10/08/2024 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Cuộc sống trong gia đình cũng có khi "người ngược kẻ xuôi" nữa là chuyện xã hội. Nó luôn luôn nảy sinh nhưng mâu thuẫn lợi ích phải giải quyết, nên ta phải luôn tìm hiểu để có ứng xử cho phù hợp. Muốn tất cả chỉ theo ý mình là chuyện không bao giờ có.
Xưa, ông cha ta dạy cách sống: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Đó là cách chọn lựa phù hợp để tồn tại.
Cha ông ta lại có bài đồng dao rất hay, xin chép ra đây cho mọi gười cùng đọc: "Ông giăng xuống chơi nhà tôi, có nồi cơm nếp, có đệp bánh chưng, có lưng hũ rượu, có thiếu đánh đu, bồ cu vẽ chài, cái chai xách giỏ, mẹ đỏ ẵm con, cái lon xách nước, cái lược chải đầu, con trâu cày ruộng, cái muống thả ao. Mày tát chuôm tao, tao tát chuôm mày, mày đầy giỏ cá, tao đầy giỏ tôm, mày bán chợ Hôm, tao bán chợ Dền, mày canh cửa đền, tao canh cửa vua, mày làm mắm chua, tao làm mắm thính…".
Hãy để ý, nửa trên của bài đồng dao, cuộc sống yên bình suôn sẻ, ai vào việc nấy, vật nào chỗ ấy, hợp lý. Nửa sau, lúc đụng độ, (Mày tát chuôm tao…), thì sinh chuyện. Nhưng trong câu chuyện là tìm cách ứng xử hợp lý chứ không xung đột vũ lực, dù vẫn đối đầu. Trong bài đồng dao thì sự đối chất hai bên là tương xứng, ai cũng có cách hợp lý giữ mình để bảo đảm quyền lợi của mình. Muốn thế phải vận động, phải thông minh.
Thì ra chuyện đụng chạm quyền lợi giữa con người tồn tại từ ngàn xưa chứ đâu phải hôm nay mới xảy ra. Nhưng cách giải quyết của cha ông mình dạy lại con cháu qua bài đồng dao mới hay làm sao.
Người xưa lại nói: phúc họa khôn lường. Nhưng lại có câu: "Trong phúc chứa họa, trong họa có phúc". Vượt qua được họa cho người ta mạnh mẽ thì đó là phúc. Khi phúc đến mà không cẩn thận thì rước họa vào thân, điều đó miễn ví dụ vì thực tế nhãn tiền đã có nhiều chuyện xảy ra xưa nay.
Hạnh phúc là phải đấu tranh, cũng có nghĩa là khi khôn khéo vượt qua những cửa ải trong cuộc đời thì sẽ có thành quả. Hạnh phúc là thế.
Thế giới biến động, các mối quan hệ nay nóng mai lạnh trong cuộc sống luôn xảy ra, khi nhiều khi ít, không to thì nhỏ nhưng không bao giờ là không có. Chính vì thế mà cha ông ta đã tổng kết thành những bài học nhẹ nhàng, nhắc dạy con cháu để biết mà ứng xử trong khi cơm không lành, canh không ngọt, cho mọi chuyện trôi qua êm thắm. Vì thế, mọi người đừng quên những lời dạy của cha ông để ứng xử cho đúng đắn, ví như bài đồng dao trên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất