Ngẫm ngợi Cuối tuần: Nhớ thời 'ăn mắm mút giòi'

18/07/2015 18:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Xã hội đang phân hóa mạnh, đang hình thành một lớp người mới, người đô thị. Đó là lớp người trẻ trung, có tri thức, kiếm được tiền, biết hưởng thụ ngay mà không cố “ăn mắm mút giòi” như tiền kiếp...

1. Trưa qua theo một người bạn vào ăn ở nhà hàng một khu chung cư lớn. Bạn giới thiệu đây là thiết kế theo kiểu Singapo. Một chung cư có tầng hầm để cả trăm xe, có nơi vui chơi cho trẻ, có các tầng phục vụ hàng hóa, có tầng đủ thứ hàng ăn, món ăn từ mặn đến ngọt. Nói tóm lại là đủ thứ tiện nghi cho tất cả ai vào đây từ ăn đến mua bán, nghỉ ngơi...

Có đến hai quầy phục vụ ăn uống món ăn Nhật Bản. Các nhân viên phục vụ mặc áo đen có trang trí chữ Nhật và hình màu cam trên áo. Tất cả đón khách bằng khom lưng cúi chào, nụ cười nhã nhặn nở trên môi và rồi sau đó là chỉ dẫn tận tình. Đặc biệt là các em đều trẻ trung và nhanh nhẹn. Tôi đùa: Các cháu người Nhật mà thạo tiếng Việt ghê quá, học bao giờ?

Là người Việt Nam cả, mà ứng xử cho cảm giác như mình đang trên “xứ Phù Tang”. Chả bù cho chuyến đi tuần trước của tôi ra đảo Quan Lạn dừng chân ở một khu ăn uống lớn trên đường khi qua thị trấn Sao Đỏ. Cũng các nhân viên trẻ trung nhưng phong cách mậu dịch thuở xưa đậm đặc và đặc biệt là khu ăn uống bẩn hơn thời bao cấp.

Tất nhiên, như các cụ ta thường nói: “Tiền nào của nấy”. Suất cơm ăn quầy hàng Nhật đến trên 150 ngàn đồng. Một bữa cơm có nụ cười, có rau canh thịt trứng mỗi thứ một tí nhưng đầy đủ cân bằng.

2. Tôi liếc sang bàn ăn bên, một mâm sáu em gái cỡ tuổi ngoài 20. Các em ríu rít ăn uống, vui vẻ. Bạn tôi bảo họ đều đi làm quanh khu vực này, ăn uống ở đây rất tiện.

Tôi thẫn thờ phát hiện ra một điều: Xã hội đang phân hóa mạnh, đang hình thành một lớp người mới, người đô thị. Đó là lớp người trẻ trung, có tri thức, kiếm được tiền, biết hưởng thụ ngay mà không cố “ăn mắm mút giòi” như tiền kiếp. Cái thứ “ăn mắm mút giòi” dành tiền mua đất cát tự biến mình thành địa chủ một thời để rồi chịu tội “bóc lột” đó nghe buồn cười mà đau đớn. Chắt chiu dành dụm tí của hơn người nhưng đâu có được hưởng thụ gì!

Về điểm này thôi thấy xã hội giờ đang như cái củ khoai, và lớp người trẻ tuổi đó như những mắt mầm dang nhú, hứa hẹn một sự đổi thay trong cách sống cách nghĩ và sẽ là lớp người thay đổi xã hội.

Tôi chợt chạnh lòng nghĩ về vùng đất quen thuộc thôn quê và miền núi của mình, thấy cuộc sống ở đó luôn dịch chuyển chậm và đương nhiên ở đó sẽ tồn đọng cái nghèo lâu dài. Nghèo tiền bạc ăn uống là cái nhỏ. Cái nghèo lớn nhất là nghèo tri thức, khoa học sống. Nghèo nhiều mặt lắm. Sống ở thế kỉ 21 mà chỉ bằng kinh nghiệm thì còn gì buồn hơn.

Nhưng đó là một thực tại. Nó chỉ được gỡ ra khi nền giáo dục đi đúng hướng. Khi đó mới dỡ được cái vật cản làm cho cuộc sống trì trệ, chứ không phải chính sách ban xuống là xong. Đổi mới phải từ con người, chính sách chỉ là thứ hỗ trợ!

3. Cái Bách hóa tổng hợp trên phố Tràng Tiền ngày trước là cái mậu dịch to nhất Thủ đô, giờ đây nó dành cho tầng lớp trung lưu vào đó mua sắm và ăn uống. Mới đây nhất, đã bắt đầu có quầy bán những viên kim cương đắt tiền tỉ. Hỏi bạn: Ai mua thứ đó? Bạn cười bảo: Người có tiền. Có những người vào sắm một lúc ba bốn trăm triệu đồng…

Đất nước hôm nay đang dịch chuyển trong nhọc nhằn. Nhọc nhằn vì đâu? Có nhiều nguyên nhân lắm. Nhiều người đã nhận ra mà chưa thể thay đổi được ngay. Nhưng qui luật đào thải sẽ chẳng chừa bất cứ ai. Chỉ có điều người chèo lái mà đưa nhanh được thuyền ra giữa dòng chảy, đỡ vướng rác rến thì chuyến đi sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Chúng ta vẫn có quyền hy vọng!

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm