Ngẫm ngợi cuối tuần: Thói quen

19/12/2015 13:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cái đói, cái thiếu triền miên trong cuộc sống tạo nên một thói quen nhặt nhạnh, cất giữ - một thói quen tiểu nông của không ít người. “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” chính là đúc kết từ đời sống nghèo của nông thôn tự ngàn xưa.

Bảo thế là xấu hay tốt?

Đó là bản năng sống cả thôi. Con kiến còn biết  tha hạt gạo, dọn một cái kho trong tổ để cất trữ, con sóc biết mang hạt dẻ vào góc ổ để dành. Chuyện đó đâu phải chỉ có ở con người.

Nhưng con người thời đại nay thì nhặt nhạnh tích trữ không cùng. Người người lớp lớp đi quá xa sự tích lũy cần thiết mà không chịu dừng, dân gian gọi là “tham như thùng không đáy”.

2. Dân ta có thói quen, hỏng việc, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác  hoặc cao hơn là đổ lỗi cho một thế lực vu vơ nào đó!

Thói quen đổ lỗi đó làm cho con người ta chậm tiến bộ vì không bao giờ sửa mình khi cái sai sót đó đã được đổ lỗi cho người khác! Chỉ có thành tích vơ vào, còn cái sai, cái sót đẩy xa mình càng xa càng tốt!

Bạn tôi kể, giám đốc của anh trước đó làm nghề đứng bục giảng dạy ở một trường đại học được cất nhắc sang doanh nghiệp. Ông đã lãnh đạo doanh nghiệp theo cách  đứng bục giảng.

Thế là nảy sinh mâu thuẫn, cấp dưới cãi lại. Ông bực mình vì cho rằng mình bị coi thường. Bạn tôi bảo: thế đã bao giờ anh nghĩ lỗi của họ xuất phát từ cách quản lý anh không?

Câu hỏi bất ngờ, giám đốc buột miệng: Thế anh nghĩ tôi sai à? Mọi quyết định của tôi đều trên lợi ích của cơ quan. Bạn tôi trả lời: đấy là chủ quan của anh, còn khi bị cãi lại là quyết định đó có vấn đề: hoặc người ta chưa hiểu, hoặc nó chạm vào danh dự, chạm vào lợi ích hợp pháp của họ.

Bạn tôi cho rằng anh nên nghĩ lại. Nhưng anh đâu chịu nghe, và cho rằng mình bị xúc phạm. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình cũng từng xúc phạm người khác…Với anh chỉ có dưới sai, trên đúng.

3. Hai ví dụ trên chỉ là nói đến thói quen. Ví dụ thứ nhất là thói quen tốt nhưng khi  thái quá thành nhặt nhạnh và khó mở mang cái đầu. Đẩy lên cao nữa là tham nhũng vơ vét thì hết nói! Còn ví dụ sau thì hẳn là xấu thật rồi. Rất tiếc nó lại mang tính phổ biến trong xã hội.

Vay tiền, hoặc nhờ việc gì không được lại trách người ta là keo kiệt, bủn xỉn, thiếu tình thương, hoặc không tin bạn bè. Đó là thói xấu khá đặc trưng trong xã hội, luôn mang cái thước của mình ra đo vào người khác để đánh giá, mà quên rằng đó chỉ là suy nghĩ của mình.

Được giao việc mà không hoàn thành thì tìm mọi cách đổ cho khách quan. Cá nhân thì xấu rồi, nhưng bây giờ cả cơ quan công quyền cũng mắc nặng tật này vì sợ mất thành tích! Mà khi đổ được lỗi cho chỗ khác thì mình thành thanh bạch chả có tội gì!

Đó có phải thói quen tiểu nông như nhiều người từng nghĩ không nhỉ? Nó đang thành vật cản nặng nề cho sự phát triển của đất nước!

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm