Ngẫm ngợi cuối tuần: 'Rừng ơi ta đã về đây' (*)

19/09/2015 12:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Có lúc tôi muốn hỏi quan chức ngành nông, lâm nghiệp rằng: Ông biết nhiều về rừng không? Có bao giờ ông so sánh 1 héc ta rừng với một héc ta ruộng châu thổ, nếu biết đầu tư khai thác, cái nào đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn không?

Muốn hỏi vì thấy rừng bị phá vô lối và kinh tế rừng thấy rất ít khi được bàn đến. Chuyện trồng rừng cũng có vẻ đơn giản là chỉ để phủ xanh đồi trọc.

Ruộng châu thổ chỉ có hạt thóc, năm hai vụ, và cố thì thêm vụ màu. Phải chăng rừng chỉ có gỗ?

Còn đất rừng thì sao?

Tôi đặt vấn đề nêu trên khi nhìn qua cách điều hành nông nghiệp và nông thôn. Ở góc nhìn của tôi, cái mô hình “nông  thôn mới” không quan trọng bằng cách nhìn mới về đất đai và cách khai thác mới là thiết thực.

Cái nông thôn mới làm không khéo sẽ thành cái vỏ hình thức rồi sẽ tan nát. Nhưng cách nhìn đất và rừng  mới sẽ gợi cho cách đầu tư đem lại lợi ích cho ngay người sống trên ruộng, trên rừng. Còn đất nước chắc chắn sẽ khá lên về thực chất và nông thôn sẽ tăng giá trị về vị thế!

2. Rừng cho môi trường sống trong lành, ai cũng biết. Bao đời nay, người trên núi khai thác rừng từ mặt đất, dưới đất và lưng chừng cây. Ngoài cây lương thực như ngô, lúa, các loại củ..., còn có cây ăn quả, dược thảo, cây đặc sản, cây lấy gỗ, và chim muông thú rừng nữa. Còn cái giá trị rừng giữ nước, tán xanh rừng điều tiết sinh thái  là chưa kể đến...

Ngày còn bé, cùng bố nằm chõng tre ngoài sân ngắm sao đêm Hè, tôi nghe bố bảo: "Tam sơn tứ hải, nhất phần điền", nghĩa là trái đất ba phần núi, bốn phần biển, ruộng đất cho lúa nước có một phần thôi. Nhớ đến bây giờ.

Rừng nhiệt đới của ta từng nhiều nhưng bị tàn phá mà không được đầu tư. Có một thời bài ca người thợ rừng: “Rừng ơi ta đã về đây”... Ta đã về theo cách đem cưa máy hạ sát cây rừng!

Thì ra lúc ấy, người ta chỉ nhìn thấy tài nguyên rừng là khai thác gỗ, còn các giá trị khác của rừng như lâm sản từ rừng, động thực vật rừng chẳng ai biết gì cả, chỉ biết sức khai thác tùy hứng. Đến khi biết ra, có lệnh bảo vệ thì quen ăn rồi, người ta khai thác trộm! Nạn phá rừng trộm gỗ giờ vẫn xảy ra thường xuyên, và vẫn là nhìn vào rừng chỉ thấy gỗ, mà không cần thấy thấy gì khác.

Tất nhiên khi rừng mất cây, mất tán thì đất bị đá ong hóa và sa mạc hóa dần. Rừng không còn thì đất rừng mất dần sinh khí vì khô kiệt nước, thảm thực vật tàn lụi đi, động vật hoang dã cũng mất môi trường sống...

“Rừng ơi, ta đã về đây”. Tôi vẫn mong nghe thấy lời hát ấy, nhưng về đây không  phải mang cưa đục tàn phá, mà đem cách nhìn mới về rừng, về đất rừng cho rừng hồi sinh, đem lại lợi ích lớn cho đất nước.

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

(*): Tít bài do Thể thao & Văn hóa đặt từ câu hát trong Bài ca người thợ rừng (Nhạc & Lời: Phạm Tuyên)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm