Ngành văn hóa, nghệ thuật TP.HCM: Những điểm sáng

29/10/2017 12:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi đất nước thống nhất, ngành văn hóa, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển, tiên phong trong nhiều hoạt động, là tấm gương tiêu biểu, điển hình của cả nước học tập. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, cùng với yêu cầu phát triển xã hội, xu thế hội nhập càng sâu, rộng, sự bùng nổ của khoa học công nghệ, ngành văn hóa nghệ thuật thành phố cần có những bước chuyển mình hơn nữa để phát triển một cách bền vững.

Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, Thành phố Hồ Chí Minh dương cao ngọn cờ “cùng cả nước, vì cả nước” nhanh chóng trở thành đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã tăng cường đội ngũ văn nghệ sĩ cả về chất và lượng. Đặc biệt, “điểm sáng”được nhắc đến nhiều nhất là xã hội hoá lĩnh vực sân khấu và văn học , đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo người dân thành phố.

Tự hào sân khấu thành phố

Chủ trương đổi mới của Đảng từ năm 1986 đã thay đổi toàn diện,  cuộc sống tinh thần của người dân đã thoáng hơn, chuyển động từ đóng sang mở. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 60 đơn vị tư nhân với thiết chế văn hóa theo phương thức xã hội hóa, 15 sân khấu kịch tư nhân đang hoạt động, thường xuyên đầu tư kịch bản mới, vở diễn mới.

Tiết mục hợp xướng “Dạ cổ hoài lang” dược trình diễn tại một sân khấu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Tiết mục hợp xướng “Dạ cổ hoài lang” dược trình diễn tại một sân khấu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ từ chủ trương xã hội hoá, văn học nghệ thuật đã có sự thông thoáng, cởi mở trong hoạt động sáng tác, biểu diễn. Nhân dân được tiếp cận nhiều cái mới, lạ của văn hóa, khoa học thế giới. Thành quả là Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm lớn của loại hình sân khấu cải lương và sân khấu kịch nói với việc quy tụ nhiều tinh hoa của làng nghệ thuật biểu diễn khu vực và cả nước.

Những năm 1997 đến 2010, phương thức xã hội hóa tại thành phố đã đạt đỉnh cao, là cái nôi của sân khấu thử nghiệm trong cả nước. Hàng loạt những vở diễn tầm cỡ như: “Tiếng giày đêm”, “Dạ cổ hoài lang”, “Lôi vũ”, “Chuyện bây giờ mới kể”…đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới mộ điệu. Hàng đêm tại Sân khấu nhỏ 5B, Sân khấu kịch Idecaf, hàng nghìn lượt khán giả đến xem, thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần mang tính thẩm mỹ cao. Khán giả được tận mắt xem tài năng diễn xuất của những nghệ sĩ mình mến mộ như Thành Lộc, Hồng Vân, Kim Xuân…

Để tiếp tục thỏa mãn nhu cầu của khán giả, nhiều sân khấu mới xã hội hóa tại thành phố liên tục được "ra đời" như: Sân khấu Phú Nhuận, Sân khấu Kịch Sài Gòn, Nụ Cười mới… Khán giả càng thêm thỏa lòng với nhiều vở diễn sâu sắc, “bóc” trúng vấn đề xã hội quan tâm, thậm chí “cơn sốt” nhà nhà xem kịch dẫn đến tình trạng vé chợ đen như kịch: “Mẹ và người tình”; “Tấm Cám, Thạch Sanh - Lý Thông”…

Với những “món ăn” tinh thần làm nức lòng giới mộ điệu, bà Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động nghệ thuật theo phương thức xã hội hóa đã được giới văn nghệ sĩ thành phố phát huy một cách hiệu quả, là niềm tự hào của những người làm nghệ thuật cho đến tận bây giờ.

Văn học khởi sắc

Cùng thời điểm, lĩnh vực văn học tại Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động sôi nổi, gắn liền với đời sống người dân. Rõ nhất là các loại hình và thể loại văn học đã được mở rộng, thúc đẩy hiệu quả sáng tác. Đã xuất hiện nhiều đề tài phong phú, bao quát từ lịch sử dân tộc, cách mạng đến nhiều khía cạnh đa dạng của đời sống đương đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim, Trưởng ban Lý luận phê bình, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, chia sẻ: Ba mươi năm đổi mới đã tiếp sức mạnh mẽ cho công cuộc phát triển văn đàn thành phố. Tại các cửa hàng sách, phố sách ngày nay, người đọc dễ dàng nhận thấy mức độ đa dạng và phong phú của “thế giới sách” từ thể loại sách viết đến sách dịch.

Cùng với đó, đội ngũ sáng tác thơ trẻ tạo nên dấu ấn trong đời sống văn học như nhà thơ: Nguyễn Công Bình, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phan Thị Vàng Anh, Phan Hoàng… Từ năm 2000 đến nay, diện mạo thơ ca thành phố là lực lượng nhà thơ trẻ đã tạo nên sức sống mới thông qua số lượng tác phẩm đa dạng và phong phú như tác giả: Ly Hoàng Ly với “Cỏ trắng”, “Lô Lô”, “Quà”; tác giả Lê Thiếu Nhơn với “Bài ca phía mặt trời”, “Dốc gió”; “Phố Tình riêng”…

Thêm vào đó, truyện ngắn thông qua báo chí trong suốt 30 năm qua với hàng triệu lượt người đọc mỗi tuần là nỗ lực không hề nhỏ của giới văn sĩ. Các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh niên, Công an, Pháp luật, Phụ nữ…đã dành nhiều trang báo, chuyên mục đăng tải sáng tác văn học, giới thiệu đến bạn đọc.

Qua đó, hàng ngàn truyện ngắn đã được in, tổng hợp thành các sách tuyển tập truyện ngắn như: “Tuyển tập 20 năm truyện ngắn Báo Thanh niên - 1986 - 2016”; tuyển tập ngắn hay báo Tuổi Trẻ Chủ nhật… Trong các tuyển tập này đã tập hợp đội ngũ sáng tác văn học hùng hậu, chiếm ưu thế là những tác giả sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Đoàn Thạch Biền; Ngô Thị Kim Cúc; Lê Văn Nghĩa; Nguyễn Ngọc Thuần; Trần Nhã Thụy…sau này là đội ngũ tác giả trẻ 8X, 9X, mang đến tín hiệu vui cho mảng văn chương trong những thập kỷ đầu thế kỷ 21.

Theo Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, ba mươi năm qua, các tuyển tập truyện ngắn hay của các báo trong miền Nam và truyện ngắn in ở các báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) mà trong đó có nhiều tác giả của Thành phố Hồ Chí Minh là thành tựu lớn của văn học hiện đại Việt Nam.

“Đây là những tác phẩm văn học có giá trị thực sự, có đời sống của nó, thông qua “con đường” báo chí đã đến với người đọc và cùng “tương tác” với người đọc. Qua đó, giúp đời sống văn hóa tinh thần người dân phong phú, đa dạng, có ý nghĩa hơn”, bà Bích Ngân bày tỏ.

(Còn tiếp)

Gia Thuận (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm