây giờ đồ đạc được in hoa, mạ vàng, kết hợp với âm nhạc cổ điển và đồ lót ren treo ngay ngắn dưới ánh đèn ấm áp. Các cửa hàng đã trở nên hiện đại và đặc sắc, với những người mẫu trông như vừa mới bước ra khỏi trang bìa của tạp chí Vogue .
Kế hoạch của Wexner đã cho thấy tính hiệu quả. Năm 1995, Victoria's Secret đã trở thành công ty có giá trị lên tới 1,9 tỷ USD với 670 cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Quá trình hoàn thiện, tinh chỉnh hình ảnh thương hiệu chưa dừng lại ở đó. Tới nay, Victoria's Secret là hãng nội y nổi tiếng nhất thế giới với cửa hàng trên khắp châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông. Năm 2012, doanh thu của Victoria 's Secret ước tính trên 6 tỷ USD.
Trong khi thành công của Wexner với Victoria Secret ngày càng lớn dần thì Raymond lại tụt dốc. Sau khi bán công ty cho Wexner, Raymond giữ cương vị Chủ tịch của Victoria's Secret khoảng một năm trước khi mở My Destiny Child, chuỗi cửa hàng bán đồ trẻ em cao cấp có trụ sở tại San Francisco. Nhưng chiến lược tiếp thị nghèo nàn (tập trung quá nhiều vào việc thu hút bậc cha mẹ giàu có) và vị trí cửa hàng bất tiện (ở khu vực đông đúc phương tiện giao thông) đã buộc họ phải nộp đơn phá sản vào năm 1986.
Mất tiền bạc, ly dị vợ, năm 1993, Roy Raymond nhảy cầu Golden Gate tự tử, để lại hai đứa con đang ở tuổi thiếu niên. Dù trải qua cuộc đời đầy bi kịch nhưng sự đột phá về ý tưởng của Raymond luôn được ngành thời trang thế giới công nhận.
Khánh Đan
Theo Independent