Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng

23/04/2024 14:55 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 2 thành viên.

Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc đấu thầu vàng miếng lần này là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng gửi các tổ chức tín dụng doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng. Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian tổ chức đấu thầu vào lúc 9h sáng ngày 23/4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (thành phố Hà Nội). Địa điểm giao nhận vàng tại Chi cục phát hành và kho quỹ - Ngân hàng Nhà nước, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tham gia buổi đấu thầu tại trụ sở NHNN. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital - cho biết, việc đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm đối diện với nhiều điểm khác biệt trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi. Năm 2013, việc đấu thầu vàng diễn ra khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm, còn năm 2024 là khi giá vàng trong nước và thế giới liên tục leo thang. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước với khoảng 14 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia kinh tế thì đấu thầu vàng là một trong những biện pháp cần thiết để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC và để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Ngân hàng Nhà nước đẩy một khối lượng vàng vào thị trường sẽ làm giảm nhiệt "cơn sốt" hiện nay. Hiện tại, nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu, đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông chắc chắn nó sẽ làm giá vàng giảm . Nhưng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, nếu muốn giá vàng giảm sâu hơn, kéo gần thêm khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới thì cần thêm nhiều phiên đấu thầu chứ không chỉ một phiên ngày hôm nay.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế thì đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết  tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng - Ảnh 2.

Ảnh: Trần Việt - TTXVN

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay nhưng sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý .

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định đấu thầu vàng vẫn chỉ giải cơn "khát" vàng, vấn đề ở đây là cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cần xóa độc quyền vàng miếng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc này. Bên cạnh đó, cần thành lập sàn vàng và làm sao kéo được số vàng còn nằm trong dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Thực hiện đồng bộ giải pháp mới giúp thị trường vàng ổn định, nếu không thị trường vẫn sẽ còn biến động.

Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối  (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời đã lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Chính phủ chủ trương nên sửa nghị định này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thêm nhiều thương hiệu vàng khác.

Để quản lý bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có các văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý thị trường vàng, đồng thời có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính phối hợp, yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.

Bên cạnh đó, tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả.

Bộ Tài chính, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ đấu thầu.

Với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...

Ngoài ra, phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý thị trường; kịp thời phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật liên quan và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá.

Đặc biệt, thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; áp dụng hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua, bán vàng, đặc biệt là mua, bán vàng miếng.

Với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ngân hàng Nhà nước yêu cẩu khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ, Công an…) tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị; xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền (nếu có).

Thùy Dương/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm