Ngẫm ngợi cuối tuần: Nghề viết của tôi

21/06/2024 15:35 GMT+7 | Văn hoá

Ngẫm nghĩ về viết lách sau hơn 20 năm mới thấy đúng như một cuốn phim ngắn, như chuyện của hôm qua.

Tôi yêu văn chương từ ghế nhà trường, từ những buổi đọc truyện ngày thứ 7 hàng tuần. Những năm 60 của thế kỉ trước, sách báo hiếm như vàng. Cứ chiều thứ 7, thầy dạy Văn Trần Thanh Hải, người Cầu Giát xứ Nghệ, thường dành 2 tiết cuối đọc truyện cho các trò. Chủ yếu là truyện tình báo. Không biết bạn khác thì sao, nhưng tôi thì dỏng tai thu lấy từng lời và chờ thứ 7 tuần sau.

Tốt nghiệp phổ thông thi vào tổng hợp Văn, trượt, được gọi đi sư phạm ở một tỉnh miền Trung, nhưng lúc đó thấy xa xôi quá, thế là bỏ về đi cày. Tuy vậy thói ham đọc vẫn nguyên trong người. Có cơ hội mượn được sách là mượn, là ngấu nghiến bất kể là sách gì. Có cuốn đọc không hiểu nhưng vẫn đọc bằng hết.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Nghề viết của tôi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ba năm ở đồng quê, đi cày nhưng mua báo Văn Nghệ, và viết ca dao châm biếm, rồi bắt chước vẽ biếm họa đả kích. Một số báo như Văn nghệ quân đội, Văn Nghệ, Chính nghĩa và nhiều nhất là báo Việt Nam độc lập sửa lại cho dùng. Thành ra tình yêu sách báo có chỗ  dựa và có cơ hội phát triển.

***

Những năm 80 tôi thích mục Tản mạn của báo Lao động. Cứ vào thứ 4  hàng tuần lại có mục đó. Tháng 4 kỳ. Tôi  thích thú cắt bài đó dán và một tập thỉnh thoảng đọc lại. Rồi tập viết gửi đại cho báo dù chẳng quen ai ở tòa soạn. Rồi đôi bài được đăng, nhưng bị cắt tỉa dã man. Hồi ấy, bài mục Tản mạn khống chế trong vòng 300 từ trở lại.

Không ngờ cái ô màu vàng đầu tiên đã dạy cho tôi viết ngắn. Viết ngắn khó vô cùng. Đó là thử thách khốc liệt với người viết, phải chọn từ sao cho đắt. Tôi nghĩ nếu có dạy viết văn thì hạn chế chữ là bài học đắc dụng nhất để luyện nghề... Sau này tôi được Việt Văn, phóng viên của báo, nói lại: Bài anh chủ yếu do Bùi Việt Phong biên tập. Khi tôi biết thì nhà thơ Bùi Việt Phong đã mất, nên chẳng một lần biết mặt để cảm ơn người biên tập nhưng là người thầy vô hình của mình.

Nhưng lúc ấy viết rất chậm và chỉ viết được những điều mình hiểu nhất. Vốn liếng cạn dần, vậy mà một hôm Đăng Bảy, biên tập viên của tờ Văn Nghệ gợi ý viết cho tờ Văn nghệ miền núi sắp ra. Tôi bảo không viết được đâu, cầm bút thì chữ nghĩa chạy sạch, nào mở đầu, thân bài kết luận, những nguyên tắc mơ hồ từ trường phổ thông như những cái nút chặn đường... Nhưng Đăng Bảy bảo: có quái gì khó, anh cứ viết như anh kể chuyện ấy, về tôi biên tập lại. Tôi thầm nghĩ, thế thì may viết được. Và bập vào viết.

Lúc ấy chưa biết dùng vi tính, viết tay rồi đưa ra hàng thuê đánh, in 2 bản, một bản giữ, một bản gửi báo. Sau đem bài đã in so với bài gốc, xem cắt gì, sao lại cắt và thêm gì. Sau một năm thì bài viết gọn hơn và chắc chắn hơn.

***

Giờ dần hiểu ra, nghề viết như cái dây leo. Yêu viết chỉ là cái mầm, cái mầm lớn lên phải có chỗ tì. Chỗ đó là nơi dùng bài của mình. Nơi dùng như cái cây cho mình leo bám và phát triển. Chẳng ai viết chơi mà thành được. Biên tập viên báo chí, xuất bản luôn là những bà đỡ đặc biệt.

Sau năm 2000, tôi lõm bõm năm viết được vài bài, thì tôi được Thể thao và Văn hóa mời giữ chuyên  mục. Tôi giãy nảy, chơi đùa tí thì được nhưng giữ chuyên mục tuần một bài thì sao gánh nổi. Có khi cả tháng chẳng có gì hé ra. Biên tập viên trẻ của báo điềm đạm bảo: Trong tay cháu có 5 bài của chú. Chú viết thêm 5 bài nữa rồi cháu bắt đầu cho đăng. Khi ấy chú lại tiếp tục viết. Chắc chắn chú làm được. Tôi không tự tin lắm, nhưng chậc lưỡi, cứ thử xem sao. Lại thêm một ý kiến khoát đạt nhất làm tôi hào hứng: không định hướng đề tài, chỉ yêu cầu viết về văn hóa, gì cũng được, đó là "mảnh ruộng" báo dành cho.

Thế là chuyên mục Ngẫm ngợi cuối tuần vào thứ 7 ra đời. Tôi viết và tự vẽ minh họa cho mục của mình...

Tôi giữ mục ấy đến nay trên 20 năm. Có thời gian đứt đoạn vì ốm đau nhưng không bỏ. Khỏe lại viết. Có lẽ đây là mục tôi giữ  kéo dài nhất với một tờ báo. Mà tờ báo cũng giữ mục này lâu nhất. Tờ Lao động khai tâm cho tôi lối viết, cũng bỏ ô màu vàng Tản mạn lâu rồi.

Hoạ sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm