Nghi vấn 'đạo thơ' của Phan Huyền Thư: Thời điểm sáng tác không phải là căn cứ duy nhất

21/10/2015 05:16 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cả hai nhà thơ Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan đều đưa ra mốc thời gian sáng tác (1996 và 2000) và thời điểm công bố tác phẩm làm cơ sở chứng minh họ là chủ nhân của 2 bài thơ giống nhau, Bạch lộ Buổi sáng. Nhưng theo luật sư Trung tâm tác quyền, con số thời điểm chỉ là định lượng.

Thể thao & Văn hóa liên hệ với Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC). Theo Trung tâm, cả hai nhà thơ đều chưa ủy quyền 2 tác phẩm trên cho họ nên vụ tranh chấp này chưa thuộc thẩm quyền của Trung tâm. Mặc dù vậy, luật sư của VLCC đưa ra phân tích về cơ sở pháp lý trong trường hợp này.

Tác phẩm của ai, người đó sẽ chứng minh được trước tòa

Hiện nay, cả người trong cuộc và dư luận đều tập trung vào việc Phan Huyền Thư có bằng chứng cho thấy chị sáng tác bài thơ Bạch lộ từ năm 1996, hoặc có ấn phẩm đăng tải bài thơ này trước năm 2003, thời điểm mà Phan Ngọc Thường Đoan công bố bài Buổi sáng trong tập thơ Đếm cát.

Phần lớn cho rằng, bên nào chứng minh được mình sáng tác hoặc công bố tác phẩm trước sẽ chiến thắng. Nhưng trao đổi với Thể thao & Văn hóa, VLCC cho biết: “Điều kiện bảo hộ tác phẩm được quy định từ khi tác phẩm được hình thành và định hình dưới dạng vật chất nhất định, tức không còn là ý tưởng trong đầu mà chỉ cần viết ra giấy, không cần thiết phải công bố hay mang đi đăng ký quyền tác giả”.


Nhà thơ Phan Huyền Thư với tập thơ "Sẹo độc lập"

Vì vậy, chỉ xét riêng điều kiện “ai công bố tác phẩm trước” để xác nhận người nào là tác giả thì “không hẳn là đúng”, theo VLCC. Đó chỉ là một trong những cơ sở để xem xét về quyền tác giả mà thôi.

“Trong trường hợp tranh chấp tác phẩm, khi ra tòa, bao giờ người ta cũng xem xét hai yếu tố: định lượng và định tính. Thời điểm công bố chỉ là một yếu tố định lượng. Trong khi đó, yếu tố định tính rất quan trọng. Đó là thẩm phán đưa ra những câu hỏi, quan sát và cảm nhận tinh tế để đánh giá ai mới là tác giả thật. Tóm lại, mọi chuyện không phụ thuộc hoàn toàn vào thời điểm công bố”.

Theo phân tích của VLCC, tòa án sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để xác minh. “Tác giả thật sẽ nắm được những thông tin, hoàn cảnh, hiểu được các ý nghĩa đằng sau câu chữ mà người kia không thể nào biết được” – luật sư cho biết. Thậm chí, có những trường hợp, để tránh bị đạo tác phẩm, tác giả còn lồng vào tác phẩm những chi tiết, câu cú, chữ nghĩa… chỉ riêng họ giải mã được.

Cách đối chất như trên chỉ được thực hiện khi hai bên đưa nhau ra tòa án. Nhưng các vụ việc tranh cãi về đạo ý tưởng, đạo thơ, đạo văn gần đây đều chưa có vụ nào được xử lý tại tòa án. Hầu hết đều gây xôn xao một thời gian rồi chìm vào im lặng, không đi đến phán quyết rõ ràng. Tuy nhiên, giới sáng tác vẫn chưa có thói quen kiện tụng, vì tòa án ở Việt Nam chưa có một ban chuyên trách để xử lý các vấn đề bản quyền văn học. Các vụ kiện bản quyền văn học chưa có tiền lệ.

Nhà thơ nên có ý thức hơn về tác quyền

Vụ Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan chỉ là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ tranh chấp tác quyền văn học trong vòng mấy tháng trở lại đây. Trước đó, dư luận từng xôn xao khi họa sĩ Thăng Fly tố cáo công ty truyền thông Sunrise đạo cốt truyện phim hoạt hình Ba tôi, ông Ngô Xuân Phúc tố cáo nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đạo bài thơ Tổ quốc gọi tên, và chính Phan Huyền Thư bị tố cáo đạo một câu thơ của Du Tử Lê mới đây.

Theo nhà thơ Đỗ Hàn, Phó Giám đốc VLCC, các tác giả văn học “nên có ý thức rõ ràng hơn về quyền tác giả. Trong các tranh cãi như thế này, mỗi bên đều phải có chứng cứ. Nhưng vụ này và nhiều vụ khác, cách giải quyết triệt để nhất là đưa ra tòa, vì các tác giả đều không ủy quyền cho Trung tâm”.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm