23/01/2019 11:20 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Loài hoa Tớ Dày (Pằng Tớ Dày) gắn với mùa xuân ở vùng núi Tây Bắc. Đặc biệt, trong tâm thức cộng đồng dân tộc Mông ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung, hoa Tớ Dày nở là một tín hiệu báo mùa mùa Xuân đã về.
Khi hoa Tớ Dày bung nở trên rừng, điểm tô sắc thắm cho đại ngàn ở những vùng cao hoang hoải, làm bừng sáng không gian núi đồi, bản làng như được khoác lên trên mình một màu áo mới. Lúc đó đất trời vào mùa giao hòa, nảy nở, sinh sôi, con người cũng bước vào một mùa xuân với bao niềm vui, ước mơ và hy vọng.
Tớ Dày là loài cây thuộc loại thân gỗ, tán rộng, mọc ở trên những sườn đồi, triền núi, hay những thung sâu - những nơi có địa thế cao hằng trăm mét so với mực nước biển, trong năm khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt biến đổi và có sự chênh lệch rõ ràng. Hoa Tớ Dày có năm cánh hồng như hoa đào ta, nhưng khi nở thì kết chùm, nhụy hoa Tớ Dày lại rất dài và mang màu đỏ. Vì đặc điểm này hoa Tớ Dày dễ làm nhiều người lầm tưởng là hoa Anh đào, nhưng hoa Anh đào có nhiều cánh, xếp chồng thành nhiều lớp khi nở.
Hoa Tớ Dày thường nở vào dịp Tết của cộng đồng dân tộc Mông, trước Tết của người Kinh độ vài tháng trở lại. Hoa nở rộ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng chừng vài tuần. Khi hoa Tớ Dày đua nở, cũng là thời điểm trai gái người Mông trên những rẻo cao đầy nắng, gió và sương giăng gọi nhau đi trẩy hội, du xuân. Bản làng chuẩn bị tổ chức lễ hội Gầu tào; trẻ con trong các bản làng hòa vào nhau thành từng tốp chơi ném pa pao, chọi cù… Già làng, trưởng bản mua sắm những bộ quần áo mới để thực hiện những nghi thức tín ngưỡng dân gian của cộng đồng còn được bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ. Loài hoa này cũng hiện diện trên trang phục của thiếu nữ Mông, hòa vào tiếng khèn, đàn môi của những đôi trai gái đang tỏ tình bên núi.
Cây hoa Tớ Dày thường mọc ở những vùng núi cao. Điều thú vị là mọc trên vùng đất hội đủ các điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt cây mới cho nhiều nụ, nở nhiều hoa và mang sắc thắm đặc trưng. Tại tỉnh Điện Biên, cây hoa Tớ Dày mọc nhiều ở những “miền khát” Tây Trang (huyện Điện Biên), các bản rẻo cao thuộc các xã Sa Dung, Na Son, Pú Nhi, Keo Lôm, Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) và các xã phía Bắc của cao nguyên đá Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa). Ở huyện Nậm Pồ và vùng cực Tây huyện Mường Nhé, cũng có cây hoa Tớ Dày nhưng mật độ thưa hơn. Tháng 9, tháng 10, cây Tớ Dày bắt đầu trút lá để nhường nhựa sống, dưỡng chất cho những chồi búp non, nụ hoa vừa nhú trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Bước vào tháng 11, năng lượng của cây sau quá trình được gạn lọc, chắt chiu trong những ngày nắng nóng, mưa lạnh sẽ đổ dồn, tích tụ lên từng chồi non, nụ hoa. Rồi khi trời đổ nắng, chồi non, nụ hoa sau quá trình được ướp trong những cơn mưa xuân lất phất đầu mùa sẽ đua nở như bừng tỉnh sau một giấc ngủ vùi dài ngày. Hoa và lộc non của Tớ Dày cùng cựa mình nảy nở, sinh sôi một thời điểm, nhưng ở thời kỳ này, lá non trên những cành cây còn nhỏ, lại mang màu nâu óng mượt nên đã bị cái màu phớt hồng của cánh hoa, đỏ rực của nhụy hoa, kết nối thành từng chùm lấn át, "giành" lấy quyền sặc sỡ, tô điểm cho không gian.
Hoa Tớ Dày không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc mà còn ẩn chứa một nét đẹp dung dị, thuần khiết và thanh tao. So với hoa đào ta, hoa Tớ Dày có màu sắc thắm hơn, lại được điểm xuyến bằng nhụy đỏ dài. Nếu xét trên một cành, số lượng nụ hoa Tớ Dày nhiều hơn gấp nhiều lần so với hoa đào. Tuy nhiên, thời gian hoa Tớ Dày “đậu” trên cành lại ngắn hơn hoa đào. Nếu chặt cành Tớ Dày lìa khỏi thân cây thì hoa Tớ Dày mau tàn, dễ héo rụng. Nhưng vì nguồn nụ dồi dào, lại mau nở nên cứ một lớp hoa Tớ Dày rụng đi lại nhanh chóng được một lớp hoa khác kịp nở sum suê, phủ khắp các cành. Sự “tàn” của hoa Tớ Dày cũng mang một nét đẹp lãng mạn, khi những cơn gió mạnh vô tình ngang qua, cánh hoa Tớ Dày rơi rụng, bay theo chiều gió xa gốc cây, đem đến vẻ đẹp thật mơ màng, ấn tượng. Chính vì vẻ đẹp đó đã khiến nhiều người mê hoa như say trong rừng hoa và khó rời bước khi về với bản làng vùng cao.
Theo các cụ già làng, trưởng bản người Mông không biết loài cây này có từ bao giờ, gốc gác của nó xuất phát từ đâu, là loài cây bản địa hay ngoại lai, chỉ biết thế hệ này qua thế hệ khác, người Mông khi sinh ra và lớn lên đã thấy sắc đỏ, hồng phai của nó hiện hữu trên con đường đi lên nương, lên rừng lấy mật ong, hái củi vào mỗi độ giáp Tết. Từ khi kết nụ, chớm nở, hoa Tớ Dày đã mang đến một tín hiệu vui, một thông điệp cho cộng đồng người Mông ở những vùng cao, miền sơn cước: Một mùa xuân mới đang về. Người Mông ở Tây Bắc rất ưa thích hoa Tớ Dày bởi hoa Tớ Dày còn là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc, ít nhiều mang tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc người Mông. “Pẳng Tớ Dày”, tên của loài hoa này cũng do người Mông đặt ra.
Theo bà Lò Thị Dung, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), cũng chính vì thích vẻ đẹp của hoa Tớ Dày mà gần 7 năm qua, chồng bà và các con trai lớn trong gia đình đã cất công lặn lội lên rừng tìm và đem về được 4 cây Pằng Tớ Dày (hoa đào rừng) có độ tuổi hàng chục năm về trồng ở trong vườn, ngay sát đầu hồi. Cứ mỗi mùa xuân về, căn nhà nằm ven con đường quanh co, đèo dốc nối các xã rẻo cao Pú Nhi, Sa Dung, Na Son về thị trấn Điện Biên Đông như bừng sáng bởi sắc hoa Tớ Dày bung nở, soi bóng xuống mặt nước xanh trong của hồ thủy lợi Nậm Ngám. Cũng dễ hiểu vì sao, ngôi nhà của bà Dung lại trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách qua con đường này mỗi ngày. Không ít những đoàn phượt là những bạn trẻ cũng cất công tìm về đây để ngắm hoa, chụp ảnh, “mãn nhãn” trước vẻ đẹp của loài hoa xuất xứ từ núi rừng này.
Điều đặc biệt, vì vẻ đẹp của thế cây, dáng đứng, thân và gốc lại xù xì, bám rêu xanh, đã có không ít người ở ngoài thung lũng Mường Thanh - thành phố Điện Biên Phủ đánh ô tô tải vào “gạ” mua giá cao những cây Tớ Dày trong vườn, nhưng bà Lò Thị Dung và mọi người trong gia đình đều không bán. Theo lý giải của người nhà bà Dung, tìm được những cây đẹp như thế này là điều rất khó, “hạ sơn” và vận chuyển đưa về nhà lại càng khó hơn. Trồng, chăm sóc để “thuần” được cây sinh sống, phát triển tốt ở tiểu vùng khí hậu thấp hơn lại là điều không phải ai cũng làm được. Với lại, khi bán các cây này đi, cái “duyên” bán hàng, sửa xe đạp, xe máy của gia đình bà khó mà giữ lại được với khách.
Nhiều năm trở lại đây, cùng với các loại cây quất, lưu ly, đào... thì hoa Tớ Dày cũng là sự lựa chọn để trưng bày, chơi xuân của những người lính ở các đồn biên phòng đóng chân nơi dặm dài biên cương Tổ quốc. Còn với người dân ở khu vực lòng chảo Mường Thanh, hoa Tớ Dày tuy được nhiều người biết đến nhưng vì khó tìm, khó mua nên người dân phố thị chưa dùng nhiều đến hoa Tớ Dày để trưng bày trong những ngày Tết. Nắm bắt được điều này nên trước dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều người dân ở vùng cao các xã Sa Dung, Keo Lôm, Pú Nhi… của huyện Điện Biên Đông cũng đã vận chuyển những gốc Pằng Tớ Dày bằng xe máy, xuôi ngược những con dốc để “thâm nhập thị trường” lòng chảo để bày bán, đáp ứng nhu cầu chơi hoa ngày Tết của người dân phố núi.
Đất trời “miền cao” Điện Biên đang vào xuân, giữa bốn bề rừng núi, mùa hoa Tớ Dày đang đua nở như mời gọi những bước chân. Tâm hồn của con người cũng thêm rạo rực bước vào mùa xuân, mùa tình yêu, lễ hội. Còn với những “lữ khách” quê gốc miền xuôi được ngắm loài hoa “đặc hữu” miền núi Tây Bắc này sẽ cảm thấy lòng lắng dịu, vơi bớt nỗi nhớ quê nhà trước cái đẹp ban sơ của hoa Tớ Dày.
TTXVN/Xuân Tiến- Hải An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất