Ngẫm ngợi cuối tuần: Nếp sống của rừng

05/01/2025 09:07 GMT+7 | Văn hoá

Mấy năm hồi đánh Mỹ, lớp học tôi sơ tán trong rừng Khe Mo, phía Linh Nham, Thái Nguyên. Rồi bom đánh gần trường, lại sơ tán tiếp lên rừng Bắc Sơn, gần xã Tân Thành. Lớp tôi có người Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Giáy trong tổng sĩ số 17.

Chú Bàn Toàn Chỉnh nhỏ nhất là cháu họ nhà thơ Bàn Tài Đoàn cùng lớp vẽ. Tôi ở với cậu ấy mấy năm học nên biết thêm rất nhiều điều về rừng. Cậu ấy văn hóa có lớp 4, nhưng kiến thức về núi rừng cỏ cây chim thú thì thật uyên bác. Cái gì cậu cũng biết mà biết thấu đáo: phân loại cỏ rả, chim thú, thuộc tính nết từng loài, công dụng từng loại.

Năm 1968, rừng Bắc Sơn còn thâm u lắm. Lớp học chúng tôi nằm sâu dưới tán cây rừng, trên triền cao của một con suối không tên. Bên dòng suối có cây sấu đại thụ 5 đứa học sinh chúng tôi giăng tay nhau ôm không hết vòng. Bạnh gốc sấu nghiêng như sườn núi, to như sống lưng con trâu mộng, ngả bóng trên dòng suối nước xanh mắt mèo. Đứng trên thành đá cao nhìn xuống, thấy đàn cá chầy đất, bụng trắng lóa, đuôi và hai vây bụng màu đỏ cờ, con đầu đàn lừ lừ dắt cả đàn trên chục con, bơi nối đuôi nhau như sợi dây dài. Giang sơn của chúng, chúng cứ sống tự tại và bình yên.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Nếp sống của rừng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Đói rau, thèm thịt. Nhưng giũa rừng, xa làng bản, để kiếm được rau nấu canh, mấy anh chị cấp dưỡng thỉnh thoảng phải quần quật đánh vật với chiếc xe đạp cà tàng, đi hàng chục cây số ra chợ Ngả Hai mới có. Xe phải dắt nhiều hơn đi vì đường rừng lởm khởm đá. Quả tình, nhớ lại cảnh đó ai cũng rùng mình mà rồi tất cả cũng qua.

Cá dưới vực sâu mấy mét nước, không có dụng cụ đánh bắt, chẳng có cước làm dây câu, đành xem chúng bơi như cá cảnh. Đói thì lần xuống bãi đá nhặt quả doi rừng, bé như quả sung, nhưng khá ngon bởi vị ngọt của nó. Nhặt mãi rồi cũng hết.

Thế là cậu Chỉnh rủ tôi làm cạm, đặt bẫy chuột rừng, sóc rừng, gà gô... để cải thiện. Dưới lớp mùn lá rừng dày và ấm, cỏ cây mọc bờm xờm, Chỉnh vạch tìm lõng (lối đi) các con thú nhỏ. Chả là đêm tối, thú nhỏ thường theo lõng mò xuống ven suối uống nước. Nhìn vết chân, nó chỉ tôi đây lõng gà gô, kia lõng chuột rừng và kia đường sóc đi, để đặt cạm.

Nó bảo với thú rừng, con nào đi lõng ấy, chúng không đi vào lõng của nhau. Mà y như rằng, chuột sóc, chim hôm sau rơi vào cạm đúng như nó nói, không hề nhầm lẫn. Chúng theo lõng của mình và sập bẫy. Thỉnh thoảng chúng tôi có bữa ăn tươi, món thịt của rừng xanh ban tặng. Hồi đó, việc săn bắt những con thú nhỏ này dĩ nhiên là việc bình thường, không phải là vấn đề gì về môi trường.

Sau nữa tôi còn biết thêm, nếu đi lạc vào lõng của nhau, buộc phải xảy ra trận chiến thì con vật đi sai lõng thường vừa chống đỡ vừa tìm đường rút, không quyết liệt như con chính lõng. Vậy ra thú rừng cũng biết tôn trọng khoảng trời riêng của từng loài, tránh xâm phạm nhau.

Rừng có luật của rừng. Sống giữa rừng sâu, núi thẳm dần mới biết thêm rừng có bao nhiêu điều bí ẩn mà con người chưa biết hết. Người ta hay nói "luật rừng" như thứ vô thiên, vô pháp, nhưng đó là nhầm lẫn, chỉ riêng chuyện lõng đi của chuột rừng, sóc rừng, gà gô người ta đã thấy rừng cũng có luật bất thành văn để có một nếp sống rừng trật tự, hài hòa.

Ngày nay, chúng ta bảo vệ rừng, không săn bắt chim thú bữa bãi như trước kia nữa, nên hiểu về luật của rừng, cũng như lõng của chim, thú là để bảo vệ chúng được tốt hơn.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm