Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện của người làm bon sai

25/07/2015 06:52 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi ở giữa làng hoa cây cảnh, nên mở mắt là đã thấy hoa, thấy cây bon sai.

Chơi cây ở xứ ta thì nhiều, nhưng chăm sóc cây sao cho khỏe đẹp và bền chắc thì không phải ai cũng làm được.

Nghề chơi cũng công phu lắm!

Mười người chơi cây cảnh liệu có nổi một người biết chăm sóc cây theo đúng nghĩa của từ này. Cũng vậy, mười người học vẽ ra trường cầm bằng tốt nghiệp như nhau nhưng liệu có lấy nổi một họa sĩ.

Tôi chơi với một nghệ nhân cây cảnh. Gọi nghệ nhân vì ông đã ngoại bảy mươi và là đời thứ ba thứ tư gì đó làm cái nghề tưởng như rong chơi này. Ông có biệt tài tạo dáng bon sai. Có lần tôi thấy ông cắt trụi một gốc cần thăng để tạo thế mới.

Nhìn ông cầm kéo tỉa xoèn xoẹt, lia những cành, những mầm mà mình thấy xót. Nhưng ông “cán  bộ tổ chức” bon sai này cứ nhoay nhoáy tay kéo như anh thợ cắt tóc lành nghề...

Một tháng sau và ba năm sau, một cây bon sai mới dáng tuyệt đẹp. Tôi có chụp ảnh để lưu lại so sánh, mới thấy cây ông mua về lúc ấy so với cây ông cắt tỉa uốn nắn không khác gì bú rù đứng cạnh cô tiên.

Ông bảo:

- Cây có tỉa mới cho mầm mới khỏe. Có những cành vô dụng phải cắt sớm cho những mắt mầm mới nảy. Cây trông thế mà lịch lãm lắm.Mắt mầm có trên thân nhưng nó không nẩy ngay đâu. Nó có ý lắm, đợi có cành già  cắt đi nó mới nảy chồi. Trồng cây biết tỉa cành thì cây mới hay, mới đẹp. Có loại phải tỉa nhiều lần, có cây phải đốn đau nó mới ra hoa kia.

Bỗng giọng ông chuyển đột ngột sang đề tài khác:

- Tôi mà là cán bộ tổ chức, tôi tỉa không thương tiếc những cành vô dụng, sâu sia thì bảo đảm với anh, chỉ thế “cái cây xã hội” mới khỏe được. Đám cành vô dụng không cho chồi, mầm nảy lên đang quá dày đặc, ông ạ!

Hóa ra người trồng bon sai cũng đau đáu chuyện nước nhà.

Các quan làm tổ chức đau đáu như thế thì đất nước được nhờ...

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm